Sáng 19/5, tại TP. Huế, Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tổ chức công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 3 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Trung Trung Bộ (Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh); Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận); cùng 2 hành lang kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây.
Quan điểm phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ tập trung vào các ngành kinh tế biển để vùng trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm gắn với phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Không gian phát triển được tổ chức theo các tiểu vùng, các hành lang kinh tế và các cực tăng trưởng.
Khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng và biển; chú trọng bảo vệ môi trường, nhất là hệ sinh thái và môi trường biển.
Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, bãi ngang, hải đảo. Lấy văn hóa là một trụ cột phát triển bền vững, con người làm trung tâm của nguồn lực và phát triển.
Một số ngành công nghiệp ưu tiên, trọng điểm của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là: Công nghiệp bán dẫn, sản xuất và thiết kế chíp, công nghiệp ven biển, du lịch biển, kinh tế hàng hải; chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng biển, đặc biệt là năng lượng tái tạo gió ven bờ, gió ngoài khơi.
Lĩnh vực thương mại đẩy mạnh theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế. Hình thành và phát triển các trung tâm logistics hiện đại gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu. Đồng thời tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản công nghiệp và bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng biển ven các hải đảo xa bờ.
Hạ tầng xã hội của vùng hướng tới hình thành mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển bền vững của vùng; sắp xếp, phân bổ không gian mạng lưới các cơ sở y tế cấp quốc gia một cách phù hợp; phát triển, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại;…
Bên cạnh đó, vùng cần ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách tại hạ lưu các lưu vực sông, ô nhiễm vùng biển ven bờ, ô nhiễm rác thải nhựa biển. Tăng cường quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông; quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, thiết lập hệ thống giám sát chất lượng môi trường.
Đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, năng động, bền vững, mạnh về kinh tế biển; phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt mức trung bình cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 7,5-8%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 165 triệu đồng, tương đương 6.500 USD.
Nâng tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt trên 48%. Phát triển hệ thống đô thị trong vùng theo mô hình đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tái cấu trúc các khu dân cư nông thôn gắn với việc tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp phù hợp với 3 khu vực địa hình (khu vực đồng bằng ven biển, khu vực trung du và khu vực miền núi).
Đến năm 2050, đây là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển. Phát triển được ít nhất 2 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á.