Biến đổi khí hậu

Bài 3: Ngành nông nghiệp Quảng Ninh thích ứng với biến đổi khí hậu

Phạm Hoạch 16/11/2023 - 13:54

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang ảnh hưởng đến nhiều địa phương cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh thời gian qua thường xảy ra thiếu nước vào mùa khô, lũ ống, lũ quét vào mùa mưa... khiến cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại nặng nề. Để ứng phó với tình trạng này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tăng cường chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH.

Từ chuyển đổi giống cây trồng

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã tích cực chuyển đổi con giống, vật nuôi trong ngành nông nghiệp để ứng phó với BĐKH và nước biển dâng đang có xu hướng diễn ra ngày càng phức tạp, nhất là ở khu vực miền núi thường xảy ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô, lũ ống, lũ quét vào mùa mưa...

anh-kh-05.jpg
Những cánh rừng gỗ lớn xen với rừng trồng dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Ba Chẽ

Sau hơn 10 năm triển khai, các địa phương đã triển khai hàng chục mô hình và đạt hiệu quả cao, như mô hình tưới tiết kiệm nước, mô hình trồng rau trong nhà lưới, mô hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường, kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp.

Nhờ vậy, đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 5 loại giống cây trồng như táo, na, dứa, ổi theo công nghệ Đài Loan, thích ứng điều kiện khí hậu và giống cây súp lơ chịu nhiệt. Đồng thời, điều chỉnh, thử nghiệm 8 loại hình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp để thích ứng với BĐKH, như: Cánh đồng mẫu lớn chuyển đổi vùng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô nhằm nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất, ứng dụng chế phẩm sinh học, xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Hay như chuyển đổi diện tích đất lúa màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản tại các huyện miền núi như Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ, Tiên Yên. Ngoài ra, mô hình sản xuất ổi VietGAP, sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP đang được nhân rộng ở nhiều địa phương.

Đến nay, Quảng Ninh đã chuyển đổi 3.245ha đất trồng lúa sang cây hàng năm như ngô, khoai, dong, riềng. Việc chuyển đổi từ lúa sang các giống cây có khả năng chống chịu và thích ứng với khí hậu của địa phương, nhất là ở các huyện miền núi, vùng gò đồi cao thường xảy ra thiếu nước vào mùa khô.

Cùng với đó, trong giai đoạn 2017 - 2020, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm lên tới 3.064,1 ha. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, không chủ động tưới tiêu sang trồng cây có giá trị kinh tế cao khắc phục những rủi ro do thiên tai được 1.945ha.

Trong đó, điển hình như huyện miền núi Ba Chẽ, từ một địa phương còn nhiều khó khăn, địa hình đồi núi, chia cắt, các xã vùng cao thường thiếu nước vào mùa khô, việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Những năm gần cây, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Ba Chẽ đã dần trở thành trung tâm sản xuất lâm nghiệp và cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao của tỉnh.

Trao đổi với PV, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ, Vi Thanh Vinh cho biết: Trung bình mỗi năm địa phương trồng mới được hơn 3.300ha rừng, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 72,2%, đưa Ba Chẽ trở thành địa phương đứng đầu toàn tỉnh về công tác phát triển rừng. Cùng với đó, huyện đang tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm chủ lực, như ba kích tím, trà hoa vàng đều là những sản phẩm nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước, phấn đấu trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Ninh.

Đến thành quả trái ngọt

An Sinh là xã nông nghiệp miền núi thuộc TX. Đông Triều, đất đai rộng, thuận lợi cho phát triển cây lâm nghiệp và cây ăn quả, chăn nuôi. Những năm qua, An Sinh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, quy hoạch vùng sản xuất tập trung với 450 ha trồng na dai, cánh đồng sản xuất lúa tập trung gần 30ha, cộng với hàng nghìn ha rừng sản xuất. Những cánh đồng nằm khu vực cao thường thiếu nước vào mùa khô nay đã được chuyển đổi thành những mô hình phát triển sản xuất vườn đồi với cây na dai, mít Thái, rừng gỗ lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch UBND xã An Sinh cho biết: Việc chuyển đổi giống cây trồng vừa phát huy thế mạnh vườn đồi, áp dụng tiến bộ khoa học, phát triển kinh tế gia trại, vừa giải quyết được bài toán thiếu nước vào mùa khô đã đem lại công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, nhiều hộ vươn lên giàu có nhờ trồng rừng gỗ lớn, cây ăn quả cho giá trị cao.

anh-kh-06.jpg
Người dân xã Liên Hòa, TX. Quảng Yên trồng dưa gang thay cho trồng lúa tại những cánh đồng cao thường xảy ra thiếu nước cho thu nhập cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa trước đây

Còn tại xã Liên Hòa, một trong những địa phương đi đầu của TX. Quảng Yên trong việc mạnh dạn chuyển đổi diện tích canh tác lúa tại các xứ đồng cao, thường xuyên thiếu nước vào mùa khô sang trồng dưa gang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tại địa phương. Hiện, có trên 50 hộ trên địa bàn xã tham gia trồng màu với diện tích chuyển đổi hơn 13ha.

Ông Hoàng Văn Vượng, ở thôn 2, xã Liên Hòa là một trong những hộ đi đầu trong việc chuyển từ trồng lúa trên những cánh đồng cao sang trồng dưa gang chia sẻ: Với 10 sào dưa gang đã đem lại thu nhập cho gia đình tôi trên 100 triệu đồng mỗi năm, việc trồng dưa vừa không vất vả như cấy lúa, lại không còn thấp thỏm với nỗi lo thiếu nước vào mùa khô, vừa đem lại thu nhập cao, giúp gia đình có cuộc sống ổn định, vươn lên thành hộ khá giả trong thôn.

Với việc linh hoạt chuyển đổi giống cây trồng, mùa vụ tại các địa phương thường xảy ra thiếu nước vào mùa khô, địa hình cao là giải pháp phù hợp, hiệu quả đang được tỉnh Quảng Ninh triển khai nhằm thích ứng với BĐKH và thời tiết đang diễn ra khá phức tạp, góp phần vào việc mục tiêu xây dựng ngành nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường .

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Ngành nông nghiệp Quảng Ninh thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO