Ảo ảnh đô thị xanh

Ngọc Lý| 14/05/2020 14:14

(TN&MT) - Chưa bao giờ vấn đề về quy hoạch, môi trường của các thành phố lớn ở Việt Nam lại “nóng” như lúc này. Đặc biệt, việc mở rộng các đô thị, tạo lập các đô thị vệ tinh đang đứng trước nguy cơ “vỡ quy hoạch” do việc phát triển thái quá, cấp phép tràn lan các dự án.

Chính vì thế, trong tầm nhìn tổng thể nhằm hoàn thiện hệ thống đô thị của cả nước, các chiến lược phát triển của Việt Nam phải giải quyết được các điểm chưa nhất quán giữa những gì của hiện tại và những gì cần làm trong tương lai.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các thành phố chỉ chiếm 2% diện tích đất đai, song tiêu thụ tới 75% nguồn lực thế giới và tạo ra một cơ số tương tự lượng rác thải với những hậu quả có tính tàn phá đối với môi trường và sức khỏe của cư dân đô thị.

OECD cũng chỉ ra 5 điểm nghẽn lớn đối với tương lai đô thị Việt Nam. Đó là, trình độ lao động đô thị thấp; Hạ tầng giao thông yếu kém khi đất giao thông Hà Nội bình quân đầu người là 4,8m2, TP.HCM là 2,9m2, bằng 20 - 25% chuẩn quốc tế; Đô thị hóa đi kèm với thách thức môi trường nghiêm trọng gây nguy cơ cho sức khỏe dân cư và nền kinh tế (chỉ riêng bụi mịn PM theo chuẩn WHO là 20 ug/m3/năm, thì Hà Nội là 150 - 180 ug/m3 và TP.HCM là 96 ug/m3); Bành trướng đô thị lấn vành đai nông nghiệp và tự nhiên ở ngoại vi, phát triển lạc hậu về hình thể theo mảng, biến tướng về chức năng (việc mở rộng Hà Nội năm 2008 đã cơ bản thanh toán xong vành đai nông nghiệp sông Nhuệ và vùng xanh ngoại vi bao bọc Hà Nội); dân cư đô thị đang thực sự mất kết dính xã hội, đánh mất dần gốc văn hóa bình đẳng làng xã lấy cộng cảm cộng đồng ngàn năm để phát triển.

Thực tế cho thấy, những đánh giá trên là không mới. Đồng thời, với quá trình phát triển của các đô thị, là sự phát tác nhiều loại hình tiêu cực đến môi trường sống. Việc mở rộng thành phố đã thôn tính rất nhiều không gian xanh, nhiều di sản văn hóa bị mất mát. Vì vậy, cần nhanh chóng ngăn sự thôn tính này bằng việc dừng các dự án tràn lan mọc lên dưới tên gọi là “điều chỉnh quy hoạch”.

Phát triển đô thi xanh. Ảnh minh họa

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu đô thị hóa đem lại sức mạnh, sự giàu có, thì mặt trái của nó là sự cách biệt giữa giàu và nghèo.

Nông dân nghèo không có đất sẽ tiếp tục di dân đổ về các đô thị để kiếm việc làm, tìm cơ may trong cuộc sống đô thị.

Việc giảm nghèo ở đô thị không thể thực hiện được nếu không tạo thêm việc làm và thu nhập. Nếu các thành phố không cung cấp được các cơ hội tạo ra thu nhập cho người nghèo, sẽ phải đối mặt với sự gia tăng đói nghèo, xung đột xã hội và trì trệ.

Rõ ràng, tương lai của thành phố dựa trên những hành động của chúng ta hôm nay, để thành phố phát triển bền vững cần phải kiểm soát phát triển phù hợp với điều kiện bản thân và hài hòa với khu vực lân cận, phát huy nội lực thành phố với việc sử dụng năng lượng tái tạo, phát triển các không gian xanh. Tạo ra những bước chân sinh thái nhỏ nhất, giảm thiểu lượng ô nhiễm môi trường thấp nhất, sử dụng hiệu quả đất, thận trọng trong việc sử dụng vật liệu xây dựng, tái sử dụng vật liệu hoặc chuyển hóa chất thải thành năng lượng tái tạo.

Ở Việt Nam, sự chuyển đổi sử dụng đất, và nguy cơ dân số tăng nhanh tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng và Cần Thơ... đến mức “không chịu nổi” là khá hiển nhiên, trừ phi có một lưu tâm nghiêm túc cho sự phát triển phân tán tới các trung tâm đô thị khác. Thế nên, các thách thức của tương lai còn phức tạp hơn trong quá khứ.

Mong muốn của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý là hướng tới xây dựng những đô thị bền vững – đô thị xanh. Nhưng, để đạt được mong ước này, chắc còn cần nhiều thời gian, công sức và cả tâm sức, thậm chí cần phải trân trọng và biết lắng nghe từng đề xuất, ý kiến của mỗi người dân. Còn nếu không, đô thị xanh mãi chỉ là ảo ảnh mà thôi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ảo ảnh đô thị xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO