13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010 tại Quảng Nam:Kỳ 3: Hiến kế khai thác hợp lý, bền vững và hiệu quả
Quá trình tìm hiểu về công tác triển khai thi hành Luật Khoáng sản 2010 tại Quảng Nam, phóng viên đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, thực tế từ các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Đa số các ý kiến cho rằng, Luật đã có những đóng góp quan trọng, giúp phát huy tiềm năng tài nguyên khoáng sản trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời kiến nghị cần bổ sung, sửa đổi những bất cập, hạn chế của Luật.
Ông Trần Thanh Hà, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam: Sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế hơn
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý khoảng sản địa phương kiến nghị Bộ TN&MT sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với tình hình thực tế hơn. Cụ thể, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho phù hợp với Luật Đấu giá tài sản và điều kiện thực tế.
Luật cũng cần có quy định thế nào là chế biến sâu; quy định cụ thể hơn trách nhiệm, mức hỗ trợ, đóng góp xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản của doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản.
Cho phép UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản (không phải là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) trong các khu vực đầu tư xây dựng công trình vì hiện nay, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình rất nhanh chóng và một số nhà máy đã đầu tư nhưng thiếu nguyên liệu. Đồng thời, cho phép phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện được tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh nhằm đẩy nhanh việc thực hiện công tác đấu giá, tạo sự chủ động nguồn vật liệu tại các địa phương.
Mặt khác, cần bỏ quy định phải có Giám đốc điều hành mỏ, thủ tục đấu giá và thủ tục thăm dò đối với trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quy mô nhỏ, nhất là khai thác cát ở miền núi; bỏ thủ tục thăm dò đối với trường hợp khai thác khoáng sản phục vụ các công trình cấp bách, phòng chống, khắc phục thiên tai cũng như các quy định hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản đối với các dự án khai thác khoáng sản quy mô phân tán, nhỏ lẻ.
Địa phương cũng kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng các dự án khai thác khoáng sản đều thuộc trường hợp thu hồi đất; đất thu hồi sau khi đóng cửa mỏ khoáng sản thì giao cho UBND cấp xã quản lý.
Ông Võ Văn Hiếu, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Phước Sơn: Luật Khoáng sản 2010 đưa hoạt động khai thác tài nguyên đi vào nề nếp.
Luật Khoáng sản năm 2010 đã thể hiện rõ những quan điểm mới mang tính “đột phá” làm thay đổi căn bản công tác bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia; giải quyết được các vấn đề gây nhiều bức xúc và tranh luận trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản từ trước đến nay; đồng thời bãi bỏ các quy định bất cập, bổ sung các quy định mới phù hợp hơn với thực tiễn. Việc chi tiết hóa các vấn đề có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn ngay trong các điều khoản của Luật, giúp giảm số lượng các văn bản hướng dẫn dưới luật.
Những năm qua, nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện đã được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư khai thác phục vụ cho nhu cầu của xã hội. Hiện nay trên địa bàn huyện có một số doanh nghiệp đã và đang đầu tư nhà máy chế biến sâu các loại khoáng sản với quy mô lớn, công nghệ, thiết bị tiên tiến như: Công ty TNHH vàng Phước Sơn. Nhìn chung, hoạt động khoáng sản được cấp phép trên địa bàn huyện đã đáp ứng một phần nhu cầu nguyên vật liệu cho việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm, góp phần quản lý được địa bàn.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, Luật Khoáng sản 2010 có môt số bất cập như về tính thuế hiện hành đối với khai thác khoáng sản, ngoài phải nộp thuế tài nguyên thì Luật Khoáng sản quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trùng lặp với thuế tài nguyên đối với khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Thuế tài nguyên. Như vậy, trên thực tế đã tăng thuế tài nguyên đối với khai thác khoáng sản, làm cho thuế tài nguyên đã cao lại càng cao thêm. Ngoài ra, điều kiện để được cấp phép KTKS làm vật liệu xây dựng có công suất khai thác nhỏ, thời gian khai thác ngắn, phục vụ cho nhu cầu tại chỗ là quá chặt chẽ.
Ông Nguyễn Công Bình, Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Giang: Xem xét cho địa phương được cấp phép mỏ ở khu vực nhỏ lẻ
Trước đây trên địa bàn huyện thường hay xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nhưng từ năm 2016 đến nay phòng TN&MT cùng các ngành địa phương đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, không để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra trên địa bàn huyện.
Để tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện, đơn vị kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục quan tâm hỗ trợ huyện thực hiện việc điều tra, đánh giá toàn bộ tiềm năng các loại khoáng sản trên địa bàn huyện để đưa vào quy hoạch, quản lý khai thác có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho huyện để thực hiện công tác đo đạc lập bản đồ địa chính xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ cho công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý bảo môi trường. Xem xét có cơ chế ủy quyền cho UBND cấp huyện cấp phép khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các khu vực nhỏ lẻ với trữ lượng khoảng 1.000m3 - 2.000m3 để giải quyết nhu cầu xây dựng trên địa bàn huyện.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH vàng Phước Sơn (Quảng Nam): Rút ngắn và tinh gọn thủ tục cấp phép tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Trong quá trình khai thác tại địa phương, doanh nghiệp luôn chấp hành các quy định của pháp luật, đóng góp vào ngân sách của tỉnh Quảng Nam, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động. Tuy nhiên, công ty cũng kiến nghị một số khó khăn như thời gian xử lý các hồ sơ xin cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, thuê đất kéo dài, thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn, bất cập khiến doanh nghiệp tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí, chậm tiến độ đầu tư, ảnh hưởng đến sản xuất. Bên canh đó, qua quá trình hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp có sự chồng lấn về diện tích đã được thăm dò, phê duyệt và cấp phép khai thác với các loại quy hoạch khác như Lâm nghiệp, khu công nghiệp, dự án năng lượng, cảng...làm gia tăng thời gian và chi phí đầu tư của dự án, giảm tính cạnh tranh đầu tư.
Do vậy, chúng tôi kiến nghị đến cơ quan chức năng cần có các giải pháp rút ngắn thời gian và tinh gọn thủ tục hành chính trong quá trình xử lý các hồ sơ cấp phép, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn. Hiện nay, Luật BVMT mới có hiệu lực từ 1/1/2022 và có Nghị định 8/2022, Thông tư 2/2022 của Bộ TNMT có nhiều thông tin mới nhưng việc áp dụng và hiểu rõ chúng là điều khó khăn. Vì vậy, đề nghị có hướng dẫn thêm cho các doanh nghiệp rõ và áp dụng.