Xã hội

Bản làng ấm no từ đôi tay những người phụ nữ

Trần Hương 17/10/2023 - 16:48

(TN&MT) - Tự bao đời nay, người phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng núi cao, tuy ngôn ngữ khác nhau, văn hóa khác nhau, nhưng họ đều có chung một đức tính nhẫn nại, cần cù chăm chỉ. Chính đức tính đó đã làm những ngôi nhà ấm lên sau mỗi đêm đông, bàn làng thêm giàu có, con đường vào bản thêm sạch đẹp… tất thảy nhờ vào đôi bàn tay siêng năng của những người phụ nữ đồng bào các DTTS ở Điện Biên.

Phụ nữ DTTS nâng lên quyền bình đẳng…

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi có dịp tiếp xúc với rất nhiều chị em phụ nữ là người nông dân thực sự của rất nhiều dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Hà Nhì, Cống, Dao… Họ đều có chung một đức tính cần cù, nhẫn nại, kiệm lời, mộc mạc, chất phác… Cách họ thể hiện tình yêu với chồng, con là những ngôi nhà luôn đỏ lửa mỗi đêm đông. Ngô, lúa đầy bồ và mùa nào thức nấy. Ít khi nghe thấy tiếng họ càm ràm…

a-1.jpg
Chị em phụ nữ dân tộc Khơ Mú trong lễ hội mùa xuân

Ngoài việc chăm sóc gia đình như bao người phụ nữ khác thì chị em phụ nữ đồng bào các DTTS ở hầu hết các bản vùng cao, xã vùng sâu của tỉnh Điện Biên những năm trở lại đây họ tham gia rất tích cực vào những phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), bảo vệ môi trường. Đây là những việc làm gắn với đời sống hàng ngày của người người dân.

Giàng Thị Mỷ, bản Keo Lôm, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông cho biết : “Nông thôn mới có nhiều thứ phải làm quá, cái đầu mình không nhớ hết. Nhưng bảo mình tham gia trồng bí, trồng lạc rồi mang bán cho chị em trong Hội thu mua làm Hợp tác xã (HTX) thì mình vẫn làm hàng ngày. Vẫn làm mà...! Năm nay, vợ chồng mình cũng trồng gần 1ha lạc đỏ và bí xanh. Năm ngoái tiền trồng lạc, trồng bí vợ chồng mình cũng mua được 2 con trâu to.

Còn việc bảo vệ môi trường thì chị em trong bản mình ai cũng làm hết. Vì ở bẩn quá, mất vệ sinh quá…thì con mình chơi ở đâu? Bẩn quá còn sinh bệnh nữa. Nhất là tình trạng nuôi trâu bò ở gần nhà, gầm sàn bản mình bây giờ không có. Những năm 2005 trở về trước thì nhà ai cũng có 1,2 con trâu, bò nhốt ở cạnh nhà, dưới gầm sàn, có cả lợn thả rông. Mỗi lần mưa xuống, nắng lên hôi thối mất vệ sinh ghê lắm. Giờ thì bản mình sạch sẽ rồi. Hàng tháng, hàng tuần chị em đều tự nguyện quét dọn đường vào bản hai bên đường trồng hoa để cỏ không mọc. Mỗi nhà có một thùng chứa rác thải sinh hoạt, hàng ngày thu gom mang đi. Cả bản mình, bản bên, cả xã này không còn ai nhốt trâu, bò gần nhà nữa rồi. ”

a2(1).jpg
Giàng Thị Mỷ bán thổ cẩm tại phiên chợ Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

Theo đánh giá của chị Lò Thị Chanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Điện Biên Đông thì những năm trở lại đây vai trò của chị em phụ nữ đồng bào các DTTS ở Điện Biên Đông đã và đang được nâng lên rất nhiều. Những năm trước đây chị em phụ nữ chủ yếu ở nhà sinh con và lên nương, rãy, tỷ lệ bé gái đi học ở các trường cũng rất thấp. Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do người chồng quyết định. Nhưng nay, chị em phụ nữ các DTTS đều có tiếng nói rất quan trọng trong gia đình. Người chồng làm việc gì cũng đều bàn bạc với vợ.

Điều đó cho thấy phụ nữ các DTTS đã được bình đẳng và tôn trọng. Nhất là tỷ lệ bé gái đi học ở các trường tiểu học, THSC đã được nâng lên rõ rệt. Cũng chính vì vậy mà chị em tự chủ về mặt thời gian, học hỏi thêm kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, giao thương buôn bán và tham gia nhiều hoạt động hữu ích cho cộng đồng, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần. Nhiều chị em đã mạnh dạn thay đổi hẳn cách nghĩ, cách làm…

… và chủ động làm kinh tế để xóa đói, nghèo

Trong chuyến đi, ngoài việc tiếp xúc, trao đổi với chị em phụ nữ các DTTS ở Điện Điên Đông, chúng tôi còn tìm hiểu thêm về những phong trào tại các cấp Hội và chi hội phụ nữ của huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Mỗi cấp Hội, chi hội có cách làm khác nhau. Nhưng tựu chung lại họ đều mong muốn lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, từ con giống, kỹ thuật, vốn vay… để cùng nhau thoát khỏi đói, nghèo.

Một trong những cá nhân tiêu biểu cấp Hội ấy, có chị Lò Thị Ỏm, Chủ tịch Hội LHPN xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, gương phụ nữ người DTTS đã làm tốt vai trò của người phụ nữ năng động, sáng tạo và là người lĩnh xướng trong phong trào xóa đói, giảm nghèo giúp chị em phụ nữ các DTTS của địa phương vươn lên bằng những việc làm thiết thực.

