An ninh nguồn nước cho đồng bằng sông Cửu Long

Việt Hùng| 10/11/2020 10:32

(TN&MT) - Do biến đổi khí hậu và ảnh hưởng nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong cũng như hoạt động nội tại, đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đứng trước những khó khăn, tổn thất nhất định. Khi đó, vấn đề an ninh nguồn nước đang là vấn đề cấp bách để giúp người dân trong vùng an tâm sinh sống và sản xuất.

Thực tế cho thấy, trong 5 năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xảy ra 2 đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh. Hạn mặn đã làm 58.400 ha lúa bị thiệt hại, 25.120 ha cây ăn trái, 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, gây sụt lún nghiêm trọng nhiều tuyến đê, đường giao thông, tổng thiệt hại ước tính trên 3.000 tỷ đồng. Khi đó, 6/13 tỉnh, thành thuộc ĐBSCL buộc phải công bố tình huống khẩn cấp do hạn mặn.

 

PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ cho biết, ĐBSCL đang rơi vào thế bị động cả trước những hiện tượng thời tiết cực đoan lẫn những tác động mạnh mẽ của việc tích nước ở thượng nguồn. Điều này khiến cho việc đưa ra các giải pháp ứng phó gặp rất nhiều khó khăn. Để chủ động về nguồn nước, việc trữ nước ngọt cho ĐBSCL là điều rất cần thiết.

Về giải pháp, theo PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung, đối với vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, các vùng ven sông, cần trữ nước lũ vào các vùng trũng thấp, ao hồ và kênh rạch. Đối với vùng ven biển và bán đảo Cà Mau, trong suốt mùa lũ, bên cạnh trữ nước lũ, việc trữ nước mưa cũng rất quan trọng vì nếu lũ không về thì vẫn có nước sử dụng.

Nhiều chuyên gia, các nhà khoa học cũng cho rằng, để đảm bảo an ninh nguồn nước, cần lấy phương châm tự chủ là chính, trong đó, tập trung tăng cường khả năng phát triển và bảo vệ nguồn nước ngọt, kiểm soát mặn, kiểm soát xả thải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An ninh nguồn nước cho đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO