Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 7 giờ sáng nay (8/11) áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở khoảng 12,7 VB, 121,5 KĐ, trên khu vực miền Trung Phi-líp-pin. Trong 24h tới ATNĐ có thể mạnh lên thành bão và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực miền Trung Tây Nguyên và Nam Bộ, khu vực đã bị thiệt hại nặng nề do bão, mưa lũ thời gian qua, đặc biệt là các khu vực ven biển.
Ngoài ra do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường trong ngày và đêm nay, trên biển từ Vịnh Bắc Bộ đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 7-9, biển động mạnh, sóng cao từ 1.5m- 4.0m.
Đường đi và vị trí ATNĐ sáng 8/11/2020. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia |
Để chủ động ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão và thời tiết nguy hiểm trên biển, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN vừa có công điện số 36/CĐ-TW yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau, Kiên Giang và các tỉnh Tây Nguyên.
Theo đó, yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão và vùng ảnh hưởng của không khí lạnh trên biển; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, nhất là tàu thuyền hoạt động trên biển cũng như neo đậu tại bến.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Kiểm tra, rà soát, có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển; lao động trên lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản, các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Sẵn sàng lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; đối với các hồ đã đầy nước cần chủ động điều tiết để đón lũ, kiểm tra việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định; tổ chức các đoàn kiểm tra, bố trí lực lượng thường trực tại các trọng điểm đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai ven biển, đặc biệt là các vị trí bị hư hỏng, do mưa lũ vừa qua để kịp thời phát hiện và xử lý khi có tình huống nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Chuẩn bị sẵn sàng vận hành công trình tiêu thoát nước khi có mưa lớn để bảo vệ sản xuất, đề phòng ngập úng khu vực đô thị; hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản, nhất là các khu vực chăn nuôi tập trung.
Bên cạnh đó, tăng cường dự báo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở, thường xuyên liên tục cung cấp tình trạng diễn biến ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh.
“Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, bão; khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, nhất là tại các khu vực bị lũ quét, sạt lở đất ở Quảng Nam và những nơi trũng, thấp còn bị ngập lụt, chia cắt”, công điện nêu rõ.