Đất đai

Ấm ân tình nơi huyện vùng biên...

Thục Vy 27/03/2024 - 17:25

(TN&MT) - Được ví von là “chảo lửa” của vùng Đông Nam Bộ, huyện biên giới Lộc Ninh có quỹ đất rộng, khí hậu ôn hòa, ít khi xảy ra thiên tai, song đời sống của nhiều người dân vẫn nghèo lắm. Nhưng nhờ có sự chung sức, chung lòng, hỗ trợ của chính quyền địa phương mà giờ đây đời sống của nhiều người dân đã khởi sắc, không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà còn làm giàu trên mảnh đất quê hương...

img_20240321_192541.jpg
Nông dân ở xã Lộc Thạnh trồng cỏ nuôi dê

Cùng nhau thoát nghèo
Chúng tôi đến huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) vào một ngày trung tuần tháng 3. Thời điểm này, Bình Phước đang vào mùa khô nên thời tiết nóng rát, ánh nắng chói chang như muốn đốt cháy da thịt. Dọc hai bên những con lộ, từng bụi cây dại đã cháy khô, đất đai khô cằn nứt nẻ. Thế nhưng, đằng sau khung cảnh xơ xác đó là những vườn cây xanh mướt, lúc lỉu trái. Xa xa là những đàn dê, đàn bò ung dung nhai cỏ.

Chỉ đường cho chúng tôi vào nhà ông Lê Văn Hiểu ở xã Lộc Thạnh, anh Lâm – người dân sống ở đây cho biết: “Nhà ông Hiểu ngày trước nghèo lắm, nhưng giờ thì khá hơn rồi. Nhà ông có vườn bưởi da xanh nhiều trái và rất ngon”. Đúng như lời anh Lâm nói, vườn bưởi nhà ông Hiểu rất rộng và xanh tốt. Thời điểm này, bưởi đang cho thu hoạch nên trên cành cây lúc lỉu trái. Ít ai biết rằng, để có được vườn bưởi này là cả một quá trình thẩm thấu kỹ thuật canh tác và thay đổi tư duy sản xuất của bản thân ông Hiểu.

Ông Hiểu chia sẻ, nhà ông có hơn 1ha đất trước đây chủ yếu trồng hoa màu, do không biết chăm bón và cải tạo đất nên năng suất thấp, vì thế cái nghèo cứ đeo bám gia đình ông mãi. Quyết không để gia đình cứ sống trong cảnh thiếu thốn, nên khi được cán bộ xã tuyên truyền và vận động, năm 2020, ông Hiểu quyết định chuyển sang trồng bưởi da xanh.

“Khi bắt tay vào cải tạo vườn hoa màu để trồng bưởi, tôi rất lo lắng. Vì thu nhập cả của gia đình đều trông cậy vô vườn rau. Giờ bỏ rau rồi trồng bưởi, lỡ cây không phát triển, không có năng suất, trái không chất lượng thì nhà tôi chỉ có đói thôi”, ông Hiểu kể về những ngày đầu chuyển sang trồng bưởi.

May mắn thay, những điều ông lo lắng đã không xảy ra, mà đúng như những gì cán bộ tư vấn và hướng dẫn, giống bưởi da xanh rất phù với thổ nhưỡng địa phương nên cho năng suất cao và chất lượng quả rất ngon. Vườn bưởi đem lại thu nhập cao hơn nhiều so với trồng hoa màu nên kinh tế gia đình nhà ông khởi sắc hẳn.

Đến nay, mô hình trồng bưởi của ông Hiểu đã được nhiều bà con làm theo, góp phần nâng cao đời sống của nhiều hộ gia đình. “Gia đình tôi đã làm được, nên rủ thêm nhiều hộ khác cùng làm. Chúng tôi cứ gặp nhau là nói về vườn bưởi, về kỹ thuật, về sản lượng… có thu nhập ổn định nên ai cũng vui”, ông Hiểu hồ hởi.

Ở xã Lộc Thạnh, câu chuyện rôm rả nhất của nhiều hộ dân là trồng cây gì, nuôi con gì để nâng cao thu nhập. Ngoài cây bưởi, thì con dê cũng là con “thoát nghèo” của bà con. Như gia đình ông Nguyễn Văn Thông cũng là một điển hình về việc thoát nghèo nhờ nuôi dê.

Kể về hành trình thoát nghèo, ông Thông chưa bao giờ quên ơn của cán bộ và chính quyền địa phương. “4ha đất của gia đình tôi trước đây chủ yếu trồng hoa màu nhưng năng suất thấp lắm. Gia đình cứ thiếu trước hụt sau. Nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện cho tôi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật và được vay vốn ưu đãi nên tôi quyết tâm trồng 3ha cỏ để nuôi dê. Giờ thì ổn định rồi, gia đình tôi đã có thu nhập tốt”, ông Thông vui vẻ cho biết.

Ông khoe, năm 2020, ông khởi nghiệp chỉ với 5 con dê, đến nay đã có đàn dê gần 30 và tiếp tục phát triển đàn dê của gia đình. Hiện tại, 6 tháng ông xuất chuồng 1 lứa 12 con, với giá bán gần 4 triệu đồng/con. Thấy nuôi dê có lãi, ông tích cực hướng dẫn mô hình chăn nuôi này cho bà con tại địa phương.

Chia sẻ về các chính sách và việc đồng hành giúp người dân thoát nghèo bền vững, lãnh đạo UBND xã Lộc Thạnh cho biết, với đặc thù địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế, địa phương chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời, phân công cán bộ, hội viên hỗ trợ hộ sản xuất cụ thể gắn với xây dựng những mô hình điểm, từ đó thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu sang chủ động sản xuất, thoát nghèo trên mảnh đất của mình.

vuon-buoi.jpg
Cây bưởi da xanh đem lại thu nhập ổn định cho nông dân huyện Lộc Ninh

Hỗ trợ sinh kế
huyện đã định hướng người dân tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung. Trong đó, việc xây dựng các mô hình điểm để giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất và lan tỏa tới các hộ nghèo được huyện hết sức chú trọng.

Nói về mục tiêu giảm nghèo bền vững của huyện nhà, lãnh đạo UBND huyện Lộc Ninh cho biết, những năm qua, huyện đã triển khai nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm góp phần quan trọng cho công tác giảm nghèo của tỉnh. Trên cơ sở rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo phương pháp đa chiều, đến cuối năm 2022 trên địa bàn huyện Lộc Ninh có 230 hộ nghèo, chiếm 0,69% tổng số hộ dân, trong đó có 139 hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Trong năm 2023, huyện đã đề ra chỉ tiêu giảm được ít nhất 191 hộ nghèo và phấn đấu các xã: Lộc Hiệp, Lộc Thạnh, Lộc Thiện, Lộc Thịnh và Lộc Thái không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều. Cùng với tạo điều kiện tốt nhất để các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận vốn, các tổ chức hội, đoàn cũng chủ động định hướng về cây, con giống, chuyển giao khoa học-kỹ thuật để người dân từng bước thoát nghèo bền vững.

Với phương châm hỗ trợ sinh kế, thay đổi nếp nghĩ, cách làm nhằm tạo động lực để các hộ thoát nghèo bền vững, điểm nhấn trong công tác giảm nghèo năm 2023 của huyện là đã lồng ghép nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã kịp thời hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Chia tay huyện Lộc Ninh, đi trên những con đường bê tông sạch đẹp, nhìn lại những ngôi nhà khang trang ẩn mình dưới những khu vườn xanh mướt, chúng tôi chợt nhận ra, việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình giảm nghèo ở huyện biên giới này đang mang lại hiệu quả tích cực. Đây là “chìa khóa” để các hộ dân vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững.

Từ những chính sách hỗ trợ thiết thực, đến cuối năm 2023, toàn huyện Lộc Ninh giảm được 196 hộ nghèo, trong đó, giảm 125 hộ nghèo DTTS, đưa số hộ nghèo toàn huyện xuống còn 34 hộ, chiếm 0,1% tổng số hộ dân. Trong đó, số hộ nghèo DTTS giảm còn 14, chiếm 41,17% tổng số hộ nghèo; vượt chỉ tiêu tỉnh giao 0,02%. Các xã Lộc Ðiền, Lộc Thạnh, Lộc Thịnh và thị trấn Lộc Ninh không còn hộ nghèo. Hiện toàn huyện còn 422 hộ cận nghèo, chiếm 1,27% tổng số hộ dân, trong đó 227 hộ cận nghèo DTTS, chiếm 54,69%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấm ân tình nơi huyện vùng biên...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO