Người dân thoát nghèo nhờ trồng quế hữu cơ
Xã Nậm Lúc là một trong những xã trông quế nhiều nhất nhì của huyện Bắc Hà( Lào Cai) theo báo cáo toàn huyện Bắc Hà có gần 8.000 ha quế thì xã Nậm Lúc đã có tới 2.800 ha. Nậm Lúc tập trung phát triển cây quế hữu cơ, gắn với giao đất giao rừng cho nhân dân nhận khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng. Mỗi năm Nậm Lúc phấn đấu trồng mới trên 400 ha cây quế.
Hiện trên địa bàn xã Nậm Lúc, Bắc Hà, Lào Cai có 1 hợp tác xã và 13 tổ hợp tác trồng quế tại 10/10 thôn, với 451 thành viên. Hoạt động của hợp tác xã và tổ hợp tác góp phần hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, giúp nhau giảm nghèo bền vững, phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chủ động liên kết với doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho người dân.
Thôn Nậm Kha 2 xã Nậm Lúc có 127 hộ với 591 khẩu, trong đó dân tộc Mông có 25 hộ, dân tộc Dao 71 hộ, còn lại là dân tộc Kinh. Đây cũng là điểm sáng phát triển kinh tế, giảm nghèo. Ông Trương Văn Tim, trưởng thôn Nậm Kha 2, xã Nậm Lúc tự hào cho biết; “Thời gian qua được Nhà nước quan tâm đầu tư, nhất là hỗ trợ giống quế và phân bón cho hộ nghèo có điều kiện vươn lên. Hiện trong thôn chủ yếu trồng cây quế hữu cơ là chủ lực giảm nghèo với diện tích hơn 200 ha đã và đang cho thu hoạch đem lại nguồn thu cao, ổn định cho nhân dân”.
Phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng mà trọng tâm là cây quế gắn với phong trào nông dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo ngày một tạo sự lan tỏa sâu rộng ở vùng đất này. Qua đó ngày một xuất hiện thêm nhiều tấm gương sáng trở thành triệu phú từ cây quế, tích cực giúp dân thoát nghèo.
Anh Trần Văn Tú, thôn Nậm Kha 1, xã Nậm Lúc, được công nhận, tôn vinh hộ sản xuất và kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện Bắc Hà( Lào Cai), giai đoạn 2015- 2020 là một điển hình tiêu biểu khi đã nỗ lực vươn lên từ đôi bàn tay lao động chân chính, trồng quế và kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông, lâm sản, có nhiều đóng góp cho phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Anh Tú cho biết; “Những năm đầu khi mới gây dựng gia đình chủ yếu trồng sắn, thu nhập hạn chế, bắt đầu từ những năm 2010 trở đi, gia đình mình tập trung trồng quế. Hiện nhà anh Tú có hơn 20 ha cây quế đã và đang cho thu hoạch từ 500 - 700 triệu đồng. Khi có điều kiện, anh Tú mở đại lý kinh doanh nông - lâm sản, cung ứng phân bón, thu mua sản phẩm quế. Đối với hộ nghèo, anh cho vay vốn không lấy lãi, cho mua phân bón trả chậm không tính lãi để bà con có điều kiện vươn lên thoát nghèo”.
Cây quế đã và đang khẳng định là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần giảm nghèo và làm giàu ở địa phương này. Đặc biệt, trong những năm gần đây, người dân trong xã đã thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ, từ đó nâng cao giá trị cây quế cũng như sản phẩm quế của địa phương.
Nhờ cây quế, Nậm Lúc đã sớm hoàn thành tiêu chí thu nhập năm 2020 khi thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 36,860 triệu đồng/người/năm, năm 2022 dự kiến đạt trên 38 triệu đồng/người/năm. Đây thực sự là thành tích đáng tự hào với Nậm Lúc và để có kết quả này, xã đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh từ cây quế.
Phát triển cây quế song song với bảo vệ môi trường
Theo báo cao, hiện toàn huyện Bắc Hà, Lào Cai có khoảng 8.600ha quế, trong đó diện tích đến thời kỳ thu hoạch hơn 4.000 ha, quế tập trung ở các xã khu vực 12 xã hạ huyện, chủ yêu là xã Nậm Đét, Nậm Lúc, Cốc Lầu, Bản Cái, Cốc Ly, sản lượng thu được 9 tháng đầu năm 2022 đạt trên 12.520 tấn, giá trị thu được trên 212,9 tỷ đồng.
Gia đình anh Đặng Văn Tiếp, dân tộc Dao, thôn Nậm Kha 2, xã Nậm Lúc, Bắc Hà( Lào Cai) có hơn 2 ha quế. Trước đây, gia đình và các hộ trong thôn thường phun thuốc trừ cỏ để giảm tiền thuê nhân công. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, gia đình anh Tiếp không phun thuốc trừ cỏ cho quế, thay vào đó là phát dọn thủ công. Anh Tiếp bộc bạch: Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn làm quế hữ cơ, chúng tôi ý thức được tác hại của thuốc diệt cỏ nên không sử dụng nữa. Thay vào đó, nhà nào cũng tự trang bị một máy phát cỏ cầm tay. Làm như vậy vừa tốt cho môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình, cộng đồng, lại nâng cao chất lượng sản phẩm quế.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Hà( Lào Cai) cho biết, tính đến năm 2022 Bắc Hà đã trông được gần 10.000 ha quế. Cây quế là loại cây trồng vừa có giá trị về kinh tế vừa trống xói mòn đất lại bảo vệ môi trường. Huyện Bắc Hà ưu tiên và khuyến khích người dân trồng quế hữu cơ, không dùng thuốc trừ sâu, không dùng thuốc diệt cỏ… có như thế thì môi trường mới không bị ảnh hưởng. Hiện tại huyện Bắc Hà đã có 2.248 ha cây quế hữu cơ tập trung tại 3 xã Nậm Lúc, Bản Cái, Nậm Đét, chiếm 64,1% diện tích quế hữu cơ toàn tỉnh Lào Cai.
Ông Sầm Phượng Long, Chủ tịch UBND xã Nậm Lúc cho biết, đến nay xã Nậm Lúc đã phấn đấu hoàn thành 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó đã sớm hoàn thành tiêu chí về thu nhập và môi trường là những tiêu chí khó đối với các xã vùng cao. Đây thực sự là thành tích đáng tự hào với Nậm Lúc và để có kết quả này, xã đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh từ việc trồng cây quế song song với bảo vệ môi trường.
Nậm Lúc, Bắc Hà đã và đang thực sự thành công từ phát triển vùng chuyên canh cây quế hữu cơ trong việc giảm nghèo bền vững. thời gian tới, không chỉ tập trung nâng cao chất lượng vùng quế thông qua phát triển cây quế hữu cơ, xã Nậm Lúc còn chủ động phát triển các mô hình kinh tế mới phù hợp dưới tán rừng quế nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Toàn huyện Bắc Hà, Lào Cai có khoảng 8.600 ha quế thì đã có 2.248ha quế hữu cơ tại 3 xã Nậm Lúc, Bản Cái và Nậm Đét, chiếm 64,1% diện tích quế hữu cơ toàn tỉnh Lào Cai. Năm 2020, người dân trong xã Nậm Lúc thu từ quế hơn 24 tỷ đồng. Năm 2021 là 30 tỷ tăng hơn 6 tỷ đồng, 9 tháng năm 2022, thu nhập các sản phẩm từ quế 17,334 tỷ đồng. Cây quế đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống bà con nông dân xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.