Doanh nghiệp - doanh nhân

Agribank đồng hành cùng Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp”

Trung Dũng 26/07/2023 - 14:24

Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Thời báo Ngân hàng phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” sáng ngày 25/7/2023, tại Hà Nội. Đại diện Agribank, bà Phùng Thị Bình – Phó Tổng Giám đốc tham dự và có bài phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Hội thảo do Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú và ông Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chủ trì. Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế tài chính hàng đầu trong nước và quốc tế, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng…

Hội thảo tổ chức nhằm đi sâu phân tích những lý do khiến cho sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế bị suy giảm, dẫn tới việc các ngân hàng khó giải ngân tín dụng…; đề xuất những giải pháp giúp nâng cao năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong bối cảnh đầy thách thức đó, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai đồng bộ, tối ưu các công cụ và giải pháp để kiểm soát lạm phát ở mức thấp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

img-2898.jpg
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đánh giá, thời gian qua ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực tiết kiệm chi phí hoạt động, sẵn sàng giảm lãi suất san sẻ gánh nặng chi phí lãi vay cho doanh nghiệp, quy trình thủ tục cho vay cũng rút gọn; cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ… Mặc dù ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng tín dụng 6 tháng có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước. Tính đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022. 

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đến từ các bộ, cơ quan quản lý, Hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và cả các tổ chức tín dụng đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp. Theo đó, nguyên nhân lớn nhất là hiện các doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm... Trước thực trạng trên, để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp, ngoài giải pháp, chính sách từ ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ. 

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho biết: thấu hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, Agribank đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm tăng cường sức hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. Theo đó, Agribank triển khai các Chương trình của Chính phủ, NHNN như Hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ: hỗ trợ lãi suất cho gần 900 khách hàng tại 115 chi nhánh với 7.041 món giải ngân, doanh số cho vay gần 11 ngàn tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 của NHNN: dư nợ của các giải ngân được cơ cấu là 20.187 tỷ đồng cho 474 khách hàng doanh nghiệp.

chi-binh.jpg
  Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tham luận tại Hội thảo

Bên cạnh đó, Agribank đã có 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Lãi suất các khoản cho vay thông thường phát sinh mới giảm từ 2-4%/năm so với đầu năm. Điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3% đối với khách hàng là pháp nhân vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn. Điều chỉnh giảm tối thiểu 0,5% lãi suất cho các khách hàng hiện có dư nợ trung dài hạn bằng VND tại Agribank.

Đồng thời, Agribank cũng triển khai các Chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô lớn như: chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp quy mô chương trình lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD; Chương trình cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, quy mô 25.000 tỷ đồng, kéo dài đến hết năm 2023; Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm, thủy sản vượt qua khó khăn do giá nguyên liệu, số lượng đơn hàng giảm mạnh, Agribank cam kết tham gia chương trình với quy mô dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng, đồng thời miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình, thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024; Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP triển khai từ ngày 03/4/2023 đến khi doanh số giải ngân đạt 30.000 tỷ đồng và không quá ngày 31/12/2030; Dự kiến triển khai Chương trình cho vay ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô 20.000 tỷ đồng từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024…

Trong thời gian tới, Agribank tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, NHNN, điều hành lãi suất linh hoạt, nỗ lực tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm tín dụng phù hợp với các phân khúc khách hàng, theo từng ngành nghề, lĩnh vực, theo từng địa bàn; chuẩn hóa quy trình, giảm thiểu thủ tục và thời gian xét duyệt khoản vay; đẩy mạnh các kênh truyền thông để các thông tin về các chương trình cho vay ưu đãi đến được với khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Agribank đồng hành cùng Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO