Ba Tri - Bến Tre: Đầu tư nguồn nước sạch gắn với phát triển du lịch biển

15/05/2019 13:38

(TN&MT) - Đó là nội dung thông tin phản hồi của ông Trần Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) sau khi Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường có bài phản ảnh “Người dân làng biển ‘khát’ nước sạch”.

H1
Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp có sức chứa gần 01 triệu m3 nước ngọt thô sắp đưa vào sử dụng

Quan tâm đầu tư, cung cấp nước sạch

Như Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã phản ảnh, suốt thời gian gần 15 năm qua, hàng nghìn hộ dân vùng ven biển xã Bảo Thuận (Ba Tri) đã “liều mình” sử dụng nguồn nước sinh hoạt do nhà máy địa phương cung cấp được lấy từ hệ thống kênh rạch nội đồng, với đầy rẫy những hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, xen lẫn cả chất thải trong sinh hoạt, chăn nuôi… có nguy cơ xả thải trực tiếp ra kênh rạch làm ô nhiễm nguồn nước, đe dọa đến sức khỏe người dân.

Và cũng từ thực tế bài viết, phóng viên ghi nhận được niềm “khát khao” lớn nhất của người dân vùng ven biển Ba Tri nói chung và xã Bảo Thuận nói riêng hiện nay là các cấp lãnh đạo cần quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tiếp cận nguồn nước sạch phục vụ ăn uống, sinh hoạt của nhân dân. Từ đó, người dân mong muốn các cấp chính quyền địa phương huyện Ba Tri (Bến Tre) sớm có biện pháp xử lý hiệu quả để giúp những dân xứ biển này có được nguồn nước đảm bảo vệ sinh, an toàn sức khỏe. 

Sau khi bài báo được đăng tải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri, ông Trần Văn Hoàng ghi nhận và cho rằng, thời gian qua, lãnh đạo huyện Ba Tri rất quan tâm đến đời sống, môi trường, sức khỏe cho người dân. Trong đó, vấn đề cung cấp, đảm bảo nguồn nước sạch, hợp vệ sinh được huyện đặt lên hàng đầu, nhất là các xã thuộc khu vực ven biển người dân luôn chịu cảnh nguồn nước mặn bao vây quanh năm. Và quan điểm của huyện là mong muốn tất cả người dân đều tiếp cận được nguồn nước sạch, đạt quy chuẩn.

Theo ông Trần Văn Hoàng, hiện nay, Dự án Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp đã hoàn thành giai đoạn 1, sắp đưa vào sử dụng. Đây là hồ chứa nước ngọt đầu tiên của tỉnh Bến Tre, có sức chứa gần 01 triệu mét khối nước ngọt thô, với tổng vốn đầu tư khoảng 86 tỷ đồng. Để khai thác và sử dụng hiệu quả từ nguồn nước Kênh Lấp này, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre đã ký kết thỏa thuận với Công ty CP Sản xuất và Thương mại N.I.D để phân vùng và phạm vi cấp nước.

H2
Nhà máy nước sạch Kênh Lấp N.I.D sẽ bổ sung, cung cấp nước cho các xã vùng ven biển huyện Ba Tri

Qua đó, Công ty CP Sản xuất và Thương mại N.I.D đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch trên khu vực Kênh Lấp và tuyến ống cấp nước truyền tải đi qua địa bàn các xã Phú Ngãi, Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Tân Thủy, An Thủy và An Hòa Tây để thực hiện cấp nước bổ sung qua đồng hồ tổng cho 03 nhà máy nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre quản lý.

Cụ thể, Nhà máy nước Tân Mỹ vị trí tại ngã ba Phú Ngãi, Nhà máy nước Bảo Thuận và Nhà máy nước An Hòa Tây tại vị trí đầu tuyến ống chính của Nhà máy. Công ty CP Sản xuất và Thương mại N.I.D cũng đồng thời trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm cung cấp nước sạch cho các hộ dân những khu vực còn lại chưa có tuyến ống cấp nước do Trung tâm quản lý trên địa bàn các xã Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Tân Thủy, An Thủy và An Hòa Tây.

Hướng đến phát triển du lịch biển

Cũng theo ông Trần Văn Hoàng, việc kêu gọi đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các nhà máy nước được huyện Ba Tri chú trọng. Tính đến nay, toàn huyện Ba Tri có trên 90% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 44,7% hộ sử dụng nước máy. Riêng đối với các xã ven biển, địa phương có kế hoạch mở rộng, đầu tư các tuyến ống truyền dẫn nước đến tận các khu vực ven biển để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cung cấp nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong phát triển du lịch biển.

H3
Huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre quan tâm đầu tư, cung cấp nước sạch gắn với phục vụ phát triển du lịch biển

Về quy hoạch phát triển du lịch biển, ông Hoàng cho rằng, huyện Ba Tri đang thuê Công ty tư vấn thiết kế lập quy hoạch. Cụ thể: khu vực Cồn Hố, xã An Thủy 82,5 ha; khu vực cồn Ngoài, xã Bảo Thuận 7 ha; khu vực rạch Đường Tắc, xã Tân Thủy 30 ha. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã cho chủ trương quy hoạch mở rộng nối liền khu di tích nhà giáo Võ Trường Toản với di tích mộ cụ Phan Thanh Giản (xã Bảo Thạnh), diện tích mở rộng 7 ha; mở rộng di tích Nguyễn Đình Chiểu 01 ha để có không gian tổ chức lễ hội, mở các dịch vụ phục vụ khách du lịch.

“Đoàn khảo sát của UBND huyện Ba Tri vừa qua đã thống nhất lập bản đồ quy hoạch Điểm du lịch Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận. Huyện Ba Tri cũng đã giao cho lãnh đạo địa phương nơi đây hoàn thành các thủ tục, hồ sơ trình các ngành chức năng và UBND tỉnh Bến Tre thẩm định và công nhận Điểm du lịch. Về vị trí địa giới, Điểm du lịch Cồn Ngoài gồm một phần diện tích ấp Thạnh Hải khoảng 130ha, bờ biển dài khoảng 2km, bãi tắm 150m từ bờ ra biển. Trong đó, phương án chọn quy hoạch với loại hình du lịch biển gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm để phát triển”, ông Hoàng chia sẻ.

Thực tế những năm qua, tại các khu vực ven biển Ba Tri, người dân sử dụng nước để sinh hoạt, ăn uống từ nguồn dự trữ, khoan giếng hoặc mua nước ngầm từ nơi khác vận chuyển đến bán với giá khá cao nhưng chưa thật sự đảm bảo vệ sinh. Do đó, việc chính quyền huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre có những định hướng, kế hoạch mở rộng, nối ống truyền dẫn nước sạch nhằm góp phần phát triển du dịch đã đáp ứng được niềm “khao khát” lớn nhất của người dân xứ biển này là được tiếp cận nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, an toàn sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Tri - Bến Tre: Đầu tư nguồn nước sạch gắn với phát triển du lịch biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO