Được công bố chưa đầy ba tháng trước khi COP26 diễn ra ở Glasgow, Báo cáo Đánh giá lần thứ 6 này của IPCC có thể sẽ là cơ sở của các cuộc đàm phán, củng cố cơ sở lý luận cho các kết quả mạnh mẽ của Glasgow bao gồm giảm phát thải, thích ứng, huy động tài chính và hợp tác. Đây là báo cáo đầu tiên trong số ba báo cáo chính sẽ tạo nên Chu kỳ đánh giá lần thứ sáu. Báo cáo thứ hai sẽ đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với con người và hệ sinh thái, và báo cáo thứ ba sẽ đánh giá sự tiến bộ của IPCC trong việc hạn chế phát thải. Cả hai báo cáo sẽ hoàn thành vào năm 2022 và dự kiến sẽ hỗ trợ thêm cơ sở cho các hành động khí hậu khẩn cấp.
Để hiểu rõ hơn về những điểm mới trong Báo cáo Đánh giá biến đổi khí hậu lần thứ 6, Phóng viên (PV) Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với PGS. TS Nguyễn Văn Thắng – Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu.
PGS. TS Nguyễn Văn Thắng - Viện trưởng Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu |
*PV: Thưa ông, Báo cáo đánh giá biến đổi khí hậu lần thứ 6 (AR6) có gì mới so với các báo cáo trước đây?
PGS.TS Nguyễn Văn Thắng:
Báo cáo của IPCC lần này dựa trên kết qủa của hơn 100 phiên bản mô hình với đầu vào là 5 kịch bản phát thải khí nhà kính so với 4 kịch bản phát thải RCP của Báo cáo AR5. Với 5 kịch bản phát thải, với tên gọi mới “Kịch bản chia sẻ kinh tế - xã hội” (Shared Socioeconomic Pathways - SSP) được xây dựng dựa trên giả định về sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, đó là các kịch bản sử dụng năng lượng, kiểm soát ô nhiễm không khí, việc sử dụng đất và phát thải khí nhà kính bằng cách sử dụng các mô hình đánh giá tích hợp. Với những cải thiện mới, kỳ vọng báo cáo đánh giá lần thứ 6 này của IPCC cho phép đưa ra những dự báo tin cậy hơn về sự nóng lên trong tương lai.
Để có thể hình dung về những thay đổi của khí hậu trong tương lai so với những gì mà chúng ra đã chứng kiến gần đây, trong báo cáo lần này, IPPC đã thay thời kỳ so sánh từ 1986 – 2005 trong báo cáo AR5 bằng 1995-2014. Thời kì 1995-2014 có chênh hơn 0,08 độ so với giai đoạn 1986-2005, và cao hơn 0,85 độ so với thời kì tiền công nghiêp 1850-1900.
Trong AR6, các đánh giá sự biến đổi nhiệt độ lịch sử được thể hiện cho sự thay đổi nhiệt độ bề khí quyển (global surface air temperature - GSAT, T2m) thay vì nhiệt độ trung bình bề mặt toàn cầu và nhất quán cho kịch bản trong tương lai.
Một trong những tiến bộ quan trọng nhất trong báo cáo AR6 WGI là đưa thêm thuật ngữ “độ nhạy của khí hậu cân bằng” (equilibrium climate sensitivity-ECS), cho phép đưa ra những dự báo tin cậy hơn về sự nóng lên trong tương lai.
Báo cáo AR6 vẫn sử dụng các thuật ngữ mà AR5 đã sử dụng để mô tả độ tin cậy của các thông tin. Tuy nhiên được định lượng và phân cấp chi tiết, chặt chẽ hơn lần trước nhằm đưa ra kết luận, truyền đạt thông tin các kết quả, phù hợp và thuyết phục hơn.
Nhiệt độ bề mặt toàn cầu đang tăng với tốc độ đáng báo động
*PV: Những kết quả quan trọng mà Báo cáo AR6 đưa ra là gì, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Thắng:
Báo cáo AR6 đưa ra kết quả dự báo rằng: Nhiệt độ trái đất có thể tăng đạt ngưỡng 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào giữa những năm 2030. Điều này dựa trên cơ sở nhiệt độ bề mặt toàn cầu đang tăng với tốc độ đáng báo động. Hiện nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu đang ở mức khoảng 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nhiệt độ trên đất liền tăng nhanh hơn trên đại dương. Thập kỷ đầu của thế kỷ 21 nóng hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong 125.000 năm trở lại đây. Theo báo cáo AR6, nói chung, giới hạn nhiệt độ 1,5°C “sẽ bị vượt quá trong thế kỷ 21” trong các kịch bản phát thải trung bình hoặc cao hơn. Sự nóng lên trong giai đoạn 2021-2040 rất có khả năng vượt quá 1,5°C trong điều kiện lượng phát thải rất cao và cũng có khả năng xảy ra như vậy trong điều kiện phát thải trung bình hoặc cao. Ngay cả khi lượng khí thải thấp, như trong SSP1-2.6, sự nóng lên trong thời gian ngắn vẫn có nhiều khả năng đến 1,5°C.
Chúng ta đang nổ lực để ít nhất là đến năm 2040, nhiệt độ chỉ tăng thêm 1,5 °C - một giới hạn nóng lên tối thiểu đã được đặt ra bởi Thỏa thuận Paris. Trên thực tế, nhiệt độ bề mặt toàn cầu sẽ tiếp tục tăng cho đến ít nhất là giữa thế kỷ, bất kể nỗ lực của các quốc gia để làm giảm thiểu điều này. Do vậy, những việc chúng ta cần làm lúc này cho tương lai của hành tinh là ngay lập tức thực hiện cắt giảm khí nhà kính, việc giảm phát thải vẫn có thể làm giảm tác động đến các thế hệ tương lai và hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C. Điều quan trọng là vấn đề này liên quan đến quá trình thúc đẩy đáng kể việc áp dụng các công nghệ loại bỏ carbon. Mặt khác, nếu thế giới tiếp tục không làm gì hoặc hành động chậm như hiện nay, sự nóng lên toàn cầu có thể tăng lên 3,3-5,7°C vào cuối thế kỷ 21.
Sự nóng lên toàn cầu sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra mưa, lũ cực đoan. Những trận lũ lụt kỷ lục gần đây đã xảy ra ở các quốc gia ở bán cầu Bắc. Báo cáo AR6 chỉ rõ biến đổi khí hậu đã và đang có tác động đến chu trình nước và dẫn đến những hiện tượng cực đoan như vậy. Các kết quả được đưa ra với độ tin cậy cao khi hành tinh nóng lên bao gồm: Các đợt mưa lớn dữ dội hơn và nguy cơ lũ lụt lớn hơn, hạn hán ngày càng nghiêm trọng do sự nóng lên trên đất liền làm tăng lượng bốc hơi. Sự thay đổi hoàn lưu nhiệt đới làm tăng cường mưa cực trị ở các vùng gió mùa.
Cùng với đó, nhiệt độ trên các đại dương đang tăng, băng ở các cực dự tính tăng nhanh hơn so với công bố trước đây. Báo cáo AR6 khẳng định nhiệt độ bề mặt biển trung bình toàn cầu (SST) đã tăng lên trong thế kỷ 20. Mức tăng trung bình từ năm 1850-1900 đến năm 2011-2020 là 0,88°C, với hơn hai phần ba mức tăng đó xảy ra kể từ sau năm 1980. So với 1995-2014, SST được dự tính sẽ tăng trung bình 0,86°C theo kịch bản SSP1-2.6 và trung bình 2,89°C theo kịch bản SSP5-8.5 vào giai đoạn 2081-2100. AR6 dự báo sự tan chảy của băng ở Nam Cực nhanh gần gấp 2 lần so với AR5, dẫn đến kịch bản nước biển dâng cho năm 2100 cao hơn 77 cm (63-101 cm) so với mức 71 cm (49-95cm) trong báo cáo AR5.
Con người đang làm hành tinh nóng lên
*PV: Như vậy, toàn cầu đang nóng lên và có thể gây ra nhiều hệ lụy. Nguyên nhân do đâu và biến đổi khí hậu sẽ tác động ra sao?
PGS. TS Nguyễn Văn Thắng:
Báo cáo lần này của IPCC tuyên bố chắc chắn rằng, các tác động của con người là nguyên nhân chính cho sự nóng lên toàn cầu: “Đó là một thực tế, không thể chối cãi rằng con người đang làm hành tinh nóng lên". Do hoạt động của con người - phần lớn là đốt nhiên liệu hóa thạch, nồng độ khí nhà kính trong khí quyển đã tăng cao hơn bất cứ thời kỳ nào trong hai triệu năm qua, với nồng độ tiếp tục tăng lên trong năm 2020 mặc dù ượng phát thải toàn cầu hàng năm giảm tạm thời do hậu quả của đại dịch Covid-19. Kết quả, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến mọi khu vực có người sống ở trên Trái đất, và những hậu quả như mực nước biển dâng, axit hóa đại dương và băng vĩnh cửu tan là không thể tránh khỏi và được coi là gần như không thể đảo ngược.
