Bà Rịa - Vũng Tàu: Quản lý tài nguyên nước hướng đến phát triển bền vững
(TN&MT)- Trong những năm qua, xác định tầm quan trọng của tài nguyên nước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định về sử dụng nước tiết kiệm và bảo vệ có hiệu quả tài nguyên nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới phát triển bền vững.
Đồng bộ các giải pháp
Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là địa phương có nguồn tài nguyên nước khá dồi dào nhưng do các sông, suối đều nằm ở khu vực có địa hình dốc và ven biển nên nguồn nước có biến động nhanh và phức tạp. Đây cũng là một địa phương chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài dẫn đến mực nước ở nhiều hồ chứa nước tại các địa bàn bị cạn kiệt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bà Rịa - Vũng Tàu còn có quá trình đô thị hóa nhanh, sự gia tăng dân số và các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp ngày càng tăng đã tác động, gây sức ép lớn đến số lượng và chất lượng nguồn nước các sông, suối và tầng chứa nước.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Trong thời gian qua, để góp phần nâng cao hiệu quản lý, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước, giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành nhiều chỉ thị, quyết định yêu cầu các Sở TN&MT, các Sở, ban ngành liên quan và các địa phương tăng cường các giải pháp thực hiện quản lý tài nguyên nước, thực thi chính sách pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tập trung vào các giải pháp như: tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động nạo vét, tận thu cát tại các hồ chứa nước; tăng cường công tác quan trắc tự động tại các hồ chứa nước; nghiêm cấm các hành vi xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước; nghiêm cấm các hành vi gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa nước…
Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các Sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung kiểm soát chặt các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; tăng cường việc quản lý hoạt động xả nước vào nguồn và đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề; đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cá nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong bảo vệ tài nguyên nước.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn đầu tư và đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành Quan trắc TN&MT thuộc Sở TN&MT để tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động nước thải, khí thải. Hiên tại, Trung tâm Điều hành cũng đã tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động của 44 trạm quan trắc tự động nước thải của các cơ sở và trạm quan trắc nước mặt tự động tại các sông, các hồ chứa nước… Việc đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc đã góp phần nâng cao năng lực cảnh báo sớm, kịp thời các tác động đến chất lượng môi trường, nhất là đối với nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Phục vụ phát triển bền vững
Ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Hiện nay, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch trên địa bàn toàn tỉnh là 89%. Trong đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang quản lý, vận hành 7 nhà máy cấp nước, tổng công suất 53.400 m3/ngày đêm. Song, các nhà máy đã chạy vượt công suất thiết kế nhưng không đủ nước cấp, nhất là vào các dịp lễ tết và vào giờ cao điểm. Mặc dù, tuyến ống chuyển tài nguồn nước từ các nhà máy đã được đấu nối với nhau nhằm hộ trợ cấp nước qua lại, các ống chuyển tải đã đầu tư lâu, có đường kính nhỏ nên tình trạng quá tải vẫn thường xuyên xảy ra.
Do vậy, để đảm bảo cho việc đáp ứng nguồn nước sạch cho người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tập trung đầu tư xây dựng thêm các trạm cấp nước sạch, cải tạo, nâng cấp, mở rộng mạng lưới ống dẫn nước ở khu vực đô thị cũng như nông thôn, nhất là những khu vực vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn về địa hình và cơ sở hạ tầng như các xã Xuyên Mộc, Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc); Suối Nghệ, Nghĩa Thành (huyện Châu Đức)… nhằm nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nguồn nước sạch. Đây cũng là mục tiêu mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang hướng tới, đó là đến năm 2025 nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 100%, trong đó, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt chuẩn kỹ thuật là 95%.
Còn theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm kiểm soát chất lượng nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân địa phương, giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Sở TN&MT cũng sẽ chủ động phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước ở các công trình cấp nước tập trung và các nguồn nước sinh hoạt khác; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước; đồng thời, hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý, trữ nước và sử dụng nước an toàn, hiệu quả
Cùng với đó, Sở TN&MT cũng sẽ thường xuyên vận hành mạng lưới quan trắc tài nguyên nước để theo dõi, giám sát nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; tiếp tục rà soát các đối tượng phải lắp trạm quan trắc tự động theo theo quy định Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ; theo tại Điều 97 và Điều 98 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, thời gian hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục và kết nối, truyến số liệu trực tiếp đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Ngoài ra, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối với với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách bảo vệ nguồn nước nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về vai trò của các hồ chứa nước, những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cũng như những nguy cơ đe dọa về sự thiếu hụt nguồn nước đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương.