Người dân khốn khổ
Nhiều ngày qua, hàng chục hộ dân sinh sống tại 2 thôn Na Hối Nùng và Na Hối Tay đã liên tục kéo ra khu vực thi công dự án vành đai 2 để phản đối. Người dân cho rằng việc đền bù chưa thỏa đáng và việc lấy đất phân lô, bán nền là việc làm sai trái.
Anh Tải Văn Thu, 33 tuổi, ở thôn Na Hối Nùng, xã Na Hối (huyện Bắc Hà, Lào Cai) chia sẻ, từ khi sinh ra, lớn lên chưa một lần bước chân ra khỏi “lũy tre làng”. Hàng ngày, Thu đầu tắt mặt tối ở trên nương cùng gia đình làm việc không ngơi tay mới có đủ cái ăn để nuôi sống 12 nhân khẩu trong gia đình. Tưởng cuộc sống sẽ mãi được bình yên. Đặc biệt, khi huyện Bắc Hà triển khai Dự án đường vành đai 2 qua thôn Na Hối Nùng, lúc đầu, toàn dân chúng em ai cũng vui mừng, tin rằng có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Nhiều nhà sẵn sàng giao đất, góp công lao động. Nhiều người còn mời nước, thuốc để được cán bộ đo đạc “nắn chỉnh” sao cho con đường được mở qua đất nhà mình. Nào ngờ, đùng một cái, hàng trăm hộ dân ở thôn chúng em cùng nhận được thống kê đền bù toàn bộ đất ở, đất vườn, đất ruộng với giá rẻ hơn cho không. Sau đó là những ngày cán bộ liên tục đến nhà thúc ép đi lĩnh tiền đền bù. Không chấp nhận, chúng em đã nhiều lần lên UBND xã Na Hối và huyện Bắc Hà để đưa đơn trình bày ý kiến những không được cán bộ tiếp đón và trả lời vì lý do… đang trong giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch Covid 19.
Một số người dân bị mất đất tại xã Na Hối kéo đến trình bày với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường. |
Quá khổ, em và một số người dân đã phải bán cả gà đang ấp trứng và lúa non ngoài đồng để có tiền tàu, xe tìm đến các cơ quan công quyền của tỉnh Lào Cai và Bộ ngành Trung ương kêu cứu. Về Hà Nội, tìm đến Báo Tài nguyên và môi trường, đến Tổng thanh tra Chính phủ…nơi đâu người dân chúng em cũng được các lãnh đạo ân cần hỏi han, quan tâm, thậm chí là lo cho cả chỗ ăn, chỗ nghỉ, phương tiện đi lại. Vậy mà sao cán bộ quê em lại quay lưng với người dân như vậy? Rồi 12 nhân khẩu nhà em sẽ sống sao?” – Thu buông câu hỏi buồn và hướng mắt nhìn xa xăm.
Tìm hiểu thêm chúng tôi biết, gia đình thu nằm trong diện bị thu hồi toàn bộ 5.100 m2 đất các loại (gồm đất ở, đất ruộng, đất vườn, đất rừng) cùng toàn bộ tài sản và hoa màu trên đất. Tổng số tiền gia đình được đền bù chưa đến 1,1 tỷ đồng, cùng 1 suất đất tái định cư tại chỗ, rộng khoảng 100 m2. Như vậy, việc đảm bảo có đủ chỗ ở và cái ăn cho 12 nhân khẩu trong gia đình Thu, có thể gặp rất nhiều rủi ro?
Nhiều người dân đau xót đứng nhìn những cây mận hàng chục năm tuổi bị phá bỏ. |
Cùng chung cảnh ngộ, gia đình ông Thàn Văn Sùng, thôn Na Hối Nùng, xã Na Hối cũng bị thu hồi toàn bộ 1074,6 m2 đất các loại, cùng tài sản và hoa màu trên đất với tổng số tiền thống kê đền bù là 677 triệu đồng. Không đồng thuận và chưa hề nhận tiền đền bù, nhưng cứ hễ cả gia đình ông Sùng đang đêm ngủ say hay ban ngày đi làm đồng là đơn vị thi công lại cho máy xúc vào xúc trộm đất, phá nát hoa màu. “Họ đang cố tình tạo ra sự việc đã rồi để ép gia đình tôi phải nhận tiền đền bù đấy mà. Từ tháng 3 năm 2020 đến nay, họ đã 4 lần cho máy xúc vào phá trộm vườn nhà tôi như vậy rồi. Khi bị chúng tôi bắt quả tang, họ còn lớn tiếng dọa đánh chúng tôi nữa…” - ông Sùng chia sẻ. Nhận file ghi âm lời đe dọa dân từ gia đình ông Sùng, chúng tôi đã bật lại cho ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà nghe và được ông Huy cho biết, đó là tiếng của ông Hải, Giám đốc Công ty Anh Nguyên, đơn vị trúng thầu thi công dự án.
