Kinh tế

6 chính sách lớn để xây dựng dự thảo Luật Điện lực

Phương Hà 16/03/2024 - 20:32

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa qua đã chủ trì cuộc họp với Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó, Bộ trưởng đề nghị thành viên Ban soạn thảo góp ý vào dự thảo Luật đảm bảo đáp ứng 6 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật.

Hoàn thiện pháp lý, thể chế hoá đường lối của Đảng về năng lượng

Theo báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực, sau gần 20 năm thực hiện, Luật Điện lực (được sửa đổi, bổ sung năm 2012, năm 2018 và năm 2022) đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo lập khung khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và thị trường điện lực, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động điện lực và sử dụng điện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan; tạo cơ sở pháp luật để giám sát thực thi, bảo đảm các đơn vị hoạt động điện lực minh bạch, tuân thủ đúng pháp luật.

z5252921615160-dafae4ef362def48f358d2124d0d587620240315213333.jpg
Các thành viên Ban soạn thảo tham dự cuộc họp.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nền kinh tế - xã hội và nhân dân, yêu cầu mới của thực tiễn quản lý và để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Điện lực hiện hành.

Mục tiêu hoàn thiện Luật Điện lực nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện. Tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nền kinh tế - xã hội và nhân dân; bảo đảm và nâng cao chất lượng điện năng, chất lượng cung cấp dịch vụ điện; khuyến khích sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển năng lượng bền vững; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia.

Đảm bảo sự phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc quy định cụ thể và chi tiết thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc quy định và hướng dẫn thực hiện các Điều, khoản trong Luật, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực, phù hợp với đặc điểm của Luật Điện lực là ngành Luật chuyên ngành, mang tính kỹ thuật cao, cần sửa đổi, bổ sung thường xuyên để phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ.

Bảo đảm phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị điện lực, không phân biệt đối xử trong hoạt động điện lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động điện lực; đảm bảo kết hợp hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và Nhà nước.

z5252921609975-31b1d0a60d71f1e15eda66e6e65cb51620240315213330.jpg
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực phát biểu tại cuộc họp.

Báo cáo với Ban soạn thảo, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập xây dựng Dự án Luật Điện lực sửa đổi cho biết: Trước đó, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các thành viên Tổ biên tập bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên Tổ biên tập, đại diện một số cơ quan đảng, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, các chuyên gia, các nhà khoa học và các đơn vị thuộc Bộ. Các thành viên Tổ biên tập đã thống nhất chia thành viên Tổ biên tập thành 3 nhóm. Nhóm 1: Điều tiết điện lực và tiết kiệm điện do Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Tổ trưởng Tổ biên tập là nhóm trưởng; Nhóm 2: Quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực và năng lượng tái tạo do Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo - Tổ phó Tổ biên tập là nhóm trưởng; Nhóm 3: An toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện do Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Tổ phó Tổ biên tập là nhóm trưởng) để tập trung công tác soạn thảo, chỉnh lý Dự án luật trong quá trình tham mưu, giúp việc cho Ban soạn thảo…

Bám sát 6 chính sách lớn, phấn đấu hoàn thành dự thảo trong tháng 7/2024

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị thành viên Ban soạn thảo góp ý vào dự thảo Luật, đảm bảo đáp ứng 6 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi).

Chính sách 1: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước

Chính sách 2: Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới

Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực

Chính sách 4: Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường

Chính sách 5: Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện

Chính sách 6: An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Trên cơ sở 6 chính sách chính nêu trên, theo quan điểm kế thừa những nội dung còn phù hợp của Luật Điện lực, sửa đổi, bổ sung các nội dung không còn phù hợp, tại Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bộ Công Thương đã đề xuất Đề cương chi tiết luật bao gồm: 9 chương và 82 điều đã được Chính phủ thông qua và đang trình Quốc hội.

z5252920596187-16f84b551119a835298763e89e22415e20240315214155-1-.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, theo mục tiêu của Quy hoạch điện VIII, ngành năng lượng Việt Nam cần nỗ lực cao nhất mới đạt được các mục tiêu đề ra.

Trong thời gian tới, cần giảm tối đa nhiệt điện than, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn điện mới thân thiện với môi trường (khí, amoniac xanh, hydrogen) và khi điều kiện kinh tế cho phép có thể phát triển điện hạt nhân.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng ban hành Luật Điện lực lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Dự án Luật phải kế thừa, phát huy được thành tựu đã đạt được; hiện thực hoá các quan điểm chỉ đạo Đảng tại Nghị quyết 55, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Phù hợp với các cam kết quốc tế; Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới, sạch; Phát triển lưu trữ điện và lưới điện thông minh…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Tổ biên tập tiếp nhận, tổng hợp ý kiến thành viên Ban soạn thảo và giao Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phối hợp với các đơn vị, các chuyên gia thực hiện tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Ban soạn thảo để hoàn thiện Dự thảo 1. Đồng thời, xây dựng Dự thảo Tờ trình trên cơ sở nội dung Dự thảo 1 đã được hoàn thiện.

Sau khi hoàn thiện Dự thảo 1 theo ý kiến của thành viên Ban soạn thảo, giao đầu mối Tổ biên tập gửi lại Ban soạn thảo Dự thảo 1, Dự thảo Tờ trình và Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Ban soạn thảo là trong tuần từ 25/3/2024 - 29/3/2024.

Về vấn đề thông qua dự thảo lần 1 để tiến hành đăng tải Dự thảo luật, do thời hạn soạn thảo gấp, để đáp ứng tiến độ, Ban soạn thảo đã thống nhất đề xuất được sử dụng Dự thảo 1 đã hoàn thiện để đăng web và gửi lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức (Dự thảo 2) để kịp thời hạn Chính phủ giao.

Theo đó, Bộ Công Thương thực hiện thủ tục đăng website trong tuần từ 20/3 - 29/3/2024 đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Sau khi đăng website, Ban soạn thảo tiếp tục thảo luận để hoàn thiện Dự thảo 2 trong quá trình đăng website và gửi lấy ý kiến.

Trong thời gian này, Ban soạn thảo sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
6 chính sách lớn để xây dựng dự thảo Luật Điện lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO