Khoáng sản

Ăn rừng, ngủ núi Tìm dấu vết thiên tai

Ghi chép của Mai Đan 01/06/2023 - 12:30

(TN&MT) - 25 bộ Bản đồ Hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000, 15 bộ Bản đồ Phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cho 40 tỉnh; 59 bộ Sơ đồ Hiện trạng khối trượt lở đất đá và 59 bộ Sơ đồ Khoanh vùng nguy cơ trượt lở đất đá cho 59 xã trọng điểm…

Những con số tự hào này là kết quả mà các cán bộ địa chất thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và cộng sự đạt được trong giai đoạn 2012 - 2020, khi thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”.

13-2-.jpg
Trượt lở đất đá ở khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị (10/2020)

Để có được khối “tài sản” quý giá ấy, gần một thập kỷ qua, những người thực hiện Đề án đã ăn rừng ngủ núi, bền bỉ đi tìm “dấu vết” thiên tai. Không chỉ để hoàn thành nhiệm vụ Bộ TN&MT giao, mà hơn thế, còn là niềm đam mê nghề nghiệp, là trách nhiệm với đất nước, xã hội, cộng đồng trước nguy cơ thiên tai đe dọa.

Là chủ nhiệm Đề án từ năm 2017 - 2020, nhà địa chất Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã vinh dự trở thành đồng chủ nhân của hệ thống bản đồ, trong đó chứa đựng các yếu tố địa hình, cấu trúc địa chất - kiến tạo, đới phá hủy; địa chất thủy văn - địa chất công trình, thảm phủ, phân bố mưa... được coi là tác nhân chính có liên quan đến quá trình phát sinh và phát triển hiện tượng trượt lở đất đá (TLĐĐ) khu vực miền núi Việt Nam.

Chia sẻ về nhiệm vụ ý nghĩa này, ông cho biết, đối với các cơ quan quản lý chuyên ngành và các cơ quan ban hành lập pháp, bản đồ sẽ góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc soạn thảo và ban hành các điều luật, quy định nhằm hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của các điều kiện gây nguy cơ TLĐĐ và các tai biến địa chất liên quan khác.

1. Kể từ năm 2012 đến hết năm 2020, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam) hoàn thành công tác “Điều tra và thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá”.

Sự phối hợp này đã tạo ra sản phẩm là 25 bộ Bản đồ Hiện trạng TLĐĐ ở các tỷ lệ 1:50.000 cho khu vực miền núi của 25 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi); cung cấp thông tin chi tiết về các vị trí đã từng xảy ra TLĐĐ đến thời điểm được điều tra; khoanh vùng sơ bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra TLĐĐ trên cơ sở đánh giá các kết quả khảo sát.

Kết quả điều tra cho thấy, trên địa bàn miền núi của 25 tỉnh Bắc và Trung Bộ, các đơn vị điều tra đã xác định được 12.099 vị trí có biểu hiện TLĐĐ từ giải đoán ảnh viễn thám và phân tích địa hình trên mô hình lập thể số, 14.726 vị trí đã xảy ra TLĐĐ từ khảo sát thực địa.

Các đơn vị điều tra cũng đã xác định được tổng số 16.523 vị trí đã xảy ra các loại hình tai biến địa chất (TBĐC) khác, trong đó có 349 vị trí lũ quét, lũ ống; 970 vị trí xói lở bờ sông, bờ biển; 29 vị trí sụt lún, karst ngầm, 449 điểm khai thác khoáng sản đã xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra TLĐĐ. Số lượng vị trí đã xảy ra lũ quét được ghi nhận nhiều nhất tại Sơn La, Nghệ An, Yên Bái, Hà Giang... Số lượng vị trí đã xảy ra xói lở bờ sông được ghi nhận nhiều nhất tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Điện Biên, Quảng Trị... Số lượng vị trí đã xảy ra các TBĐC khác liên quan được ghi nhận nhiều nhất tại Quảng Nam. Số lượng điểm khai thác khoáng sản có nguy cơ gây TLĐĐ được ghi nhận nhiều nhất tại Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Hòa Bình, Quảng Ninh, Lai Châu...

Nhiều năm lăn lộn với Đề án, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Trịnh Xuân Hòa chia sẻ, ông cảm thấy đó là quãng thời gian vô cùng ý nghĩa của mình và đồng nghiệp, bởi dựa trên các kết quả được thể hiện trên bộ Bản đồ hiện trạng TLĐĐ, các cấp chính quyền địa phương có thể nắm bắt được toàn cảnh thực trạng xảy ra TLĐĐ ở địa phương mình, chi tiết tới từng điểm trượt đã được khảo sát. Các địa phương và các đơn vị liên quan có thể sử dụng bộ bản đồ hiện trạng TLĐĐ như một công cụ cảnh báo sơ bộ về nguy cơ TLĐĐ và có phương án chuẩn bị các biện pháp ứng phó phù hợp tại mỗi vị trí tùy mức độ quy mô, nguy cơ (tái) xuất hiện TLĐĐ trong các mùa mưa bão.

2. Ngay sau nhiệm vụ Điều tra, lập Bản đồ Hiện trạng TLĐĐ, từ năm 2014 đến 2018, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiếp tục chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Thành lập Bản đồ Phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000” cho các khu vực miền núi, trung du thuộc 15 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Hòa Bình.

13-1-.jpg
Một giai đoạn mới vẫn đang chờ bàn chân người địa chất đi tìm dấu vết thiên tai

Kết quả của công tác thành lập Bản đồ Phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ sẽ được sử dụng làm số liệu đầu vào cho các bài toán, mô hình phân vùng hiểm họa, tính dễ bị tổn thương và rủi ro do TLĐĐ, làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư, hoặc áp dụng các biện pháp công trình, phi công trình phù hợp để phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do TLĐĐ gây ra.

Hệ thống Bản đồ Phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ sẽ cung cấp các thông tin về các mức độ nguy cơ xảy ra TLĐĐ tại mỗi khu vực khi hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi (về địa chất, địa hình, địa mạo, khí tượng, thủy văn...), kích hoạt các quá trình TLĐĐ xảy ra; giúp các cấp chính quyền nắm bắt được toàn cảnh mức độ nguy cơ có thể xảy ra TLĐĐ ở địa phương, được chi tiết tới cấp xã.

Bản đồ Phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ tỷ lệ 1:50.000 đã được Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chuyển giao về 15 tỉnh địa phương, giúp cho chính quyền các cấp, các ban ngành quản lý, quy hoạch, giao thông và xây dựng có thể sử dụng các bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ như một trong những cơ sở khoa học phục vụ công tác quy hoạch, di dời, sắp xếp dân cư, đồng thời vẫn có kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai phù hợp cho từng địa bàn dân cư.

Các bộ bản đồ cũng được Viện chuyển giao cho các cơ quan liên quan như Tổng cục Khí tượng thủy văn, Tổng cục Phòng chống thiên tai (nay là Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) để phục vụ các công tác chuyên môn của các đơn vị.

“Vạn sự khởi đầu nan” là cách mà nhà địa chất Trịnh Xuân Hòa ví von về công tác điều tra hiện trạng, là những bước chân đầu tiên trong hành trình đi tìm dấu vết thiên tai để tìm ra một quy luật tương đối, đặt nền móng cho các công việc tiếp theo. Đây là giai đoạn đầu tiên trong tiến trình điều tra cơ bản có hệ thống về hiện trạng TLĐĐ và các yếu tố thành phần đóng vai trò là nguyên nhân gây phát sinh, phát triển quá trình TLĐĐ.

Các kết quả của công tác điều tra hiện trạng sau đó được sử dụng làm số liệu đầu vào quan trọng cho các bài toán, mô hình đánh giá, phân vùng và thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ cho các khu vực đã được điều tra. Vì thế, theo ông, lập Bản đồ Hiện trạng TLĐĐ là nhiệm vụ quan trọng nhất trong Đề án.

Mặc dù Đề án đã đạt được nhiều kết quả chi tiết đánh giá mức độ nguy cơ TLĐĐ, nhưng vì nhiều nguyên nhân nên giai đoạn 1 của đề án kết thúc vào năm 2020, tạm dừng để chuẩn bị triển khai giai đoạn 2. Nhiều địa phương được bàn giao sản phẩm vẫn mong mỏi Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xây dựng các bản đồ ở cấp xã và chi tiết các điểm sạt lở để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong việc phòng chống lũ quét, sạt lở đất.

Suy nghĩ về trách nhiệm nghề, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, thiên tai ngày càng phức tạp, Phó Viện trưởng Trịnh Xuân Hòa chia sẻ, ước mơ của ông chưa hề dừng lại, ông vẫn mong chờ giai đoạn tiếp theo, và như vậy, một giai đoạn mới vẫn đang chờ bàn chân người địa chất đi tìm dấu vết thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ăn rừng, ngủ núi Tìm dấu vết thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO