Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và các nhà địa chất qua các thế hệ đã ôn lại những kỷ niệm đẹp, vui, buồn trong quãng đời làm địa chất, những thành tựu to lớn của Ngành, đặc biệt trong 20 năm qua, đồng thời chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của Nghề địa chất, khoáng sản.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Nguyên cho biết: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam vừa hoàn thiện nhiệm vụ lập hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) trình Bộ TN&MT, sau đó Bộ trình Quốc hội thông qua. Song song với nhiệm vụ lập hồ sơ đề án Luật Khoáng sản (sửa đổi), Tổng cục cũng đã triển khai việc lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ theo quy định của Luật Quy hoạch.
Hai nhiệm vụ lập hồ sơ đề án Luật Khoáng sản (sửa đổi) và lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được hoàn thành sẽ là cơ sở pháp lý chắc chắn để giúp ngành Địa chất và Khoáng sản phát triển bền vững đúng với phạm vi và tầm vóc của ngành, khơi dậy giá trị tài nguyên không chỉ khoáng sản mà toàn bộ giá trị tài nguyên địa chất đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đất nước, đồng thời giúp cho việc quản lý tài nguyên địa chất đa dạng, đầy đủ hơn...
Bên cạnh công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, các công tác về quản lý khoáng sản, thanh, kiểm tra cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, công tác quản lý khoáng sản, kinh tế địa chất - khoáng sản từ việc cấp phép thăm dò, khai thác đến công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều tiến bộ và đổi mới đã khuyến khích, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế có công nghệ khai thác hiện đại bảo đảm bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh quốc phòng, sử dụng hiệu quả hợp lý tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, hài hòa lợi ích của người dân nơi có mỏ, dần loại bỏ cơ chế xin – cho.
Kết quả về thu hồi chi phí điều tra, thăm dò khoáng sản mà Nhà nước đầu tư, tiền cấp quyền khai thác trong những năm qua các Trung ương và địa phương. Nhà nước thu vào ngân sách khoảng 30.000 tỷ đồng (trung bình 4.300 - 4.500 tỷ đồng/năm), thu tiền hoàn trả điều tra thăm dò nộp ngân sách Nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng. Theo Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Nguyên, ngày 22/9/2022, Chính phủ đã ký Nghị định số 68/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT, trong đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thành Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam. Trước yêu cầu của thực tiễn, trong thời gian tới, ngành Địa chất Việt Nam cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, lĩnh vực có liên quan xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trình Quốc hội xem xét ban hành trong năm 2024; tiếp tục xây dựng, đổi mới ngành Địa chất có năng lực chuyên môn và công nghệ hiện đại, nhằm điều tra, đánh giá, thăm dò các loại tài nguyên trong lòng đất, lòng biển đạt hiệu quả, chất lượng cao; từng bước điều tra, đánh giá khoáng sản ẩn sâu trong lòng đất đến lớn hơn 500m; đánh giá tài nguyên khoáng sản biển; tăng cường hiệu quả thi công các đề án mỏ tại thực địa và văn phòng.
Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao cần được đẩy mạnh bằng hình thức đào tạo và đào tạo lại, hợp tác đào tạo với nước ngoài trên cơ sở đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật hiện có; xây dựng chính sách hợp lý nhằm thu hút lực lượng lao động trẻ, bồi dưỡng tạo một đội ngũ cán bộ kế cận có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành; đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương, đa phương nhằm tranh thủ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, áp dụng sáng tạo vào lĩnh vực điều tra, đánh giá, thăm dò và chế biến khoáng sản cũng như công tác quản lý hoạt động khoáng sản.
Tại buổi gặp mặt, TS. Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng, công tác tư vấn phản biện là hoạt động quan trọng của Tổng hội. Tổng hội đã tích cực tham gia các hoạt động tư vấn phản biện trong nhiều lĩnh vực: địa chất, khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, đào tạo và chính sách quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản.
Thời gian qua, Tổng hội đã tham gia phản biện một số nhiệm vụ liên quan đến công tác địa chất như Dự án điều tra địa chất than đồng bằng sông Hồng, thăm dò urani Quảng Nam, điều tra quặng bauxit, sắt laterit Tây Nguyên đến các nhiệm vụ tầm chiến lược như xây dựng Chiến lược khoáng sản và tới đây là dự án sửa đổi Luật Khoáng sản năm 2010.
Hiện, nhiều chuyên gia của Tổng hội được Hội đồng thẩm định cấp quốc gia mời là tư vấn phản biện chính cho 2 dự án quan trọng là: Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ TN&MT chủ trì xây dựng; dự án Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại, nhóm khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 do Bộ Công thương, Bộ xây dựng chủ trì thành lập.