Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên, kéo theo một đợt mưa lớn, kéo dài

Tuyết Chinh (thực hiện)| 30/07/2020 10:50

(TN&MT) - Hiện nay (30/7), vùng áp thấp đã đi vào khu vực biển Đông. Để làm rõ những kịch bản hoạt động của vùng áp thấp này, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã có trao đổi nhanh với TS Hoàng Phúc Lâm – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (Tổng cục KTTV).

TS Hoàng Phúc Lâm – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (Tổng cục KTTV)

Phóng viên: Hiện nay đang hình thành một cơn áp thấp trên biển Đông và nhiều khả năng sẽ đi vào đất liền, ông nhận định về như thế nào về diễn biến cơn áp thấp này?

TS Hoàng Phúc Lâm: Từ đêm qua, một vùng áp thấp ở khu vực miền Trung Phi-líp-pin đã đi vào khu vực biển Đông. Trong sáng hôm nay (30/7), cường độ gió vẫn ở dưới cấp 6 nên chúng tôi đánh giá vẫn là một vùng áp thấp, tuy nhiên nhiều khả năng trong đêm nay, vùng áp thấp sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với cường độ cấp 6, sau đó còn có khả năng mạnh tiếp lên cấp 7.

Diễn biến tiếp theo của vùng áp thấp, chúng tôi nhận thấy, sau khi áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng sẽ tạo thành một dải hội tụ nhiệt đới thấp đi qua khu vực Bắc Bộ và Bắc Biển Đông. Với hoạt động của áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng mạnh lên dẫn đến có thể có một đợt mưa to đến rất to trên diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế.

Chúng tôi nhận định, cao điểm đợt mưa này sẽ bắt đầu vào đêm ngày 31/7; đối với khu vực Trung Bộ, các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế đợt mưa lớn còn có thể kéo dài đến ngày 3/8.

Riêng đối với khu vực Bắc Bộ, các dự báo hiện nay đều cho thấy đợt mưa lớn sẽ kéo dài khá lâu, sau khi áp thấp nhiệt đới hình thành thì dải hội tụ nhiệt đới liên tục hình thành. Mưa trước tiên ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, sau đó lan rộng ra các tỉnh miền núi, đặc biệt là các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Việt Bắc sẽ còn mưa kéo dài trong nhiều ngày tới.

Các dự báo 10 ngày cho thấy, lượng mưa sẽ giảm dần nhưng chưa có dấu hiệu chấm dứt trong vòng 10 ngày tới.

Phóng viên: Xin ông cho biết, các kịch bản đề ra cho hoạt động của vùng áp thấp đã đi vào biển Đông?

TS Hoàng Phúc Lâm: Thời điểm này, áp thấp nhiệt đới vẫn còn cường độ tương đối yếu cho nên có nhiều kịch bản khác nhau cho diễn biến tiếp theo của áp thấp nhiệt đới.

Vẫn có kịch bản mà xoáy thuận nhiệt đới mạnh lên áp thấp nhiệt đới sau đó có khả năng mạnh lên thành bão; cũng có kịch bản bão sẽ đổ bộ vào khu vực vịnh Bắc Bộ và gây mưa cho khu vực Bắc Bộ, đó là khả năng cao nhất như chúng tôi dự báo hiện nay. Ngoài ra, áp thấp nhiệt đới còn có thể đổi hướng đi lên Trung Quốc.

Tuy nhiên, các kịch bản đều có nhận định chung là áp thấp nhiệt đới sẽ gây ra một đợt mưa to đến rất to.

Còn về quỹ đạo cụ thể, thời điểm nào có rất nhiều kịch bản khác nhau, vào vịnh Bắc Bộ nhưng rất chậm hoặc vào Trung Quốc.

Vấn đề mà chúng tôi chú trọng nhất là tác động của áp thấp nhiệt đới này dẫn đến đợt mưa lớn và kéo dài ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Phóng viên: Dự báo, có khả năng xuất hiện các hiện tượng cực đoan như dông, lốc, lũ quét không thưa ông?

TS Hoàng Phúc Lâm: Đối với các thiên tai đi kèm với cơn áp thấp nhiệt đới và đợt mưa sắp tới, trước hết là đối với các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế, sau một thời gian dài có nắng nóng, khô hạn, đây sẽ là đợt mưa lớn nhất từ đầu năm đến giờ.

Sau một thời gian khô hạn, nắng nóng kéo dài, rất nhiều khả năng mưa lớn sẽ dễ kèm theo các thiên tai dông, lốc, sét. Chính vì vậy, các thiên tai như dông, lốc, sét sẽ rất nguy hiểm đối với các phía Bắc Trung Bộ và từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế.

Đối với khu vực Bắc Bộ, mưa nhiều khả năng kéo dài, ngoài nguy cơ ngập úng, dông, lốc, sét thì còn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đó là những nguy cơ thiên tai lớn nhất đối với các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ do đợt mưa lớn sắp tới.

Phóng viên: Nhận định xa hơn, các cơn bão năm nay sẽ xảy ra dồn dập vào những tháng cuối năm, ông nhận định như thế nào về cường độ các cơn bão này?

TS Hoàng Phúc Lâm: Các dự báo xa của chúng tôi cho thấy, từ giờ đến cuối năm các cơn bão sẽ xuất hiện nhiều hơn. Trong đó, tháng 8,9 mưa và bão sẽ xảy ra ở khu vực phía Bắc; cao điểm mùa bão năm nay sẽ là các tháng 10,11 ảnh hưởng đến các tỉnh khu vực miền Trung. Các lượng mưa cũng như dự báo về cao điểm mùa bão sẽ ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung Bộ trong năm 2020.

Không loại trừ khả năng đến tháng  12/2020, chúng ta vẫn sẽ còn áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và tác động đến phía Nam gồm Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên, kéo theo một đợt mưa lớn, kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO