Khai thác khoáng sản trái phép gây sạt lở đất nông nghiệp |
Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh hiện có 24 khu vực quy hoạch khai thác cát và vật liệu san lấp trên bờ với tổng diện tích gần 565ha, trữ lượng hơn 41 triệu m3.
Trong đó, có 13 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp và cát theo quy hoạch khoáng sản do UBND tỉnh cấp phép còn hiệu lực, không có điểm mỏ quy hoạch khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa biển. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tại cửa cát trên sông, cửa biển.
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2019, các cơ quan chức năng của tỉnh bà Rịa – Vũng Tàu đã phát hiện và xử lý 98 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép (tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2018), tịch thu khoảng 8,06 ngàn mét khối cát (tăng 4,5 ngàn m3 cát so với cùng kỳ năm 2018); xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1,33 tỷ. Đặc biệt, số vụ vi phạm về khai thác cát dưới sông tăng mạnh, nếu như cùng kỳ năm 2018 cơ quan chức năng phát hiện 04 vụ, thì năm 2019 đã tăng lên 21 vụ.
Các vụ khai thác cát, đá trái phép tập trung chủ yếu ở một số địa bàn trọng điểm; trong đó, nổi cộm trên bờ là tại các xã Tóc Tiên, Châu Pha (thị xã Phú Mỹ) và tại một số xã của huyện Xuyên Mộc. Còn tại các khu vực sông, biển thì tập trung chủ yếu tại khu vực cầu Cửa Lấp, Long Sơn (TP. Vũng Tàu), khu vực sông Mỏ Nhát (thị xã Phú Mỹ)…
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Trước tình trạng trên khai thác khoáng sản trái phép đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các sở ngành, tùy theo thẩm quyền quản lý tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển khoáng sản.
Bên cạnh đó, yêu cầu UBND cấp huyện phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép; huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn, giải tỏa kịp thời hoạt động khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc được báo tin xảy ra trên địa bàn; kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý trong trường hợp không ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản.
Đồng thời, thông qua việc thanh tra, kiểm tra sẽ xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là đối với các trường hợp vi phạm có tổ chức với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm, các trường hợp bao che cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Ngoài ra, theo kiến nghị của Sở TN&MT, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc xử lý không dứt điểm để diễn ra kéo dài.
Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý, xử lý không dứt điểm để diễn ra kéo dài hoặc không kịp thời báo cáo UBND cấp huyện để chỉ đạo công tác giải tỏa, xử lý. Kết quả thực hiện công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã.a