Áp lực với ngành cấp thoát nước

26/08/2016 00:00

(TN&MT) - Với tốc độ tăng dân số đô thị khoảng 2%/năm, đến năm 2020, nhu cầu cấp nước sinh hoạt đô thị cũng tăng lên 9,4 - 9,6 triệu m3/ngày và một lượng nước...

 
(TN&MT) - Với tốc độ tăng dân số đô thị khoảng 2%/năm, đến năm 2020, nhu cầu cấp nước sinh hoạt đô thị cũng tăng lên 9,4 - 9,6 triệu m3/ngày và một lượng nước thải lớn cần xử lý tương ứng xấp xỉ 7 triệu m3/ngày. Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư cho cấp thoát nước càng lớn (trên 10 tỷ đô la Mỹ cho 5 năm tới).
 
Hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 795 đô thị với tổng công suất cấp nước sạch khoảng 7,4 triệu m3/ngày, tăng 1,6 lần so với cách đây 10 năm; nhưng tỷ lệ thất thoát nước sạch đô thị hiện nay cũng ở mức cao, khoảng 24%. Trong khi đó, hiện, cả nước chỉ có khoảng 30 nhà máy xử lý nước thải đô thị với công suất xử lý 860.000 m3/ngày. Với công suất này, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý hiện khá khiêm tốn, mới chỉ đạt 12%.
 
Theo Bộ Xây dựng, dự báo đến năm 2020, dân số đô thị nước ta đạt 44 triệu người, nhu cầu cấp nước sinh hoạt đô thị cũng tăng lên 9,4 - 9,6 triệu m3/ngày và một lượng nước thải lớn cần xử lý tương ứng xấp xỉ 7 triệu m3/ngày. Vì thế, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành cấp nước, xử lý nước thải trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ khá lớn, lên đến 10,2 tỷ đô la Mỹ (trong đó, nhu cầu vốn để xây các nhà máy nước mới, cải thiện hệ thống nước hiện hữu và các nhu cầu khác là 3,3 tỷ đô la Mỹ; nguồn vốn để đầu tư thêm các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trong 5 năm tới, cần đến 6,9 tỷ đô la Mỹ). Tuy vậy, khả năng huy động đủ nguồn vốn này là không dễ dàng.
 
Việt Nam cần trên 10 tỷ đô la Mỹ để đầu tư cho lĩnh vực cấp thoát nước 5 năm tới
Việt Nam cần trên 10 tỷ đô la Mỹ để đầu tư cho lĩnh vực cấp thoát nước 5 năm tới
 
Ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, thách thức lớn cho ngành cấp thoát nước thời gian tới là với tốc độ tăng dân số đô thị khoảng 2%/năm, áp lực nhu cầu vốn đầu tư cho cấp thoát nước càng lớn (trên 10 tỷ đô la Mỹ cho 5 năm tới), nhưng xu hướng vốn ODA lại giảm dần, ngân sách hạn hẹp nên rất khó khăn trong việc huy động tài chính để phát triển hệ thống cấp thoát nước.
 
Một thực trạng đáng lo khác được ông Quang nhắc đến là chất lượng nguồn nước đang ô nhiễm và suy thoái, nước ngầm cạn kiệt dần, nước mặt các dòng sông do quản lý chưa tốt nên nước thải gây ô nhiễm sông; chưa kể biến đổi khí hậu gây nên tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho sinh hoạt, canh tác.
 
Đưa những số liệu sát với thực tế, ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện cả nước có khoảng 40 nhà máy xử lý nước thải đang được thiết kế, xây dựng với tổng công suất 1,6 triệu m3/ngày và sẽ được đưa vào vận hành trong thời gian tới. Tuy vậy, ông Tiến cũng lo ngại rằng, hiện, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải dự kiến bằng 10% so với giá nước sạch. Với mức giá này, có thể người dân sẽ không chịu đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải, tiếp tục xả nước thải ra môi trường. Điều này dễ tạo ra sự bất bình đẳng trong xử lý môi trường. Vì thế, rất có thể sẽ diễn ra tình trạng nhiều nhà máy xử lý nước thải xây dựng xong nhưng không có nước thải để xử lý. Nếu như vậy, đây sẽ là một sự lãng phí.
 
 
 
Bộ Xây dựng đang tính toán đến dự án xây dựng một nhà máy nước sạch tại Đồng bằng sông Cửu Long, công suất 300.000 m3/ngày đêm để cung cấp cho khu vực dân cư phía Tây sông Hậu, Ngân hàng Thế giới cam kết cho vay khoảng 400 triệu đô la Mỹ. Sắp tới dự án sẽ được đưa ra đấu thầu tư vấn, xây dựng nghiên cứu khả thi.
 
 
 
Thạch Long
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp lực với ngành cấp thoát nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO