Nội dung trên được ghi nhận tại Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh An Giang quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 30/11/2018.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn việc lập phương án khai thác; cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước theo quy định; thực hiện thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án tính tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các cá nhân, tổ chức liên quan.
Việc cấp phép xả nước thải vào nguồn nước phải căn cứ vào khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước ở công trình đó, bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước và việc bảo vệ tài nguyên nước. Đồng thời, việc xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi phải tuân thủ theo Điều 46 Luật Thủy lợi và Điều 16, Điều 21, Điều 23 Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018.
Cũng theo Quyết định trên, thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 157 của Luật Đất đai năm 2013, đối với công trình đang bị lấn chiếm ảnh hưởng đến vận hành, khai thác, các đơn vị, cá nhân được giao quản lý, khai thác công trình phối hợp với chính quyền địa phương xác định lại phần diện tích đất bị lấn chiếm để có biện pháp thu hồi, khôi phục lại hiện trạng công trình. Theo đó, trường hợp đất trong phạm vi bảo vệ công trình đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định diện tích đất để bồi hoàn; Trường hợp đất trong phạm vi bảo vệ công trình không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổ chức khôi phục lại hiện trạng và thực hiện cắm mốc chỉ giới.
Xử lý nghiêm các vi phạm
UBND tỉnh An Giang nghiêm cấm các hành vi như: Khoan, đào đất đá, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; các hoạt động gây cản trở đến việc quản lý, sửa chữa công trình.
Đặc biệt nghiêm cấm các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước của công trình thủy lợi như: thải chất độc hại, rác, xác súc vật chết, chai lọ, thuốc bảo vệ thực vật; nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp hay khu công nghiệp, nước thải từ các khu sản xuất, nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt từ khu dân cư, khu kinh doanh (các loại nước thải nêu trên chưa được xử lý hoặc đã xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn cho phép) vào công trình thủy lợi.
Các hành động lấn chiếm mặt sông, cản trở thoát lũ, làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến hiện tượng xói lở cục bộ phía trước và sau công trình; Các hành vi gây trở ngại cho công tác khai thác và bảo vệ công trình: chất chà, đăng đó, trồng và khai thác các loại cây, cỏ làm cản trở dòng chảy; đổ đất, đá, rác gây bồi lắng lòng kênh; chăn thả súc vật trong phạm vi bảo vệ công trình; cản trở gây khó khăn cho người làm công tác quản lý vận hành, sửa chữa và bảo vệ công trình.
Cất chuồng, trại chăn nuôi và thả gia súc, gia cầm; Nuôi trồng thủy sản trái phép; Xây dựng kho, bến, bãi bốc dỡ hàng hóa; tập kết nguyên liệu, vật liệu; nơi sản xuất, bãi chứa vật liệu và đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ công trình đe dọa đến kết cấu, môi trường của công trình thủy lợi.
Tất cả những hành vi trên sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Hình thức xử phạt áp dụng theo quy định tại Chương III Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều và các văn bản pháp luật khác có liên quan.