PV: Xin ông cho biết, để quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn nước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai thực hiện những giải pháp nào?
Ông Đặng Sơn Hải:
Trong những năm gần đây, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã đề ra hàng loạt biện pháp, giải pháp cấp bách để bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Chủ trương của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Trong đó, Bà Rịa -Vũng Tàu đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp thực hiện quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Tỉnh ủy Bà Rịa -Vũng Tàu đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU về công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan và các địa phương cần phải thực hiện các giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt các hồ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn, nhất là đối với các hồ: Đá Đen, Sông Ray, Sông Hỏa, Suối Các, Núi Nhan, Châu Pha, Kim Long, Suối Nhum...; đồng thời, rà soát, cương quyết di dời các cụm công nghiệp, cơ sở chăn nuôi, sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở thượng nguồn và các hồ cấp nước.
UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cũng đã ban hành Quyết định về công bố danh mục các dự án không thu hút đầu tư, hạn chế thu hút đầu tư tại vùng thượng nguồn thuộc bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Quyết định nhằm hạn chế các ngành nghề có tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân; ban hành văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành và các địa phương tăng cường công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước.
Trong đó, các Sở, ngành, địa phương cần chú trọng đến việc quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; nghiêm cấm các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước như: xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây đe dọa, làm suy giảm chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước, gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước...
PV: Trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn tài nguyên nước, địa phương đã gặp những khó khăn nào, thưa ông?
Ông Đặng Sơn Hải:
Hiện nay, xung quanh các khu vực các hồ chứa nước của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều có dân cư sinh sống và sản xuất nông nghiệp, do đó vẫn còn tình trạng một số hộ dân xả nước thải chăn nuôi gia súc trực tiếp ra môi trường, vứt vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước.
Bên cạnh đó, một số hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn duy trì nếp sống theo thói quen, tập tục như chăn nuôi gia súc thả rông, để phân gia súc vương vãi xung quanh nhà và đường đi, gặp mưa bị rửa trôi làm ô nhiễm nguồn nước; chưa có ý thức thu gom rác vào đúng nơi quy định; vứt rác thải bừa bãi xuống suối làm cho môi trường sống mất đi mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường.
PV: Để công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước gắn với giảm nghèo bền vững, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ triển khai những giải pháp nào, thưa ông?
Ông Đặng Sơn Hải:
Trong thời gian tới, nhằm quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, bảo đảm an ninh, an toàn các nguồn nước, phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục vận hành mạng lưới quan trắc tài nguyên nước để theo dõi, giám sát nguồn tài nguyên nước, kịp thời đưa ra các cảnh báo để ứng phó, khắc phục việc ô nhiễm nguồn nước; thực hiện rà soát, điều chỉnh mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; lập phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra để tích hợp vào quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sở TN&MT cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ, cải thiện cảnh quan, môi trường nơi sinh sống và sản xuất; hướng dẫn người dân vùng nông thôn, nhất là người đồng bào DTTS thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng vào bể chứa rác thải thuốc BVTV, tuyệt đối không vứt bao bì, chai lọ thuốc BVTV ra môi trường tự nhiên, nhất là các sông, suối, kênh rạch làm ảnh hưởng đến an toàn nguồn nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!