Bãi tắm Thùy Vân – Vũng Tàu: "Đất vàng" nhưng quản lý lỏng lẻo

26/11/2015 00:00

Do những bất cập về công tác quản lý đất đai, thiếu phối hợp trao đổi thông tin khi nhượng QSDĐ, cùng với việc thiếu thống nhất trong xác định cho thuê đất...

 

Bãi biển Thùy Vân (Bãi Sau) đã được coi là khu “đất vàng” của TP.Vũng Tàu trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, do những bất cập về công tác quản lý đất đai, thiếu phối hợp trao đổi thông tin khi nhượng quyền sử dụng đất, cùng với việc thiếu thống nhất trong xác định cho thuê đất hay cho thuê hạ tầng… dẫn đến hiệu quả khai thác khu “đất vàng” chưa cao, việc thu thuế gặp khó khăn.

LÒNG VÒNG CHUYỆN BÀN GIAO, CHUYỂN NHƯỢNG ĐẤT

Toàn bộ khu vực bãi biển Thùy Vân có tổng diện tích 284.166m2 đã được Thủ tướng Chính phủ cho Công ty Đầu tư và Xây lắp Vũng Tàu (nay là Công ty CP Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu, tên viết tắt VRC) thuê để xây dựng bãi tắm Thùy Vân. Ngày 6-12-1997, VRC đã ký hợp đồng thuê đất với Sở Địa chính (nay là Sở TN-MT) với diện tích 176.641m2 , có giới hạn bởi đường Thùy Vân xuống sát bãi biển, đoạn từ tường rào Khu nghỉ dưỡng Paradise đến hết Khu du lịch Tháng Mười. Vào thời điểm đó, toàn bộ diện tích đất, bãi cát đang bị các tổ chức, cá nhân lấn chiếm sử dụng.

Ông Nguyễn Vân Chính, Tổng Giám đốc VRC cho biết: Đến tháng 5-1999, TP.Vũng Tàu mới cưỡng chế, giải tỏa xong phần diện tích trên bờ. Từ đó, VRC tiến hành thi công phần hạ tầng, tổng kinh phí thực hiện gần 116 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Sau đó, VRC bàn giao lại một phần cho các nhà đầu tư thứ phát theo Quyết định số 2340/QĐ-UB và Công văn số 5962/UBND-VP ngày 14-10-2005 của UBND tỉnh. Như vậy, trong số diện tích 176.641m2 đất VRC ký hợp đồng với Sở Địa chính, chỉ có khu đất Khu du lịch Nghinh Phong được UBND tỉnh giao cho VRC xây dựng các công trình và đưa vào quản lý kinh doanh (năm 2013 chuyển nhượng lại cho Công ty CP Du lịch Nghinh Phong – PV); diện tích còn lại VRC không ký được bất cứ hợp đồng cho thuê lại, không thu được tiền cho thuê đối với nhà đầu tư thứ phát lúc đó, hay đối với các đơn vị, DN hiện đang kinh doanh tại khu đất này.

Theo báo cáo quản lý thuế của Chi cục Thuế TP.Vũng Tàu, hiện nay có các DN sau đang sử dụng đất và kinh doanh tại Bãi tắm Thùy Vân (thuộc diện tích đất đã được giao cho VRC) gồm: Công ty TNHH MTV Hưng Hải (Bimexco) 15.341,7m2; Công ty CP Du lịch Quốc tế (Intourco) 23.554,6m2; Công ty CP Du lịch và Thương mại DIC 26.345,6m2; Công ty CP Du lịch tỉnh BR-VT 54.161,8m2; Công ty TNHH MTV Du lịch dịch vụ dầu khí Việt Nam (OSC Việt Nam) 24.153,7m2; Công ty CP Du lịch Nghinh Phong 3.672,6m2; Công ty CP Khách sạn Du lịch Tháng Mười 2.265,6m2.

Như vậy, sự lỏng lẻo đã thể hiện ngay từ đầu do trong quá trình giao đất cho nhà đầu tư thứ phát, VRC không ký hợp đồng cho thuê đất với DN.

Ngoài ra, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ thời gian đó đến nay, một số đơn vị có sự thay đổi chủ thể pháp nhân (thay đổi người sử dụng đất trực tiếp) như: OSC Việt Nam đã bàn giao 16.536,5m2/24.153,7m2 sang cho Công ty CP Khách sạn Du lịch Tháng Mười quản lý và sử dụng kể từ ngày 1-7-2007, khi đơn vị này thực hiện cổ phần hóa DNNN; ngày 1-1-2015, OSC Việt Nam đã bàn giao toàn bộ diện tích còn lại 7.617,2m2/24.153,7m2 cho Công ty TNHH JANHOLD – OSC theo hợp đồng liên doanh giữa hai công ty này. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển giao, thông tin không được báo lên cơ quan quản lý Nhà nước liên quan nên không được cập nhật quản lý kịp thời, dẫn đến bế tắc trong việc xác định nghĩa vụ tài chính thuộc về tổ chức nào.

