Bà Rịa – Vũng Tàu: Bao giờ mới có khu chế biến hải sản tập trung?

09/03/2016 00:00

(TN&MT) - Cho đến nay các khu chế biến hải sản tập trung vẫn chưa  hoàn thành, dẫn đến môi trường sinh thái tiếp tục bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe...

 

(TN&MT) - Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, năm 2014 sẽ di dời tất cả các cơ sở chế biến hải sản vào khu chế biến tập trung nhằm  giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.Tuy nhiên, cho đến nay các khu chế biến hải sản tập trung vẫn chưa  hoàn thành, dẫn đến môi trường sinh thái tiếp tục bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân cũng như các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản tại khu vực hạ lưu.

Các dự án “rùa bò”

Theo Sở  TN&MT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh hiện có 244 cơ sở hoạt động liên quan đến lĩnh vực gia công, sơ chế, chế biến hải sản, tập trung tại các khu vực như xã Tân Hải (huyện Tân Thành), Cửa Lấp (phường 12, TP. Vũng Tàu) và các xã An Ngãi, Phước Hưng, Phước Tỉnh (huyện Long Điền); xã Lộc An (huyện Đất Đỏ)… Từ năm 2008 trở về trước, các cơ sở chế biến hải sản chủ yếu xử lý nước thải bằng các phương pháp lắng lọc sơ bộ, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2009, các ngành  chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nên đến nay các cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy định.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt ở khu vực xã Tân Hải (huyện Tân Thành). Tại khu vực này có 22 cơ sở nhưng trong đó có 14 cơ sở xả nước thải trực tiếp vào đầm tiếp nhận trước cống xả số 6, nước thải từ đầm theo thủy triều chảy qua cống xả số 6 ra sông Rạch Ván và đổ vào sông Chà Và (TP. Vũng Tàu). Chính vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng nên ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong khu vực và hoạt động nuôi cá lồng bè phía hạ lưu sông Chà Và nhiều năm nay.

Cá lồng bè trên sông Chà Và chết hàng loạt khiến người dân lâm cảnh nợ nần
Cá lồng bè trên sông Chà Và chết hàng loạt khiến người dân lâm cảnh nợ nần

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ các khu chế biến hải sản, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có kế hoạch xây dựng các khu chế biến hải sản tập trung tại 3 địa điểm: Khu chế biến tại Nhà máy bột cá Tân Tiến, xã Lộc An (huyện Đất Đỏ); Khu chế biến tại ấp Thèo Lèo, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) và Khu chế biến tại Gò Ông Sầm, phường 12 (TP Vũng Tàu).Vị trí xây dựng các khu chế biến hải sản tập trung cách xa khu dân cư, chợ, trường học, nơi công cộng. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải sớm hoàn chỉnh việc đo đạc và lập quy hoạch chi tiết, phối hợp với đơn vị tư vấn lập các thủ tục cần thiết để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoàn thiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong năm 2013 để đầu năm 2014 có thể bắt đầu di dời.

Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua, dù các địa phương đã cố gắng đẩy nhanh tiến độ nhưng hầu hết các dự án này vẫn chỉ “nhích” được từng chút do còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tại khu chế biến hải sản tập trung ở huyện Xuyên Mộc đã khởi công tháng 6/2014 và đã có 75/78 hộ trong diện giải tỏa đã nhận tiền đền bù và di dời. Tuy nhiên, có 3 hộ dân và 1 DN còn lại là Cty TNHH Trung Nam (sản xuất phân vi sinh từ than bùn) với diện tích đất khoảng 2 ha nhưng lại nằm ngay chính giữa khu đất triển khai dự án lại chưa di dời. Do đó, ảnh hưởng nhiều đến công việc thi công.