Nguyên là Thượng tá công an về hưu, sống ở thôn Na Hối Tày, xã Na Hối, ông Nông Văn Sáng nói với chúng tôi rằng: Cả cuộc đời tôi đã dành hết tâm sức, chí tuệ đi theo Đảng để bảo vệ nhân dân, bảo vệ lẽ phải tôi không bao giờ nói sai. Trong việc triển khai dự án này, cán bộ thực thi triển khai không minh bạch, thậm chí là có dấu hiệu lừa dối và đe dọa người dân. Ông Sáng chỉ đích danh, người nhiều lần đe doa dân với câu nói: “Không lên nhận tiền đền bù thì sẽ bị cưỡng chế và thu trắng tài sản là cán bộ Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Bắc Hà”. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, gia đình ông Sáng cũng nằm trong diện bị thu hồi toàn bộ các loại đất và tài sản trên đất.
Trên địa bàn xã Na Hối có ít nhất 20 hộ dân đã nhận tiền đền bù và đang tiến hành di chuyển chỗ ở. Tiếp xúc với một số người dân đã nhận tiền, chúng tôi thấy họ khóc!
4 thế hệ của gia đình anh Tải Văn Thu lo lắng không biết đi đâu về đâu khi toàn bộ đất bị thu hồi để làm dự án đường vành đai 2. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Vàng Văn Sỹ, Trưởng thôn Na Hối Tày và ông Vàng Văn Sèo Trưởng thôn Na Hối Nùng cùng có chung khẳng định: Chúng tôi và người dân không biết gì về quy mô dự án. Quá trình lập dự án, cấp trên không hỏi ý kiến của dân, khi công khai dự án cũng chỉ mời vài người đến dự và thông tin dừng lại là làm đường giao thông vành đai 2, không đả động gì đến việc thu hồi đất phân lô bán nền. “Bây giờ việc đã lỡ thế này rồi, đa số các hộ dân ở đây vẫn ủng hộ việc làm đường để thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương phát triển. Nhưng đời sống của các hộ mất đất thực hiện dự án cũng cần được đảm bảo là không bị tụt lùi. Do đó, người dân có ý kiến: Một là, huyện chỉ lấy đất đủ để làm lòng đường và vỉa hè vành đai 2 (được hiểu là không lấy đất để phân lô bán nền – P/v), phần đất còn lại người dân tiếp tục sử dụng. Hai là, huyện tìm đất tái định cư mới có diện tích và giá trị tương đương để đổi cho các hộ dân…” – Ông Sỹ Trưởng thôn Na Hối Tày nói.
Chủ chương đúng, cách làm có sai khiến lòng dân không yên?
Nhằm thúc đấy kinh tế - xã hội huyện Bắc Hà phát triển nhanh hơn, đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho nhiều người dân, ngày 31 tháng 10 năm 2018, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định Số 3748 QĐ – UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường vành đai 2, đi qua địa bàn 2 xã là xã Na Hối và xã Tà Chải. Tuyến đường được thiết kế có bề mặt nền rộng 10,5m, dài 4.384 m. Tổng mức đầu tư là 300 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%, phần còn lại là thu từ sử dụng đất do đấu giá đất dự án tạo ra. Theo thống kê, có tổng số 420 hộ dân nằm trong vùng chịu tác động của dự án...
ông Nông Văn Sáng đau xót chỉ về vườn mận lâu năm sắp bị thu hồi của thông Na Hối Tày. |
Qua tìm hiểu chúng tôi tin rằng, sẽ không có chuyện nhiều người dân nhất loạt đứng lên “ kêu cứu” như hiện nay, nếu như những cán bộ được giao nhiệm vụ, thực hiện các bước triển khai dự án này một cách minh bạch, đúng tinh thần chỉ đạo “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Hơn thế, tác phong, lời nói của một số cán bộ cơ sở đối với người dân cần được lãnh đạo huyện Bắc Hà và tỉnh Lào Cai nhanh chóng kiểm tra, chấn chỉnh.
Làm việc với chúng tôi, ông Trần Đắc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Na Hối, khẳng định, mình là một trong những cán bộ xã đã theo sát dự án đường vành đai 2 ngay từ đầu. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về tổng diện tích đất của các hộ dân trên địa bàn xã bị thu hồi cho dự án này là bao nhiêu? Ông Hà không nắm được. Hỏi về tổng số hộ dân của xã chịu tác động của dự án? Phó chủ tịch UBND xã Na Hối không biết chính xác mà chỉ ước có khoảng 270 – 280 hộ. Hỏi về các phương án nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân sau khi mất đất vì dự án, cũng không có. Tìm hiểu sang một khía cạnh có liên quan, chúng tôi được ông Hà cho biết, năm 2019, trên địa bàn xã Na Hối có ít nhất 60 người dân bỏ đi Trung Quốc làm thuê. Con số đó, rất có thể tăng mạnh sau dự án đường vành đai 2?