Chị Ỏm kể: Xã Chiềng Đông hiện có 931 hội viên, xác định phát triển kinh tế, giảm nghèo tăng thu nhập cho hội viên cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng NTM, chính vì vậy chúng tôi đã chủ động xây dựng phong trào “Mỗi gia đình nông thôn có một vườn rau sạch và nuôi từ 10 con gia cầm, 01 con gia súc trở lên.”

a3.jpg
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn chị em phụ nữ huyện Tuần Giáo trồng bưởi da xanh

Tôi động viên, giải thích cho chị em các DTTS ở đây “Chúng ta hãy bắt đầu từ những việc làm nhỏ. Muốn giúp được chồng, con thì trước hết mình phải lo được cho mình.” Chúng tôi bắt đầu bằng mô hình nuôi lợn nái sinh kế xoay vòng. Ban đầu có 8 chị em nhận nuôi 14 con lợn nái, đẻ được 83 con. Rồi lại xoay vòng đợt 2, chuyển cho 8 hộ tiếp theo 13 con lợn nái. Khoảng 3 - 5 năm thì thay nái đẻ. Nhất là mỗi khi lợn đẻ chị em hỏi nhau cách chăm sóc, có chị nói mãi vẫn không nhớ phải ghi ra giấy về nhà làm theo. Có hôm tôi đang nghỉ trưa cũng phải chạy đi giúp một chị nhà có lợn đẻ nhưng thiếu ngày, phải hướng dẫn cách nấu cháo, nấu bột loãng cho lợn mẹ, lợn con… Mệt, nhưng vui cô ạ.!”

Chị Ỏm cười rồi kể tiếp: Không chỉ dừng lại ở mô hình nuôi lợn nái đẻ, tôi còn chủ động đề nghị, phối hợp với khuyến nông xã tuyên truyền cho chị em cách trồng và chăm sóc mô hình trồng bưởi da xanh, có khoảng 2.000 cây giống. Học cách đào hố, trồng cây, bón phân, tỉa cành, bắt hoa đúng mùa… rồi tham gia cả việc trồng mắc ca…Thấy chị em thiếu vốn, chúng tôi lập tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để tạo điều kiện cho phụ nữ vay vốn, phát triển kinh tế, kết hợp với mở các lớp tập huấn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất.

Cũng có nhiều chị em còn có tâm lí lo sợ thất bại. Cũng dễ hiểu thôi, vị họ chưa dám nghĩ, chưa dám làm... Không sao, mô hình thành công sau này chị em sẽ tự học hỏi nhau cách làm cả thôi.”

Trong danh sách hội viên của Hội LHPN xã Chiềng Đông thoát nghèo có hội viên tên Lò Thị Dơ, Bản Chăn bắt đầu mô hình nuôi dê từ năm 2019. Dơ bảo: “Em học xong cấp 2 thì lấy chồng, rồi sinh con. Cũng không giỏi buôn bán. Đi làm ăn xa thì không đành bỏ con ở lại. Suy đi tính lại rất lâu cuối năm 2019 em đã quyết định mạnh dạn mua 10 con dê về nuôi. Dê là con vật dễ nuôi, không phải kỹ thuật cầu kỳ, thị trường luôn có nhu cầu, mỗi tội nuôi chúng là phải đi chăn không thể để nó đi lang thang phá vườn cây của họ.

a4.jpg
Đàn dê của gia đình chị Lò Thị Dơ, bản Chăn , huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Nhưng làm cái gì mình cũng phải mất công, mất sức mới thành công được. Em đã thử nuôi rất nhiều loại con như: lợn, vịt, gà đẻ…nhưng vì có kỹ thuật chưa cao, kinh nghiệm ít nên hay chết. Chính vì vậy mà em quyết định vay vốn thông qua Hội LHPN xã để tăng đàn dê.” Đến nay, đàn dê của Dơ đã tăng trên 100 con, vợ chồng Dơ vừa bán dê thương phẩm vừa chọn lọc dê bố mẹ để tăng đàn, bán dê giống.

Nếu các mô hình nông nghiệp ở miền xuôi phất lên nhờ cơ giới hóa và kỹ thuật thì ở miền núi phải là sự cần cù, chịu thương, chịu khó… rất gian nan và cơ cực. Chúng tôi qua mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi bản làng đều bắt gặp những người phụ nữ DTTS họ học không cao, gương mặt sạm đen cháy nắng vì tảo tần hôm sớm… gương điển hình nào cũng làm chúng tôi nể phục và xúc động.

Trong số ấy có nhiều người nói tiếng Việt chưa nói rõ, thậm chí là không biết chữ, nhưng họ đều không cam chịu đói nghèo mà vươn lên từ bản. Hành trình đi từ không có gì đến có bát ăn bát để của chị em phụ nữ đồng bào các DTTS ở Điện Biên phải trải qua lắm nỗi vất vả nhọc nhằn.

Dẫu cho sản phẩm làm ra chưa tương xứng với công sức, chưa tương xứng những giọt mồ hôi đổ xuống ruộng đồng, nương rãy thì họ vẫn vui. Dẫu ngôi nhà chưa thật nhiều tiện nghi điện tử. Nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười con trả, bếp lửa vẫn luôn rực hồng trong những đêm đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản làng ấm no từ đôi tay những người phụ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO