Bài 5: Huyện Kim Bảng: Đánh thức tiềm năng phát triển xanh
Những năm qua, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, đánh thức tiềm năng phát triển xanh, tạo bước đột phá cho địa phương.
Để đánh thức tiềm năng phát triển xanh, phát triển du lịch, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, tạo bước đột phá cho địa phương và hướng tới mục tiêu thành lập thị xã trước năm 2025, những năm qua, huyện Kim Bảng luôn xác định việc thực hiện Chương trình số 28 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 2382 của UBND tỉnh về xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là khu vực phía Tây sông Đáy và sông Nhuệ là nhiệm vụ quan trọng. Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Kim Bảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng tới các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện.
Bên cạnh đó, huyện Kim Bảng cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở sản xuất trên địa bàn, đặc biệt là việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường; kiểm soát các nguồn thải ra lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Chỉ đạo các xã Tây sông Đáy tiếp tục duy trì tổ dịch vụ môi trường, xây dựng kế hoạch hàng năm để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa. Đôn đốc các xã, thị trấn đầu tư xây dựng nhà tập kết rác thải có mái che đảm bảo theo quy chuẩn, lập phương án bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định.
Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 28, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay, môi trường khu vực phía Tây sông Đáy và sông Nhuệ đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường về khí thải, 100% các cơ sở phát sinh khí thải có công trình thu gom, xử lý, trong đó 90% nguồn khí thải công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường; Từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng (các khu vực ô nhiễm nghiêm trọng giảm 50% mức độ ô nhiễm bụi, các khu vực khác giảm dần về mức tiêu chuẩn cho phép); 2/2 nhà máy xi măng có hệ thống xử lý khí thải, hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, giám sát; 52/52 cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản đều lắp đặt, vận hành công trình, biện pháp xử lý bụi, khí thải.
Đặc biệt, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đã thực hiện nghiêm những nội dung đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp thực hiện khai thác, chế biến khoáng sản đã đầu tư kinh phí, nhân lực tiến hành phục hồi môi trường theo đúng kế hoạch, phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt; hầu hết cơ sở thực hiện đo kiểm soát ô nhiễm môi trường định kỳ và gửi cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện việc quét dọn vật liệu rơi vãi, trồng hành lang cây xanh, tưới đường giảm bụi, tích cực hoàn thiện thủ tục, biện pháp khắc phục sau khi thanh tra, nhắc nhở. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng trạm nước thải tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Từ những kết quả đạt được, có thể thấy Chương trình số 28 và Quyết định số 2382 của UBND tỉnh Hà Nam đã mang lại nhiều kết quả tích cực, bước đầu góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu những điểm nóng về môi trường. Quan trọng hơn, Chương trình số 28 đã và đang góp phần to lớn trong việc đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế xanh, phát triển du lịch bền vững của huyện Kim Bảng nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung.
Ông Nguyễn Thành Thăng - Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng cho biết: Huyện Kim Bảng đã xác định phát huy tiềm năng du lịch, dịch vụ theo hướng xanh, bền vững là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Phấn đấu phát triển du lịch xanh, theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phù hợp tiềm năng, thế mạnh của địa phương có quần thể du lịch tâm linh Tam Chúc. Vì vậy, Kim Bảng nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung đang quyết tâm đầu tư xây dựng nơi đây trở thành khu du lịch tâm linh, sinh thái trọng điểm của tỉnh và cả nước.