Còn dự án khu chế biến hải sản tập trung tại Gò Ông Sầm (TP. Vũng Tàu) mới chỉ đang hoàn thành các thủ tục để thỏa thuận địa điểm lập dự án và đang xem xét cấp giấy phép quy hoạch để lập quy hoạch chi tiết 1/500. Dự án còn lại là Khu chế biến hải sản tập trung tại huyện Đất Đỏ đã khởi công vào ngày 02/5/2014 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành…Do đó, mục tiêu đưa các khu chế biến hải sản tập trung đi vào hoạt động để giảm thiểu ô nhiễm môi trường vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Không thể chần chừ

Theo quyết định của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 22 cơ sở thuộc khu chế biến hải sản xã Tân Hải (huyện Tân Thành) chỉ được tồn tại tạm thời 5 năm (từ tháng 6/2009 – tháng 6/2014), sau đó sẽ được di dời tập trung vào Khu chế biến hải sản tập trung tại gò Ông Sầm (TP Vũng Tàu). Tuy nhiên, do khu chế biến hải sản tập trung tại gò Ông Sầm chưa hoàn thành nên các cơ sở này vẫn hoạt động bình thường. Do đó, dù các ngành chức năng vẫn tăng cường kiểm tra, giám sát, nhưng một số cơ sở chế biến hải sản vẫn lén lút xả thải ra cống số 6 gây ô nhiễm môi trường nước. Chính vì điều này đã làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước nơi đây trở nên nghiêm trọng hơn. Điều đáng nói là do ô nhiễm nguồn nước nặng nên hàng năm có nhiều đợt cá chết hàng loạt gây thiệt hại năng nề về tài sản cho người dân. Đỉnh điểm là vào tháng 9-2015, cá chết hàng loạt làm cho nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần...

Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự việc cá chết hàng loạt trên sông Chà Và trong tháng 9-2015, UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT thống kê thiệt hại, Sở TN&MT tiến hành thanh kiểm tra để xác định nguyên nhân xảy ra cá chết. Theo kết luận của Viện Môi trường Tài nguyên, có 4 nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Chà Và, đó là: do nước thải từ khu vực Cống số 6 (vị trí 14 cơ sở sản xuất hải sản xả nước thải trực tiếp ra sông); do chính hoạt động từ việc nuôi lồng bè; do xả thải từ các ao, đầm nuôi thủy sản trên lưu vực và do nước xả thải sinh hoạt từ khu vực xã Long Sơn. Trong đó, Viện Môi trường Tài nguyên đã xác định nguyên nhân chính dẫn đến cá chết hàng loạt vào tháng 9-2015 là do 14 cơ sở chế biến hải sản tại xã Tân Hải xả thải ra Cống số 6 với tỷ lệ gây ô nhiễm 76,64%.

Cảng dịch vụ hậu cần thủy sản Hưng Thái (huyện Long Điền)
Cảng dịch vụ hậu cần thủy sản Hưng Thái (huyện Long Điền)

Bà Lê Thị Công, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực này Sở đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc tập trung đầu tư 2 cụm chế biến hải sản tập trung tại xã Lộc An và xã Bình Châu, bảo đảm trong năm 2016 phải hoàn thành hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường để từ năm 2017 tổ chức di dời các cơ sở chế biến hải sản vào khu chế biến tập trung. Bà Công cũng cho biết thêm: Khu chế biến hải sản xã Tân Hải (huyện Tân Thành) nằm ở vị trí cửa ngõ ra vào của bán đảo Long Sơn, việc tồn tại các cơ sở chế biến ở đây không thuận lợi cho việc phát triển kinh tế của địa phương. Do đó, việc di dời các cơ sở chế biến vào khu chế biến tập trung là việc không thể chần chừ.

Đến nay, tất cả chủ trương, kế hoạch và giải pháp thực hiện đều đã rõ ràng. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu đề ra.Thiết nghĩ, các ban, ngành chức năng và các địa phương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần phải vào cuộc quyết liệt hơn, có như vậy mới giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, “giải cứu” được dòng sông Chà Và, xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu). Đồng thời, đây cũng chính là cách tháo gỡ những bức xúc của các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và nói riêng và của người dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung.

Bài & ảnh:Linh Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa – Vũng Tàu: Bao giờ mới có khu chế biến hải sản tập trung?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO