Tài chính toàn diện – tiền đề quan trọng để phát triển bền vững
Tầm quan trọng của tài chính toàn diện đã được khẳng định trên phạm vi toàn cầu khi Liên hợp quốc xác định, đây là một giải pháp quan trọng để đạt 7 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Nhóm G20 đã coi tài chính toàn diện là một trong những trụ cột chính trong định hướng phát triển từ năm 2009. Các nước ASEAN cũng xác định tài chính toàn diện là 1 trong 3 trụ cột cho Tầm nhìn ASEAN 2025 và đã thành lập Ủy ban Công tác về tài chính toàn diện (WC-FINC) từ năm 2016 với mục tiêu hợp tác thúc đẩy tài chính toàn diện ở các nước thành viên và trong khu vực. Hiện nay, hơn 60 quốc gia trên thế giới đã xây dựng và triển khai thực hiện các Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.
Còn tại Việt Nam, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một dấu mốc quan trọng đối với hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam, đồng thời có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra yêu cầu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai Chiến lược của ngành Ngân hàng. Theo Chiến lược, “mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ”.
Kiên định mục tiêu đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn
Ngay từ khi mới bắt đầu thành lập (26/3/1988) đến nay, Agribank là Ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam trên mọi phương diện. Dư nợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm 70% dư nợ nền kinh tế của Agribank, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam (tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng khoảng 25% dư nợ tín dụng nền kinh tế).
Kiên định đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn và nông dân và chủ lực đầu tư nguồn vốn trên lĩnh vực này, Agribank luôn khẳng định được vai trò chủ lực của Tổ chức tín dụng trong việc hỗ trợ mọi người dân và doanh nghiệp, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, người dân khu vực nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng một cách thuận tiện và phù hợp.
Là NHTM do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, Agribank luôn khẳng định vị trí dẫn đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, khi là “cầu nối” đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cả nước, để họ có cơ hội được tiếp cận và hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi chính thức của Nhà nước.
"Cầu nối" Agribank góp phần hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia |
Được biết, trong hệ thống tổ chức tín dụng, Agribank vượt lên dẫn đầu về cho vay hộ sản xuất và cá nhân với tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này đạt trung bình 12-13%/năm. Đồng thời, tăng dần tỷ trọng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục đích hỗ trợ các loại hình kinh tế này phát huy vai trò chính trong việc tạo ra lượng hàng hóa lớn để phục vụ xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân
Một điểm nhấn quan trọng về vai trò “cầu nối” của Agribank đối với tài chính toàn diện là hàng triệu người dân trên cả nước được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Chính phủ từ việc Agribank triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững. góp phần đưa Việt Nam hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả.
Trong thành tựu của 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020), nguồn vốn cho vay của Agribank với vai trò là nguồn lực quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên khắp địa bàn cả nước, đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững tại Việt Nam, đã góp phần khẳng định vị thế “đầu tàu” của Agribank trong việc đưa phong trào xây dựng nông thôn mới về đích sớm hơn so với thời gian mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra và kế hoạch Quốc hội giao.
Tạo được bước chuyển và phát triển rõ nét cho diện mạo nông thôn Việt Nam khi đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân ở nhiều vùng quê được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, từ mức 12,8 triệu đồng năm 2010 lên mức 43 triệu đồng/người năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm) và đến nay chỉ còn 4,2%... (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Agribank xây dựng thành công các mô hình Nông thôn mới kiểu mẫu gắn với các tiêu chuẩn quản trị sản xuất nông nghiệp tiên tiến, gắn liền với đô thị văn minh |
Cùng với thực hiện cho vay theo chủ trương của Chính phủ, để tạo thuận lợi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và sử dụng dịch vụ ngân hàng, Agribank còn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Đồng thời, xây dựng và ban hành nhiều gói tín dụng ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng chính sách với lãi suất cho vay ngắn hạn thấp hơn trần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong hoạt động tín dụng, nhất là khách hàng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (dịch bệnh Covid-19, lũ lụt khu vực miền Trung và Tây Nguyên, hạn mặn đồng bằng sông Cửu Long, dịch tả lợn châu Phi,..).
Song song với đó là đơn giản hóa thủ tục cho vay, cải tiến mô hình, phương thức cho vay, kết hợp với chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội, đến 31/12/2020, Agribank đã triển khai trên 69.000 tổ vay vốn với gần 1,4 triệu thành viên. Triển khai an toàn 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với gần 14.500 phiên giao dịch, phục vụ hơn 1,2 triệu khách hàng tại địa bàn 400 xã trên toàn quốc; triển khai Đề án Thẻ “Tam nông” tại 104/108 chi nhánh tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn với 212.262 thẻ phát hành và lắp đặt mới trên 1.732 điểm POS, hạn mức thấu chi đã cấp là hơn 1.600 tỷ đồng, dư nợ thấu chi tài khoản đăng ký phát hành thẻ đạt gần 500 tỉ đồng.
Dịch vụ thẻ thấu chi, Pos của Agribank đặt tại cửa hàng mang lại thuận lợi cho khách hàng và chủ cơ sở dịch vụ |
Chương trình tín dụng tiêu dùng sau gần 2 năm triển khai, doanh số cho vay đã vượt xa quy mô ban đầu, đạt gần 22.000 tỷ đồng với 230.000 hộ gia đình, cá nhân được bổ sung vốn phục vụ nhu cầu hợp pháp và cấp thiết,… tạo điều kiện thuận lợi để người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng, hạn chế nạn tín dụng đen và đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Tiếp tục nỗ lực thực hiện việc phổ cập, giáo dục kiến thức tài chính cộng đồng
Truyền thông giáo dục tài chính đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia thông qua việc cung cấp cho người dân, doanh nghiệp các thông tin, kiến thức cần thiết về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Nhờ đó mà nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng sẽ thay đổi, từ đó sẽ tác động đến hành vi và cách ứng xử của họ. Người dân sẽ tin tưởng vào các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tự tin tiếp cận và hạn chế việc tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phi chính thức (chẳng hạn như tín dụng đen).
Hơn nữa, mỗi cá nhân cũng sẽ biết quản lý ngân sách tốt hơn, gia tăng nguồn lực tiết kiệm trong dân và thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư cho xã hội. Ngoài ra, truyền thông giáo dục tài chính còn góp phần tạo tính kỷ luật cho thị trường, khuyến khích các định chế tài chính cạnh tranh lành mạnh, minh bạch trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng và hạn chế các kênh tín dụng phi chính thức.
Agribank tích cực, chủ động tham gia các chương trình truyền hình về tài chính - ngân hàng; cùng ngành ngân hàng tăng cường thực hiện phổ cập, giáo dục kiến thức tài chính cộng đồng |
Hiện thực hóa chiến lược bằng những hành động cụ thể, trong thời gian qua, Agribank đã cùng Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc phổ cập, giáo dục kiến thức tài chính cộng đồng, nhất là đối tượng học sinh phổ thông thông qua việc tham gia các chương trình truyền hình thực tế, gameshow truyền hình về tài chính – ngân hàng dành cho công chúng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện. Qua đây tích cực góp phần đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính cộng đồng, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người sử dụng dịch vụ tài chính, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với mọi người dân.
Gần đây nhất, theo Báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2020, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam cải thiện và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, thể hiện Việt Nam nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng, trong đó có Agribank đã và đang đi đúng hướng trong phát triển tài chính toàn diện.
Trên thực tế, với sự nỗ lực hiện đại hóa hệ thống thanh toán nông thôn, Agribank đang thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt của khách hàng và góp phần quan trọng vào tiến trình hiện thực hóa chiến lược tài chính quốc gia. Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Agribank năm 2021: ”Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của Agribank đã được chú trọng, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn trong hoạt động thanh toán, nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán theo chủ trương của Chính phủ tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.”
Đây là cơ sở vững chắc để Agribank quyết tâm cùng Chính phủ, các ngành, các cấp, người dân và doanh nghiệp hiện thực hóa, triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn, nhất là khi Việt Nam vẫn còn tỷ lệ lớn người dân vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng, chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính.