Xã hội

Lớp học đầu tiên của các nhà lãnh đạo báo chí cách mạng Việt Nam

Khánh Ly 09/08/2024 - 18:45

(TN&MT) - Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tọa lạc tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đây là công trình phục cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

anh-1(1).jpg
Sáng nay 9/8, Hội Nhà báo Việt Nam và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức Chương trình Khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.Công trình hướng tới kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Kỷ niệm 79 năm ngày Giải phóng tỉnh Thái Nguyên (20/8/1945 – 20/8/2024), 75 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (1949 – 2024) và hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025).
_mg_9173.jpg
Nhà trưng bày - Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80m2 xây trên đồi cao.
anh-2(1).jpg
Cách đây 75 năm, năm 1949, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập Trường dạy làm báo. Người chọn đặt tên Trường theo tên cụ Huỳnh Thúc Kháng - bậc chí sĩ yêu nước mà Người rất kính trọng vì “học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao”, đồng thời cũng là cây đại thụ bản lĩnh, mẫu mực của phong trào báo chí yêu nước, người sáng lập tờ báo Tiếng Dân năm 1927 để giáo dục, cổ động lòng yêu nước, kêu gọi tinh thần đoàn kết để phụng sự Tổ quốc.
img_9139.jpg
Chủ tich Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và hai lần dành thời gian viết thư động viên tinh thầy dạy và học của thầy và trò nhà trường lúc đó. Người căn dặn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!”.
img_9094.jpg
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu son đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta. Từ mái trường đơn sơ đó, lớp báo chí đầu tiên đã góp phần hình thành phẩm chất, bản lĩnh, năng lực cho nhiều nhà báo tên tuổi đóng góp to lớn cho sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước, trở thành những viên gạch quý bồi đắp nền tảng vững chắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
img_9132.jpg
Ban giám đốc gồm 5 người: Nhà báo Đỗ Đức Dục – Giám đốc; nhà báo Xuân Thủy, Phó Giám đốc; nhà báo Như Phong - Ủy viên thường trực; nhà báo, nhà thơ Tú Mỡ - Ủy viên đôn đốc; nhà báo, nhà văn Đỗ Phồn - Ủy viên giám thị. Hơn 30 giảng viên tham gia giảng dạy, là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm về chính trị, phong phú về lý luận, thực tiễn và là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ, trí thức cách mạng có tên tuổi như: Đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Lê Quang Đạo, đồng chí Tố Hữu, đồng chí Nguyễn Thành Lê, nhà báo Quang Đạm, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Thi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Nam Cao, nhà thơ Thế Lữ, nhà văn Nguyễn Tuân…
img_9136.jpg
Hơn 40 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước tham dự. Sau khi tốt nghiệp, nhiều người đã trở thành các cây bút trụ cột của nhiều cơ quan báo chí hoặc trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ nước nhà.
z5715017270285_31e3c7efa662e1169724e688b57a161a.jpg
Phát biểu tại Lễ khánh thành công trình, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Thời gian dần trôi theo dòng chảy của lịch sử, hầu hết các giảng viên, học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã về cõi vĩnh hằng. Dù muộn nhưng chúng ta vẫn đang nỗ lực tôn vinh và khắc ghi về một thế hệ nhà báo kháng chiến tiên phong trên mặt trận báo chí đã từng dành cả đời mình vì mục tiêu “Tất cả để chiến thắng” góp sức làm nên truyền thống vẻ vang và sức sống của báo chí cách mạng nước ta.
img_9093.jpg
Ngày khánh thành công trình trở thành nơi các thế hệ người làm báo, các bạn đồng nghiệp gặp gỡ nhau, chia sẻ niềm vui khi báo chí cách mạng Việt Nam có thêm một ""địa chỉ đỏ". GS.TS, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh (đứng giữa) nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ: Tôi rất cảm động khi tới thăm Trường. Những cái tên xuất hiện ở đây có thể nói là những người đóng góp rất nhiều công sức và trí tuệ cho đất nước. Như nhà báo Trần Kiên đã được Bác Hồ tặng phần thưởng cho học viên xuất sắc nhất. Nhà báo là Nguyên Bí thư Đảng ủy, Nguyên Phó tổng biên tập thường trực Báo Nhân dân. Đây là một trong những cây chính luận xuất sắc nhất, từng được Bác Hồ gọi đi tháp tùng nhiều chuyến công tác.
img_9103(1).jpg
Bà Đỗ Thị Hồng Lạng, con gái thứ tư của nhà báo Đỗ Đức Dục, Giám đốc Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chia sẻ: Khu di tích đã được tu bổ, tôn tạo rất đẹp, vừa tái hiện khung cảnh ngôi nhà tranh tre nứa lá, bờ rạ, vừa trưng bày chỉn chu, tỉ mỉ các hình ảnh, kỷ vật của những con người đã làm nên lịch sử. Tôi rất biết ơn bảo tàng báo chí Việt Nam đã phục dựng Trường dạy báo Huỳnh Thúc Kháng, để tôi có cơ hội ngắm nhìn những kỷ vật của cha tôi và các đồng nghiệp của ông. Các nhà báo tiền bối đã để lại cho hậu thế những di sản tốt đẹp, là tấm gương dấn thân vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, không ngại hy sinh gian khổ, chiến đấu bằng chính ngòi bút của mình.
img_9116.jpg
Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ: Tôi nghĩ hôm nay giống như ngày hội của giới báo chí, khi các nhà báo, phóng viên từ khắp các vùng, miền trở về đây chứng kiến Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Thời điểm năm 1949, khi kháng chiến chống Pháp chuẩn bị chuyển sang giai đoạn mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chỉ thị thành lập Trường, cho thấy tầm nhìn của Người về vai trò của báo chí cách mạng. Giảng viên và học viên đều đều là tinh hoa của giới báo chí nước nhà vào thời điểm ấy. Sau này, thực sự họ cũng đã lãnh đạo giới báo chí Việt Nam trong thời gian rất dài. Rất nhiều nhà báo nổi tiếng như nhà báo Thép Mới, nhà báo Chính Yên, Nhà báo Trần Kiên, nhà báo Mai Thanh Hải, cả những nhà báo nữ như nhà báo Lý Thị Chung... Việc xây dựng lại khu tường niệm rất có ý nghĩa và sẽ góp phần làm phong phú thêm lịch sử báo chí nước nhà. Giới nhà báo có thêm địa chỉ về ghi nhớ truyền thống. Hiện vật trong di tích phong phú, thể hiện các cán bộ Hội Nhà báo, Bảo tàng Báo chí đã bỏ ra nhiều công sức sưu tầm, thiết kế trưng bày. Đây cũng là địa chỉ đỏ với nhà báo trẻ, giúp họ có thể cảm nhận lịch sử, truyền thống từ thế hệ đi trước, có thểm niềm tin vững bước trong giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức.
_mg_9188.jpg
Khu Nhà sàn là bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946-1954, rộng 80m2, phỏng dựng từ ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến và cũng là nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam năm 1950. Bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật do các cơ quan báo chí các tỉnh Việt Bắc trao tặng.
img_9215.jpg
Vũ Tuấn Anh, Thực tập sinh của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Tham quan các hiện vật trong khu di tích, tôi nhận thấy thời xưa, các thế hệ ông cha làm báo rất khó khăn vất vả, máy quay chụp thô sơ đơn giản, phải dùng máy gõ chữ. Trong khi đó, các nhà báo trẻ hiện nay đang sống trong thời đại công nghệ, máy móc hiện đại và hỗ trợ tác nghiệp dễ dàng hơn, có các phần mềm thiết kế giúp bài viết đẹp hơn hay các nền tảng số giúp truyền tải thông tin với độc giả nhanh chóng hơn. Các thức truyền thông cũng theo hướng đa phương tiện giúp độc giả dễ tiếp cận thông tin, nội dung cũng sinh động hơn. Nếu thực sự yêu nghề báo, những nơi như Di tích Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ truyền cảm hứng cho các nhà báo trẻ hiểu thêm về nghề, nỗ lực học hỏi để phát triển các kỹ năng làm báo hiện đại và phát huy vai trò của báo chí trong thời đại hiện nay.
img_9081.jpg
Ở quảng trường nhỏ phía trước Nhà trưng bày đặt bức phù điêu khắc họa 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường. Ông Nguyễn Văn Thành (áo đen), con trai út nhà báo Đỗ Như Phong, Phó Giám đốc Trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng chia sẻ: Ngôi trường nằm bên hồ núi Cốc với địa thế rất đẹp, khung cảnh nên thơ đúng với tinh thần nhà văn, nhà báo. Bản thân tôi cũng nhớ lại những ký ức thời đi sơ tán, dù cuộc sống thiếu thốn nhưng các cụ sống với nhau chân thành và nghĩa tình. Tôi và các thành viên trong gia đình sẽ tiếp tục tìm thêm các tư liệu, hỉnh ảnh, kỷ vật để gửi đến cho Di tích.

Cùng với nhiều di tích lịch sử quốc gia đã được công nhận như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Di tích Rừng Khuôn Mánh - nơi thành lập Đội Cứu quốc quân II; Di tích Địa điểm thành lập Đội Thanh niên xung phong; Khu di tích lịch sử 27/7 - nơi công bố Thư của bác Hồ về việc lấy ngày 27/7 là Ngày Thương binh; Khu tưởng niệm sự hy sinh anh dũng của 60 Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái…, Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ làm phong phú hơn mạng lưới các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của vùng Chiến khu Việt Bắc. Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn khai thác và phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử to lớn của Di tích, bổ sung thêm một điểm đến ý nghĩa trên bản đồ báo chí Việt Nam đương đại, đáp ứng mong mỏi của các thế hệ người làm báo cả nước, hấp dẫn công chúng trong và ngoài nước, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đối với thế hệ trẻ cũng như du lịch lịch sử của Thái Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lớp học đầu tiên của các nhà lãnh đạo báo chí cách mạng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO