Sáng 16/11, tại Hà Nội, Hội nghị toàn quốc trực tiếp kết hợp với trực tuyến quán triệt và triển khai Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Tham dự hội nghị có các đồng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị…
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trình bày báo cáo về một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết; đồng chí Vũ Đức Đam trình bày báo cáo chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết; đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội trình bày báo cáo chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết.
Vùng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; là vùng có quy mô diện tích lớn nhất cả nước, bờ biển dài, tài nguyên biển, khoáng sản phong phú, có các trục giao thông huyết mạch kết nối 2 vùng kinh tế động lực lớn nhất cả nước và tiểu vùng Mê Công.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ có rất nhiều lợi thế để đón trước các xu thế phát triển của thời đại: trong đó, với gần 1.200 km bờ biển có tiềm năng rất lớn tài nguyên gió, sóng với mật độ năng lượng gió khoảng 400-600W/m2, sóng 20-30 kW/m Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có thể dẫn dắt xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, hội nhập với “luật chơi mới”, các hàng rào tiêu chuẩn về môi trường, phát thải đối với sản phẩm khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu bằng việc phát triển năng lượng tái tạo, nhiên liệu mới như hydro xanh và các khu công nghiệp xanh ven bờ; phát triển kinh tế dựa vào hệ sinh thái với lợi thế về rừng, đa dạng sinh học và các khu bảo tồn trên biển lớn nhất cả nước.
Là vùng có tiếp giáp với biển, cho nên có điều kiện phát triển kinh tế hướng biển, xã hội hướng biển và thịnh vượng từ biển và đại dương đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển mạnh về kinh tế biển.
Trong đó, với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; vùng có thể kết nối mở cửa thông với hành lang Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, tuyến hàng hải đứng thứ 2 trên thế giới và tiểu vùng Mê Công - ASEAN.
Tuy nhiên, bên cạnh các thời cơ và thuận lợi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra rằng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn:
Điều kiện khí hậu khắc nghiệt “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”; đặc biệt là dưới tác động của biến đổi khí hậu cường độ, tần suất của loại hình thiên tai bão, lũ lụt, sạt lở đất, biển xâm thực, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt đe dọa nghiêm trọng tới đời sống người dân, các cơ sở kinh tế và tính bền vững của các công trình hạ tầng. “Theo kịch bản biến đổi khí hậu 1,53% diện tích chủ yếu là khu vực ven biển gồm hành lang kinh tế, đô thị, khu vực trọng điểm nông nghiệp có nguy cơ bị ngập lụt, xâm nhập mặn.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Lãnh thổ hẹp, địa hình dốc cùng với lượng mưa phân bố theo mùa dẫn đến tình trạng nguồn nước vừa thiếu, vừa thừa gây ra lũ lụt, sạt lở đất vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô. Theo tính toán cân bằng nước đến năm 2030 toàn vùng sẽ thiếu hụt khoảng 2,1 triệu m3, đặc biệt nghiêm trọng vào mùa khô.
Tài nguyên đất đang bị suy thoái; toàn vùng có 1.345 nghìn ha đất nông nghiệp bị suy thoái ở mức trung bình đến nghiêm trọng và hơn 269 nghìn ha đất bị sa mạc hóa do thiếu nước. Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra rằng, vấn đề môi trường đang trở thành thách thức lớn trong tiến trình phát triển đặc biệt là môi trường biển, rác thải nhựa, chất thải rắn và nước thải; xảy ra xung đột về môi trường giữa các ngành kinh tế như công nghiệp, du lịch, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản.
Phát triển bền vững kinh tế biển, kinh tế xanh lam
Để hóa giải các thách thức, tận dụng thời cơ, hiện thực hóa mục tiêu đưa Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, thịnh vượng về kinh tế biển, có sức chống chịu cao với biến đổi khí hậu mà Nghị quyết đã đặt ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Vùng có diện tích lớn, trải dài, do đó trên cơ sở định hướng phát triển của Bộ Chính trị, vùng và các địa phương phải cùng nhau đưa ra những quy hoạch, sản phẩm mũi nhọn, và có sự phân công hợp lý để cùng nhau liên kết và phát triển. Trong đó, kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý cho phát triển bền vững kinh tế biển, kinh tế xanh lam. Quy hoạch khai thác tài nguyên và môi trường vùng bờ kết nối, gắn kết không gian sử dụng đất với không gian biển. Thu hút các dòng vốn đầu tư khai thác tiềm năng gió, sóng, thủy triều, dòng chảy để hình thành trung tâm năng lượng tái tạo.
Một trong những vấn đề quan trọng trong việc phát triển vùng là vấn đề quy hoạch, sử dụng nguồn lực đất đai. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, trong các quy hoạch sử dụng đất đai cần phải lồng ghép vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu để vừa tạo ra những lợi thế phát triển dựa trên tiềm năng của vùng vừa giảm thiểu được những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra. Ở đây, phát triển vùng phải có tầm nhìn và tư duy khác với vùng khác, phải tập trung vào những lợi thế của vùng để định hướng phát triển cho từng địa phương trong việc phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, khoa học… từ đó lan toả rộng rãi cho cả khu vực trải dài và có nhiều tiềm năng như vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.
Ngoài ra, việc quy hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ của mỗi địa phương thì phải kết nối với quy hoạch không gian biển để làm sao có thể định hướng phát triển một số trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo dựa trên tiềm năng lớn của khu vực. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đây là một vấn đề mới, vừa là thách thức những cũng là thời cơ để Vùng có thể tận dụng được những lợi thế về cảng biển, tài nguyên năng lượng, kinh tế tổng hợp để phát triển toàn diện.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đưa ra giải pháp cho vùng về việc chủ động phối hợp giữa các địa phương trong chia sẻ hài hòa lợi ích từ hoạt động chuyển nước. Rà soát, cập nhật quy trình vận hành liên hồ chứa điều hòa, phân phối nguồn nước phục vụ đa mục tiêu; Phát triển vùng thành trung tâm bảo tồn sinh học trên cạn và trên biển đảm bảo mục tiêu bảo tồn để phát triển và phát triển gắn với bảo tồn, đam rbaor sinh kế cho người dân.
Đồng thời, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích về đất đai, đầu tư, quy chuẩn công nghệ, các quy định về phí dịch vụ môi trường,… thu hút các nhà đầu tư trong xử lý, tái chế rác thải, xử lý nước thải.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết cùng với các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động; đặt quyết tâm cao cùng hệ thống chính trị hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ.