Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Phú Quốc là huyện đảo có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Đây là vùng đất trù phú với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) mà không phải địa phương nào cũng có.
Với những yếu tố đặc biệt này, ngay từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 cùng các quy hoạch và cơ chế, chính sách ưu đãi, từ đó mở ra giai đoạn phát triển mới cho Phú Quốc.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết rất vui mừng được tham dự sự kiện Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, bởi lần đầu tiên một huyện đảo đã phát triển trở thành một thành phố và cũng là bước ngoặt để Phú Quốc trở thành viên ngọc quý và thịnh vượng, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng quốc tế độc đáo, chất lượng và là thành phố kiểu mẫu về phát triển kinh tế, thân thiện với môi trường, trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam và của cả nước.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, thời gian qua Phú Quốc đã có bước phát triển vượt bậc, từ một huyện đảo với điều kiện khó khăn, cách biệt với đất liền, đến nay, Phú Quốc đã có Sân bay Quốc tế, Cảng biển Quốc tế, đường điện cáp ngầm 110 kVA và cáp nổi 220 kVA cấp điện từ đất liền... giúp kết nối với mọi miền trên cả nước, quốc tế và mang nguồn năng lượng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH của Phú Quốc.
Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã có mặt tại Phú Quốc, đầu tư xây dựng nhiều công trình với quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn, tầm cỡ khu vực và quốc tế. Phú Quốc đã thật sự phát triển với dáng dấp, hình hài của một đô thị hiện đại, thông minh, năng động, được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh đã đặt ra những yêu cầu mới, cần thiết phải có một bộ máy chính quyền đô thị có đủ năng lực thực thi có hiệu quả công tác quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn. Vì vậy, việc Phú Quốc trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Kiên Giang có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ là xu thế tất yếu mà còn góp phần rất lớn vào việc ổn định, phát triển KTXH và đảm bảo an ninh quốc phòng ở các khu vực trọng điểm phía Nam.
Cho rằng điều kiện, tiềm năng và cơ hội phát triển của Phú Quốc là vô cùng lớn, song cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, do vậy, thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố Phú Quốc tiếp tục nắm bắt cơ hội, khai thác tối đa lợi thế sẵn có, xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố phát triển nhanh và bền vững, cùng với thành phố Rạch Giá và Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm của vùng và cả nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Nghị quyết của Ban Thường vụ Quốc hội cho lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và Thành phố Phú Quốc. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Để làm được điều đó, Phú Quốc cần tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống quê hương, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bên cạnh đó, chú trọng công tác quy hoạch, cần tầm nhìn quy hoạch từ 50 năm trở lên, đáp ứng nhu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài; đồng thời tính toán kỹ lưỡng trong sử dụng đất đai, đảm bảo hiệu quả; phát triển cơ sở hạ tầng, giữ gìn được vẻ đẹp tự nhiên, bảo vệ cảnh quan môi trường, nhất là bảo vệ hệ sinh thái biển.
Cùng với đó, làm tốt việc chăm lo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, người có công với cách mạng, chăm lo phát triển giáo dục đào tạo, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ để thành phố Phú Quốc có thể phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế. Trước mắt, cần sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá cho Thành phố Phú Quốc như mô hình chính quyền đô thị đặc thù biển đảo và cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực thực sự, tạo điều kiện cho Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, thương mại-dịch vụ lớn của cả nước, khu vực và quốc tế với 4 trụ cột chính: Công nghiệp giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển.
Với nhiều điều kiện thuận lợi, Phó Thủ tướng Thường trực tin tưởng Thành phố Phú Quốc sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển nhanh hơn nữa, từng bước trở thành trung tâm thương mại và dịch vụ cao cấp; trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, đủ sức cạnh tranh với các địa điểm du lịch lớn và nổi tiếng của các nước trong khu vực và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và là một trong những động lực thúc đẩy phát triển KTXH chung của cả nước và vùng Đồng bằng Sông Cửu long.
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Thành phố Phú Quốc và các phường thuộc Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Thành phố Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Thành phố Phú Quốc giáp thành phố Hà Tiên, huyện Kiên Lương; vịnh Thái Lan và Campuchia.
Hai phường thuộc thành phố Phú Quốc được thành lập là Dương Đông và An Thới.
Như vậy, Thành phố Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2 phường An Thới, Dương Đông và 7 xã: Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu.
Nghị quyết cũng quyết định thành lập TAND, VKSND TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
|