KHÓ CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ

Do các DN đang sử dụng đất và kinh doanh trên bãi tắm Thùy Vân hầu hết không có hợp đồng thuê đất, nên cơ quan thuế không có cơ sở để tính chính xác tiền sử dụng đất từ khi VRC xây dựng xong hạ tầng và bàn giao cho các nhà đầu tư thứ phát.

Việc quản lý thuế đối với các DN do Cục Thuế tỉnh thực hiện từ năm 1996 đến năm 2007 bàn giao lại cho Chi cục Thuế TP.Vũng Tàu đến nay. Trong thời gian từ năm 1996 - 2009, căn cứ để cơ quan thuế ra thông báo thu tiền đất tạm tính theo bảng giá đất hàng năm của UBND tỉnh ban hành và tỷ suất thuế tương ứng, căn cứ vào tờ khai của các đơn vị theo diện tích đất sử dụng thực tế (đất có xây dựng các công trình kiến trúc trực tiếp phục vụ kinh doanh – PV); từ năm 2010 – 2014, thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP  và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ DN trong 2 năm 2013 – 2014, tiền sử dụng đất được thu theo Thông báo số 109/TB-UBND của UBND tỉnh với nội dung: “… trong thời gian chờ xác định giá cho thuê hạ tầng, cho phép các dự án kinh doanh du lịch tại bãi tắm Thùy Vân tạm tính, tạm nộp tiền thuê đất theo giá đất do UBND tỉnh quy định năm 2010” và căn cứ vào diện tích tự kê khai của DN.

Với phương thức tính tiền sử dụng đất như trên, số diện tích đất tính thuế thấp hơn rất nhiều so với diện tính thực tế các DN đang quản lý, có ranh giới cụ thể và xây dựng hàng rào tạo thành các khu đất riêng biệt (theo danh sách thống kê hiện trạng sử dụng đất do Phòng TN-MT TP.Vũng Tàu xác lập năm 2012).

Báo cáo của Chi cục Thuế TP.Vũng Tàu ngày 23-9-2015 cho biết, các DN tự kê khai việc sử dụng đất để tạm tính, tạm nộp tiền như sau: Công ty TNHH MTV Hưng Hải (Bimexco) kê khai 2.824,1m2/15.341,7m2, số tiền đã nộp hơn 1,51 tỷ đồng, số tiền chưa nộp hơn 463 triệu đồng. Công ty CP Du lịch Quốc Tế (Intourco) kê khai 4.489m2/23.554,6m2, số tiền đã nộp hơn 3,53 tỷ đồng. Công ty CP Du lịch và Thương mại DIC kê khai 4.385,2 m2/26.345,6m2, đã nộp hơn 1,12 tỷ đồng, chưa nộp gần 1,6 tỷ đồng. Công ty CP Du lịch tỉnh BR-VT kê khai 7.880,2m2 /54.161,8m2, đã nộp 9,2 tỷ đồng. Công ty OSC Việt Nam kê khai 827,5m2/24.153,7m2, đã nộp 771 triệu đồng. Công ty CP Du lịch Nghinh Phong kê khai 3.672,6m2/3.672,6m2, đã nộp hơn 1,22 tỷ đồng, chưa nộp 343 triệu đồng. Công ty CP Khách sạn Du lịch Tháng Mười kê khai 1.438,1m2/2.265,6m2, đã nộp 1,34 tỷ đồng. Riêng đối với Công ty CP Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu, số tiền thuê đất phải nộp từ 1-10-2006 đến 31-12-2012 gần 4,7 tỷ đồng, đã nộp gần 2,36 tỷ đồng, chưa nộp hơn 2,34 tỷ đồng.

Ông Đoàn Văn Đằng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP.Vũng Tàu cho biết: Việc quản lý thuế của các DN đang sử dụng đất và kinh doanh trên bãi tắm Thùy Vân hiện rất khó khăn. Theo quy định pháp luật về đất đai và quản lý thuế hiện hành, người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đối với diện tích đất được cơ quan thẩm quyền giao, cho thuê (trừ trường hợp được miễn). Việc thu tiền sử dụng đất căn cứ vào hồ sơ địa chính của cơ quan TNMT, bảng giá đất của UBND tỉnh ban hành, thuế suất… Nhưng đến nay, Chi cục Thuế không có hồ sơ địa chính cụ thể cho từng trường hợp sử dụng đất ở bãi tắm Thùy Vân, nên không có căn cứ để xác định số tiền phải nộp của các DN sử dụng đất trực tiếp cho kinh doanh là bao nhiêu; việc thu tiền sử dụng đất hiện là tạm tính, tạm nộp nên cũng không có căn cứ pháp lý để cưỡng chế DN thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước!

Theo Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bãi tắm Thùy Vân – Vũng Tàu: "Đất vàng" nhưng quản lý lỏng lẻo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO