Đồng hành với Chính phủ, thời gian qua, báo chí cả nước đã nỗ lực với tinh thần hăng hái, phấn khởi đẩy mạnh tuyên truyền công cuộc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân, góp phần xứng đáng vào những thành tựu phát triển đất nước.
Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến đã đóng góp tiếng nói đa chiều, phong phú trên tinh thần xây dựng và cổ vũ, ủng hộ việc “tuyên truyền xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động” ngày càng chất lượng, hiệu quả.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cần phải hiểu được khái niệm thế nào là Chính phủ kiến tạo, hiểu được nội hàm của Chính phủ kiến tạo, báo chí cũng như người dân mới hành động, theo dõi và đánh giá được.
TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng, đầu tiên, nói đến Chính phủ kiến tạo là chúng ta phải nhìn kết quả để đánh giá, chứ không nhìn vào quy trình. Từ đó, phải thay đổi hệ điều hành. Đó là “lực đẩy” - vế kiến tạo thứ nhất.
Vế kiến tạo thứ hai, đó là lực kéo. Muốn có lực kéo, phải có tư duy tầm chiến lược để định hướng cho quốc gia phát triển. Hiện chúng ta mới tập trung vào lực đẩy, trong thời gian tới cần tập trung nhiều hơn nữa vào lực kéo.
TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, bên cạnh việc thông tin chính xác, báo chí cũng cần hiểu được tác động của thông tin đó đối với sự phát triển của đất nước.
Theo Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, môi trường kinh doanh, sự phát triển của doanh nghiệp, tác động của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo thể hiện rất rõ trong 2 năm vừa qua. Đó là sự thay đổi tư duy về quản lý Nhà nước, vai trò của doanh nghiệp, người dân, mức độ bảo đảm quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, phòng phòng chống tham nhũng, cách điều hành mới.
Theo Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Vi Quang Đạo, trong quá trình tham gia xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, các cơ quan báo chí phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả tác động của công tác truyền thông. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả, tác động truyền thông, các cơ quan báo chí cần phải đầu tư hơn cho nội dung thông tin về các hoạt động của các cơ quan chính quyền; đồng thời, đòi hỏi người làm báo không chỉ nắm vững được những vấn đề chính sách phức tạp mà còn phải có bản lĩnh, không ngại va chạm.
Ông Vi Quang Đạo nhấn mạnh, một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là phải chống “lợi ích nhóm” trong truyền thông. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “chống lợi ích nhóm” trong xây dựng thể chế và trong hoạt động của các cơ quan. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một Bộ, một ngành nào đó. Không được cài cắm vào Luật những nội dung không vì lợi ích chung mà phục vụ lợi ích riêng cho đơn vị của mình, ngành mình hoặc nhóm người nào đó bị chi phối”. Tinh thần này của Thủ tướng cũng cần được quán triệt ngay cả trong hoạt động truyền thông chính sách.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nhận thức rõ ràng hơn về vai trò của báo chí và tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của báo chí.
Ngoài ra, để tuyên truyền tốt nhất về Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, trước hết, báo chí phải tuyên truyền cho công chúng biết được, hiểu được chủ trương của Chính phủ, qua đó, tạo được sự đồng thuận xã hội.
Bên cạnh việc cổ vũ các Bộ, ngành, những nơi làm tốt, có những sáng tạo trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, báo chí cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ về những việc làm tiêu cực hay những phân tích, đóng góp để xây dựng chính sách một cách hoàn thiện hơn. Các cơ quan báo chí cũng cần thông tin chính xác, trung thực, đấu tranh đẩy lùi những thông tin nhũng nhiễu, thiếu chính xác trên các mạng xã hội.