Ông Thàng Văn Sùng bên khu vườn của gia đình đã bị máy xúc vào phá trộm 4 lần. |
Tương tự, khi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Tài Nghệ, Trưởng Phòng TN&MT huyện Bắc Hà cũng mơ hồ về tổng diện tích đất bị thu hồi và tổng số hộ dân chịu tác động của dự án là bao nhiêu? Ông Nghệ cho biết: Quy trình lập và triển khai dự án được chúng tôi triển khai bài bản, minh bạch và được đại bộ phận người dân biết, đồng thuận, ủng hộ. Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi được lãnh đạo UBND huyện Bắc Hà cung cấp thì: “Biên Bản làm việc về việc Họp công bố dự án và đối thoại với các họ dân nằm trong diện đền bù GPMB dự án: Đường vành đai 2 (đoạn DT 153 đi UBND xã Na Hối – Na Kim, xã Tà Chải) huyện Bắc Hà, được tổ chức vào ngay 20/2/2019, tại Hội trường UBND xã Na Hối, chỉ có 8 hộ dân ký nhận có tham gia. Cuộc họp có nội dung tương tự được tổ chức vào ngày 15/3/2019, tại Hội trường UBND xã Tà Chải, chỉ có 1 hộ dân ký nhận có tham gia”. Đề cập đến việc người dân phản ứng về tác phong và lời nói của cán bộ khi xuống dân, ông Nghệ khẳng định “Không có chuyện bản thân tôi hay cán bộ dưới quyền mắng dân. Ngược lại, chúng tôi còn phải chịu những lời thóa mạ từ những người dân mất đất, đòi quyền lợi…”.
Làm việc với chúng tôi, ông Hà Văn Thành, Trưởng Ban dự án các công trình xây dựng huyện Bắc Hà cho biết: Bản thân mới đến huyện Bắc Hà nhận nhiệm vụ được 2 tháng nên chưa nắm được chi tiết về dự án đường vành đai 2. Tuy nhiên, việc đơn vị thi công tự ý cho máy xúc vào đào bới trong vườn những hộ dân chưa nhận tiền đền bù là vấn đề tôi đã biết và cam kết sẽ trấn chỉnh ngay. Ông Thành cũng khẳng định rằng, tới đây sẽ tham mưu cho huyện làm tốt công tác dân vận để người dân hiểu và đồng thuận về dự án hơn.
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà thắng thắn nói rằng: Chủ chương của tỉnh và của huyện về dự án đường vành đai 2 là đúng, nhưng có lẽ cách thức triển khai của đối ngũ cán bộ cấp dưới là "có vấn đề" nên người dân mới phản ứng dự dội như vậy. Ông Huy tỏ ra vô cùng buồn bã và lo lắng khi nói rằng: “đây là dự án lớn đầu tiên của huyện, nếu vì bất cứ lý do gì mà không thể triển khai được nữa, thì tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của Bắc Hà sẽ không biết đến bao giờ mới có thể đánh thức…”.
Ông Nguyễn Tài Nghệ, Trưởng phòng TN&MT huyện Bắc Hà làm việc với phóng viên Báo TN&MT. |
Quả thực, chúng tôi cũng đã nghe có người vì von, tiềm năng phát triển của Bắc Hà hiện như là “công chúa ngủ quên trong rừng". Nhưng, họ cũng lưu ý rằng, đánh thức “nàng công chúa” cần bàn tay nhẹ nhàn của chàng Hoàng tử, chứ nếu là bàn tay lông lá của gã đồ tể, rất có thể khiến nàng…phát điên.
Chúng tôi thiết nghĩ, quy trình triển khai dự án đường vành đai 2 ở huyện Bắc Hà cần phải thiết lập lại, bài bản và minh bạch hơn. Đặc biệt, cần làm rõ việc đảm bảo sinh kế cho người dân chịu tác động của dự án. Qua đó, loại bỏ ngủy cơ lãnh đạo địa phương “nhiệt tình” đẩy người dân đến đói nghèo và phạm pháp, bởi mất đất không có kế sinh nhai thì tỷ lệ đói nghèo sẽ gia tăng, không có đất để ở thì việc dựng nhà trên đất nông nghiệp hoàn toàn có thể xảy ra. Cần nhấn mạnh rằng, Bắc Hà là vùng đất có nhiều bà con dân tộc thiểu số sinh sống. Những thành quả phát triển của địa phương có được như hiện nay là công sức của nhiều thế hệ cán bộ, người dân cùng nguồn lực đầu tư rất lớn của nhà nước.
Báo Tài nguyên và môi trường sẽ tiếp tục thông tin./.