Tài nguyên nước

Bạc Liêu: Quản lý, sử dụng, bảo vệ nguồn nước sạch cho mục tiêu phát triển bền vững

Lê Hùng 18/05/2023 - 17:51

Xác định tầm quan trọng của tài nguyên nước, trong những năm qua tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nước, phục vụ đời sống nhân dân và mục tiêu giảm nghèo đa chiều, đảm bảo nước sạch cho mọi tầng lớp nhân dân. Để hiểu hơn về vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bình Thuận, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu.

a1-bac-lieu(1).jpg
Ông Nguyễn Bình Thuận, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu

PV: Trong thời gian qua, công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Bình Thuận:

Tài nguyên nước tỉnh Bạc Liêu tương đối dồi dào, đa dạng, bao gồm nước mặn, nước ngọt. Nước mặn thường có khuynh hướng theo thủy triều xâm nhập sâu vào từ các hướng triều biển Đông vào từ hướng biển Bạc Liêu và hướng trục kênh Chắc Băng; triều biển Tây vào từ hướng sông Cái Lớn. Nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nước mưa tại chỗ, nguồn bổ sung từ sông Hậu và nguồn nước dưới đất được phủ khắp trên diện tích toàn tỉnh, tích tụ trong 06 tầng chứa nước.

Xác định tầm quan trọng của tài nguyên nước, những năm qua, dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên nước của Trung ương, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều văn bản để quản lý tài nguyên nước. Đặc biệt, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về  phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, trong đó tỉnh Bạc Liêu đã đặt phát triển bền vững tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu lên hàng đầu và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phải được lồng ghép lĩnh vực tài nguyên nước vào trong các quy hoạch, kế hoạch.

Từ việc xác định phát triển bền vững tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tỉnh Bạc Liêu đã tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý tài nguyên nước như: rà soát, thống kê danh sách các cơ sở hành nghề khoan giếng nước dưới đất, khai thác, sử dụng nước dưới đất; xử lý trám lấp giếng hư hỏng không còn sử dụng để bảo vệ nguồn nước dười đất, xử lý ô nhiễm nguồn nước.

Cùng với đó, để góp phần quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả, tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt “Quy hoạch quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; thực hiện nhiệm vụ “Khoanh định các vùng, khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”. Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Ban Quản lý dự án của Bộ TN&MT thực hiện các dự án về bảo vệ, giám sát, quan trắc nguồn tài nguyên nước nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức thực hiện dự án nâng cao năng lực về công tác quản lý, quan trắc chất lượng nước, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Chính từ việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước đã góp phần đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân sử dụng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Nếu như năm 2019, tỉ lệ hộ dân ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn hơn 70% thì đến cuối năm 2022 đã tăng lên 72,7%. Đối với khu vực đô thị, tính đến cuối năm 2022, tỉ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt gần 85%.

Cùng với đó, đến đầu năm 2023, mạng lưới cấp nước sạch đã được đầu tư đấu nối đến tất cả 64 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, qua đó đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho hơn 120.300 hộ dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có trên 83.900 hộ dân ở khu vực nông thôn và gần 36.400 hộ dân ở khu vực đô thị, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

a2-bac-lieu(1).jpg
Tỉnh Bạc Liêu đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước phụ vụ phát triển nông nghiệp.

PV: Những tác động của BĐKH, đô thị hóa, sản xuất nông nghiệp… đã và đang ảnh hưởng như thế nào đến nguồn nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, thưa ông?

Ông Nguyễn Bình Thuận:

Trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt ngày càng tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng và chất lượng tài nguyên nước của tỉnh. Nguồn nước ngọt tại kênh, rạch của tỉnh xuất phát phần lớn từ ngoài tỉnh chảy vào, nên sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng cho các mục đích sản xuất, nuôi trồng thủy sản, trồng rau màu của người dân, nhất là vào mùa khô hàng năm.

Mặc khác, do tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, hạn hán kéo dài hơn và diễn ra nghiêm trọng hơn, điều này gây ra một nguy cơ tiềm ẩn về ngắn hạn nếu khai thác quá nhiều thì nước dưới đất rất dễ bị nhiễm mặn, làm cho các tầng nước dưới đất ô nhiễm không sử dụng được, về lâu dài gây ra hiện tượng sụt lún đất.

Từ những khó khăn nêu trên, để đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, tỉnh Bạc Liêu đã tập trung quy hoạch quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước; lập hành lang bảo vệ nguồn nước; khoanh định các vùng, khu vực hạn chế khai thác nước… để quản lý, bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm; đồng thời thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước đến các cơ sở, doanh nghiệp và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước; khuyến khích người dân áp dụng các mô hình tiết kiệm nước, tích trữ nước mưa trong các ao, hồ, bể chứa để sử dụng cho sản xuất góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

a3-bac-lieu(1).jpg

PV: Để góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo đa chiều, trong thời gian tới tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp gì để có nguồn nước sạch cho người dân địa phương, thưa ông?

a3-bac-lieu(1).jpg
Hàng năm, Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm triển khai các hoạt động thu gom rác thải, góp bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt trên kênh, rạch

Ông Nguyễn Bình Thuận:

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân, trong thời gian tới tỉnh Bạc Liêu sẽ triển khai thực hiện các dự án về quan trắc, giám sát tài nguyên nước, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, phát hiện các công trình bị suy giảm mực nước để có phương án xử lý kịp thời; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nước dưới đất; xử lý, trám lấp các giếng hỏng, không sử dụng nhằm hạn chế ô nhiễm nước dưới đất; thực hiện phương án cắm mốc đối với các đoạn kênh có mức độ ưu tiên thuộc “Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” để nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước góp phần phục vụ cho các mục tiêu phát triển nông nghiệp, công nghiệp,... năm 2023 và các năm tiếp theo của tỉnh Bạc Liêu.

Cùng với đó, tỉnh Bạc Liêu cũng sẽ tập trung đầu tư xây dựng thêm các trạm cấp nước sạch; cải tạo, nâng cấp, mở rộng mạng lưới ống dẫn nước ở khu vực đô thị cũng như nông thôn, nhất là những khu vực vùng sâu, vùng xa, ven biển còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng để nâng cao tỉ lệ hộ dân được tiếp cận với nguồn nước sạch. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỉ lệ hộ dân ở khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu sử dụng nước sạch đạt từ 95% trở lên, ở khu vực nông thôn từ 90% trở lên.

Ngoài sự nỗ lực, cố gắng của địa phương, tỉnh Bạc Liêu cũng mong muốn thời gian tới các Bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ, phân bổ nguồn kinh phí để thực hiện các dự án về bảo vệ nguồn tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, góp phần giúp tỉnh Bạc Liêu thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ngày càng bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạc Liêu: Quản lý, sử dụng, bảo vệ nguồn nước sạch cho mục tiêu phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO