Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí truyền thông
(TN&MT) - Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nền báo chí cách mạng luôn phải ý thức về sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị của mình, phải giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng,” “những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc.”
Đó là nhận định của Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội thảo khoa học “Quan điểm, định hướng giải pháp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức ngày 8/11 tại Hà Nội.
Hội thảo nhằm góp phần cung cấp những luận cứ khoa học rất quan trọng cho việc xác định quan điểm chỉ đạo, đề xuất các giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam từ nay đến giữa thế kỷ XXI, để báo chí - truyền thông nước nhà phát huy tối đa những thành tựu lịch sử đã đạt được trong gần 100 năm qua, tiếp tục có những đóng góp thiết thực khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS, TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, thời gian qua nhiều cơ quan báo chí, nhiều cán bộ, nhà báo, phóng viên xuất sắc, tâm huyết với nghề, luôn trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, đi sâu đi sát vào thực tiễn đời sống, bởi “báo chí của ta cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội... để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”.
“Đặc biệt, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông ngày càng được nhìn nhận một cách đầy đủ, sâu sắc hơn trong hệ thống các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí - truyền thông, cơ sở đào tạo, nghiên cứu báo chí - truyền thông trên cả nước, là nhân tố quan trọng quyết định đến những thắng lợi rực rỡ của nền báo chí - truyền thông nước nhà thời gian qua", - GS. TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo GS, TS. Lê Văn Lợi, báo chí - truyền thông ở nước ta cũng đang đối mặt với nhiều nhiều thử thách, khó khăn bởi biến động phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, nhất là sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, phản động trên mặt trận tư tưởng, cũng như bản thân những tồn tại, hạn chế trong nội tại hoạt động của nền báo chí - truyền thông Việt Nam. Đặc biệt, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ 4.0 với trọng tâm là chuyển đổi số đã mở ra cơ hội phát triển chưa từng có cho những người làm báo, nhưng đồng thời cũng tạo ra không ít áp lực và thách thức.
Do đó, việc tìm ra những hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh vào phát triển báo chí - truyền thông ở nước ta để phù hợp với bối cảnh và điều kiện hiện nay là vấn đề có tính cấp bách.
Báo cáo đề dẫn, PGS. TS. Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là bất biến và tiếp tục là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của báo chí - truyền thông trong nước, nhưng cần phải được hiểu, vận dụng và phát triển một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
PGS, TS. Mai Đức Ngọc đánh giá, đây là vấn đề khó, phức tạp, đòi hỏi cần phải tiến hành đánh giá một cách khách quan, toàn diện việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông thời gian qua đã và đang được diễn ra như thế nào.
Đặc biệt là những tư tưởng của Người về sứ mệnh, nhiệm vụ, phẩm chất, năng lực người làm báo chí - truyền thông hiện đại, yêu cầu đối với sản phẩm báo chí - truyền thông đặt trong bối cảnh hiện nay - bối cảnh chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm phát huy những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng; đồng thời bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống lý luận về phát triển báo chí - truyền thông trong thời kỳ mới cũng như hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển báo chí - truyền thông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận về định hướng giải pháp nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông ở Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã gợi mở, đặt ra nhiều vấn đề nóng của báo chí-truyền thông hiện nay như: Số lượng cơ quan báo chí, số lượng nhà báo, quan hệ giữa tòa soạn và cộng tác viên, bản quyền báo chí, kinh tế báo chí, chuyển đổi số báo chí…
PGS.TS Hà Huy Phượng, Trưởng ban Tổ chức-Cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học quý giá về nghề báo. Trong đó, có 2 bài học chính, đó là bài học làm báo cách mạng và bài học làm báo chuyên nghiệp.
TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đề xuất một số giải pháp tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí như bên cạnh việc nâng cao nhận thức của các chủ thể lãnh đạo, quản lý báo chí-truyền thông, cơ quan báo chí phải làm tốt trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân; hoạt động đúng tôn chỉ mục đích; thực hiện tốt việc chuyển đổi số; nâng cao chất lượng các chuyên mục chuyên đề…