(TN&MT) - Cách thành phố Điện Biên Phủ hơn 30km, bản Che Căn, xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên được biết tới là bản bảo tồn nhiều giá trị văn hóa Thái cổ, là địa điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn đối với du khách. Có được điều này, ngoài bản sắc văn hóa luôn được giữ gìn, bản Che Căn cũng đang từng bước nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường nhằm thu hút du khách.
Bản Che Căn, xã Mường Phăng có hơn 100 hộ dân và gần 500 nhân khẩu, tất cả đều là đồng bào dân tộc Thái. Đến với bản Che Căn, du khách sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp nguyên sơ và bình dị, gắn với những sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, với những nét văn hóa Thái cổ độc đáo ít nơi có được như kiến trúc nhà sàn truyền thống, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội…
Đồng thời, trải nghiệm những điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, đặc biệt là được thưởng thức những món ăn bản địa, gắn liền với bản sắc ẩm thực của đồng bào nơi đây. Du khách đến với du lịch cộng đồng bản Che Căn còn được hòa mình, trải nghiệm cùng cuộc sống của đồng bào Thái, được tìm hiểu các phong tục tập quán qua nếp nhà sàn cổ, cách dệt vải, trồng lúa, ngắm ruộng bậc thang...
Đặc biệt, các nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái đen là điểm nhấn thu hút du khách. Theo quan niệm từ cha ông để lại, nhà sàn truyền thống thường được dựng ở nơi cao ráo, thoáng mát với lưng tựa vào đồi, núi, mặt quay ra sông, suối hoặc cánh đồng. Nhà sàn có hai tầng, tầng trên thường có 3 gian, dành cho sinh hoạt gia đình chủ nhà và tiếp khách, tầng dưới dùng để các nông cụ sản xuất, gỗ, củi.
Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Ngày 29/6/2006, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký Quyết định số 2620/QĐ-BVHTT công nhận Che Căn là bản truyền thống tiêu biểu dân tộc ít người và là một trong 20 bản văn hóa truyền thống của cả nước được đầu tư bảo tồn.
Từ những lợi thế cảnh quan thiên nhiên, khí hậu trong lành, gắn với vùng căn cứ địa cách mạng nổi tiếng, nơi đặt Sở Chỉ huy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, cùng với xu hướng phát triển của xã hội và sự đầu tư của nhà nước về đường giao thông thuận tiện, ngày nay Che Căn đã trở thành bản kiểu mẫu về du lịch cộng đồng, là điểm dừng chân lý tưởng của du khách khi đến Điện Biên.
Ngoài ra, để phát triển du lịch bền vững, xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân và du khách chung tay bảo vệ môi trường. Xã luôn chú trọng việc giữ gìn và bảo vệ môi trường như: Xử lý chất thải từ hoạt động du lịch, thay đổi thói quen xả rác bừa bãi tại một số điểm du lịch... thường xuyên tuyên truyền, lồng ghép qua các cuộc họp thôn, bản, lớp tập huấn, tuyên truyền qua loa phát thanh; vận động, người dân và các đoàn thể có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan đẹp, môi trường sạch sẽ để thu hút khách du lịch.
Đến với bản Che Căn, du khách được sử dụng các dụng cụ sinh hoạt có nguồn gốc thiên nhiên từ tre, nứa, việc sử dụng cốc làm từ tre, túi đan bằng nứa, bằng vải của bà con, thay cho những vật dụng bằng nhựa và túi ni lông đã giúp cho du khách được trải nhiệm cuộc sống thực tế của đồng bào nơi đây. Không những thế còn góp phần giúp cho địa phương giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường và nâng cao chất lượng du lịch tại địa phương.
Với những cách làm phù hợp, ý thức của người dân địa phương trong bảo vệ môi trường được nâng lên. Từ đó, giúp cho xã có được môi trường xanh, sạch, đẹp; tạo sự hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy du lịch trên địa bàn ngày càng phát triển.