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi khu vực trên thế giới, gây bất lợi cho sức khỏe con người, hệ sinh thái và môi trường. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra, với mọi khu vực được dự báo sẽ chịu tác động của khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là các hiện tượng nóng cực đoan, mưa, lũ lớn và hạn hán với mức độ tăng hơn so với Báo cáo AR5.
Những biến đổi này sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe và đời sống của con người, đặc biệt là khi khí hậu thay đổi đột ngột sẽ ngày càng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất lương thực toàn cầu. Những thay đổi như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến một nền kinh tế toàn cầu. Ví dụ, những thay đổi trong băng tuyết và lũ lụt trên sông ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á có thể tác động đáng kể đến cơ sở hạ tầng, du lịch, giao thông và sản xuất năng lượng.
Những hình thái thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục gia tăng |
Phải giảm lượng khí mê-tan
*PV: Nguyên nhân khiến trái đất nóng lên là do con người, vậy yếu tố nào mà con người gây ra có tác động đến khí hậu mạnh mẽ đến vậy, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Văn Thắng:
Khí thải metan hiện là mối quan tâm chính của toàn cầu. Mê-tan là một loại khí nhà kính mạnh có tác dụng làm nóng cao hơn 80 lần so với Các-bon Đi-ô-xít (CO2) trong khoảng thời gian 20 năm. Lần đầu tiên, báo cáo của IPCC nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm "mạnh mẽ, nhanh chóng và bền vững" lượng khí thải metan, ngoài việc cắt giảm khí thải CO2, để làm chậm sự nóng lên và đạt được các mục tiêu khí hậu. Theo IPCC, trong mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1,1°C thời gian qua thì có 0,3°C đóng góp từ khí metan. Chính vì vậy, việc giảm khí mêtan bền vững được coi là điều cần thiết để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và nhiều biện pháp giảm thiểu có lợi ích kép là cải thiện chất lượng không khí địa phương.
Báo cáo này một lần nữa gióng một hồi chuông cảnh tỉnh đến các chính phủ của các nước để kết hợp xem xét các chính sách tích cực về giảm nhẹ khí mêtan vào chiến lược khí hậu của họ. EU đang xem xét các đề xuất giảm khí mêtan mới vào mùa thu này. Ở Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden đang chuẩn bị thắt chặt các quy tắc, điều này sẽ ảnh hưởng đến các nước phát thải khí mêtan lớn, chẳng hạn như các công ty trong các công ty dầu khí, nông nghiệp và chất thải.
*PV: Vậy đâu là cơ hội để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 °C vào cuối thế kỷ 21, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Văn Thắng:
Nếu thế giới có hành động quyết liệt với việc giảm phát thải ngay lập tức, nhanh chóng và trên quy mô lớn, sự nóng lên có thể bị giới hạn ở mức 1,5°C vào cuối thế kỷ 21. Lượng carbon còn lại của thế giới mà chúng ta có thể phát ra và vẫn có 50% cơ hội hạn để chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C chỉ khoảng 460 gigatonnes carbon dioxide (GtCO2) tính đến đầu năm 2021, tương đương với hơn một thập kỷ lượng khí thải hiện tại trước khi chúng ta cạn kiệt ngân sách.
Báo cáo của IPCC chỉ ra yêu cầu cơ bản để xác định lại cách chúng ta sử dụng và sản xuất năng lượng, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ cũng như quản lý đất đai. Loại bỏ carbon cũng sẽ là cần thiết để bù đắp cho lượng khí thải khó giảm hơn. Và trong khi quy mô chuyển đổi cần thiết là rất lớn, nó cũng cung cấp một cơ hội lớn, chuyển đổi có thể dẫn đến việc làm chất lượng công việc tốt hơn, lợi ích sức khỏe và sinh kế tốt hơn.
Châu Á đối diện với nắng nóng khắc nghiệt, mưa lũ và sạt lở
*PV: Theo Báo cáo mới này thì biến đổi khí hậu sẽ tác động đến khu vực châu Á và Việt Nam như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Thắng:
Ngày càng có nhiều bằng chứng và độ tin cậy cao về các hiện tượng nhiệt độ khắc nghiệt thường xuyên hơn ở thập kỷ gần đây so với những thập kỷ trước ở hầu hết châu Á. Các hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt rất có thể trở nên gay gắt hơn và/hoặc thường xuyên hơn, các đợt nóng bất thường xảy ra ngày càng nhiều. Ở Châu Á, nhiệt độ đã ấm lên trong thế kỷ trước và các đợt nắng nóng khắc nghiệt đã trở nên thường xuyên hơn ở hầu hết các khu vực và rất có thể sẽ tăng ở tất cả các khu vực của châu Á (trong đó có Việt Nam). Các ngưỡng nhiệt độ nguy hiểm chẳng hạn như > 41°C sẽ được vượt qua thường xuyên hơn nhiều so với những năm gần đây.
Trong khi đó, cường độ và tần suất các đợt lạnh, cũng như số ngày băng giá, ở hầu hết các nước Châu Á đã giảm kể từ đầu thế kỷ 20, ngoại trừ các khu vực trung tâm Á-Âu nơi có sự lạnh đi xu hướng trong giai đoạn 1995-2014 có liên quan đến mất băng biển ở Biển Barents – Kara. Các đợt lạnh sẽ có tần suất giảm dần trong tất cả các kịch bản trong tương lai trên khắp các khu vực châu Á. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra các đợt rét đậm, rét hại kéo dài.
Về mưa, lũ: Với sự gia tăng của lượng mưa lớn ở hầu hết các khu vực châu Á, tần suất và cường độ lũ sông sẽ thay đổi do đó ở Châu Á, lũ lụt sẽ tăng lên với các mức độ khác nhau trong điều kiện ấm lên của trái đất.
Ở Châu Á, sạt lở đất là hiểm họa tự nhiên thường xuyên xảy ra nhất ở các vùng đồi núi. Do sự gia tăng của lượng mưa lớn và lớp băng vĩnh cửu tan ra làm gia tăng sạt lở đất dự kiến sẽ xảy ra ở một số khu vực của Châu Á trong tương lai.
Số lượng các cơn bão mạnh cũng sẽ gia tăng, chẳng hạn như số lượng bão đạt cấp 10 - 12 (tốc độ gió lớn hơn 28 m/s) sẽ gia tăng. Số lượng xoáy thuận nhiệt đới trong tương lai có thể giảm nhưng cường độ gió tối đa sẽ gia tăng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Phản ứng của các bên liên quan sau khi IPCC công bố cáo cáo AR6
Các báo cáo đã thu hút phản ứng rộng rãi từ phương tiện truyền thông, chính trị gia, các doanh nghiệp, và các tổ chức xanh, với sự đồng thuận nhất trí rằng: Hành động khẩn cấp phải được thống nhất tại COP26. Thủ tướng Anh Boris Johnson mô tả báo cáo như là một “bài đọc tỉnh táo” sẽ cung cấp cho thế giới một lời cảnh tỉnh trước COP26.
Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu, đồng ý rằng COP26 phải là một “điểm giới hạn” cho hành động khí hậu. Với bất bình đẳng khí hậu là một chủ đề kéo dài trong các cuộc thảo luận tại COP, chúng tôi lưu ý các nhận xét từ Diann Black- Layne, Trưởng đoàn đàm phán về khí hậu tại Liên minh các quốc đảo nhỏ đang phát triển, một trong những nơi tồi tệ nhất của nhóm bị ảnh hưởng: “Nếu chúng ta dừng việc nóng lên toàn cầu đạt 2°C, chúng ta có thể tránh được mực nước biển tăng 3m trong thời gian dài. Đó chính là tương lai của chúng ta”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các chính phủ quốc tế đều trả lời lời kêu gọi thay đổi ngay lập tức. Thủ tướng Úc, Scott Morrison, lập luận chống lại việc áp dụng mục tiêu đó: "Úc đang làm phần việc của mình", Morrison nói: "Tôi sẽ không ký một tấm séc trống thay mặt người Úc cho các mục tiêu mà không rõ kế hoạch". Các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh lại các chính sách hiện có của Trung Quốc, sẽ chứng kiến họ đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030, trước khi giảm xuống 0 vào năm 2060. Ngoài những phản ứng này, hầu hết đều chỉ ra sự cần thiết của tất cả các quốc gia để biến tham vọng thành hành động.
Các nhóm môi trường đã nhất trí trong phản ứng của họ, kêu gọi mở rộng quy mô khẩn cấp của việc khử cacbon trong nỗ lực của chính phủ, doanh nghiệp và xã hội. Đặc biệt, Tổ chức hòa bình xanh cảnh báo rằng họ sẽ "đưa báo cáo này ra tòa án" khi các tổ chức phi chính phủ môi trường xem xét kiện tụng chống lại các chính phủ và các công ty năng lượng vì không phản ứng đầy đủ với cuộc khủng hoảng khí hậu.
Ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26, nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động trên toàn thế giới: "Thông điệp của chúng tôi cho mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và một phần của xã hội rất đơn giản. Thập kỷ tiếp theo là quyết định: Làm theo khoa học và nắm lấy trách nhiệm của bạn để giữ cho mục tiêu 1,5°C còn khả thi"./.