1.230 câu chuyện về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam

Khương Trung | 24/08/2022 17:36

(TN&MT)- Giữa vùng biển mênh mông xanh ngắt, rác thải ngập tràn vây quanh người ngư dân bé nhỏ đang thả lưới mưu sinh… đó những điều độc giả trông thấy khi chiêm ngưỡng tác phẩm “Rác thải – mối nguy hại với môi trường biển” của tác giả Nguyễn Tiến Trình.

Bức ảnh cho thấy, rác thải trên biển không chỉ làm xấu cảnh quan, ô nhiễm môi trường mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh vật biển, phá hủy đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến sức khỏe con người do ăn phải sinh vật, hải sản bị nhiễm độc.

Các vùng đất ngập nước là nguồn đề tài vô tận nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước. Mỗi bức hình ghi lại là một góc nhìn riêng về vẻ đẹp con người, tự nhiên, nét đẹp văn hóa, khung cảnh đặc trưng của các vùng đất nơi đây. Đồng thời là nơi để các tác giả gửi gắm niềm đam mê về nhiếp ảnh và cảm xúc rất riêng về vùng đất đó.

mua-thay-la.vu-bao-ngoc.jpeg
Mỗi bức hình ghi lại là một góc nhìn riêng về vẻ đẹp con người, tự nhiên, nét đẹp văn hóa, khung cảnh đặc trưng của các vùng đất ngập nước. Tác phẩm: "Mùa thay lá" - Tác giả Vũ Bảo Ngọc, Khu tập thể số 11 Vọng Đức, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội

Ông Vũ Quốc Khánh, thành viên Ban Giám khảo, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: Mọi người đều hiểu rằng nhiếp ảnh là sản phẩm của thị giác, mỗi bức ảnh bằng hàng ngàn con chữ, bằng nhiều câu chuyện kể. Cho nên, mỗi tác phẩm nhiếp ảnh nếu chụp tốt, phản ánh trung thực về một sự việc, một hoạt động thì nó sẽ tác động rất mạnh tới người xem và có thể tuyên truyền và thuyết phục mạnh mẽ tới độc giả.

Cuộc thi Ảnh về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức đã thu hút được nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh cả chuyên nghiệp lẫn bán chuyên tham gia. Cuộc thi Ảnh đã kết thúc nhưng dư âm từ cuộc thi với 1.230 câu chuyện về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam vẫn còn đọng lại.

o-rung-tren-pha-tam-giang.le-van-minh.jpeg
Tác phẩm "Ô rừng trên Phá Tam Giang" - Tác giả Lê Văn Minh 54 Nguyễn Công Trứ, tỉnh Thừa Thiên - Huế

24 tác phẩm đã được Ban tổ chức lựa chọn đạt giải trong tổng số 1230 tác phẩm dự thi. Mỗi một tác phẩm dự là một câu chuyện về bảo vệ đất ngập nước. Ở đó, có câu chuyện ghi lại giữa vùng biển mênh mông xanh ngắt, rác thải ngập tràn vây quanh người ngư dân bé nhỏ đang thả lưới mưu sinh… đó là những điều độc giả nhìn trông thấy khi chiêm ngưỡng tác phẩm “rác thải – mối nguy hại với môi trường biển” của tác giả Nguyễn Tiến Trình. Bức ảnh cho thấy, rác thải trên biển không chỉ làm xấu cảnh quan, ô nhiễm môi trường mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh vật biển, phá hủy đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến sức khỏe con người do ăn phải sinh vật, hải sản bị nhiễm độc.

rac-thai-moi-nguy-hai-doi-voi-moi-truong-bien.nguyen-tien-trinh.jpeg
Tác phẩm “Rác thải – mối nguy hại với môi trường biển” của tác giả Nguyễn Tiến Trình

Có câu chuyện ghi lại từ vùng đất nguyên là cánh rừng nguyên sinh, do ảnh hưởng của việc đắp đập dẫn đến cánh rừng bị ngập nước gây ra hiện tượng cây chết dần đến mùa khô hạn những gốc cây lộ diện. Có câu chuyện bằng hình ảnh hàng năm người dân trong khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thuỵ trồng mới hàng trăm Ha rừng nhằm lấn biển, chắn sóng chắn gió và tạo môi trường sinh thái; có hình ảnh nước sông Đà về hồ Hòa Bình xuống thấp trong mùa khô và mùa mưa năm 2021. Trên nhánh sông Đà chảy về các xã Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong... huyện Đà Bắc đã bị cạn trơ đáy, một con suối nhỏ len lỏi chảy qua lòng sông khô cạn nứt nẻ… hay cảnh lùa Vịt về đẹp như một bức tranh của vùng đất ngập nước Châu Phú, An Giang...

rung-chet.ton-that-tuan-ninh.jpeg
Tác phẩm Rừng chết - Tác giả Tôn Thất Tuấn Ninh, 13 Ngô Quyền, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk

“Buổi sáng của đàn cò” ghi lại hình ảnh tuyệt đẹp và bình yên của đàn cò đang bay kiếm ăn trong rừng ngập mặn phan thiết của tác giả Nguyễn Quốc Huy. Để có được hình ảnh này, bên cạnh vấn đề chuyên môn, khoảnh khắc của tác giả còn phải nhắc đến sự nỗ lực của chính quyền tỉnh Bình Thuận trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển khu rừng ngập mặn quý hiếm duy nhất ở thành phố biển Phan Thiết, Bình Thuận này.

“Tôi rất vui mừng vì được trao giải Nhất của cuộc thi. Thông qua cuộc thi này, tôi muốn gửi tới thông điệp rằng chúng ta luôn luôn phải bảo vệ môi trường, hệ sinh thái bền vững hơn, để gìn giữ những giá trị sinh thái tự nhiên cho thế hệ sau” – tác giả Nguyễn Quốc Huy “111 Lê Lợi, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận” cho biết.

buoi-sang-cua-dan-co.-nguyen-quoc-huy.jpeg
Tác phẩm "Buổi sáng của đàn cò" - Tác giả Nguyễn Quốc Huy, 111 Lê Lợi, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

Cuộc thi Ảnh về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam đã tạo ra một sân chơi, cơ hội thể hiện tài năng, sự sáng tạo của mọi người dân Việt Nam với mọi lứa tuổi, đặc biệt là các bạn trẻ, qua đó, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng, góp phần vào những nỗ lực chung vì môi trường toàn cầu.

“Để thực hiện việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực của cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tăng cường các chương trình, hoạt động về truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước tại các vùng sinh thái của Việt Nam. Cuộc thi “Ảnh tuyên truyền về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam” là một trong những hoạt động truyền thông hữu ích, có tính lan tỏa cao.” Ông Vũ Minh Lý  - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
1.230 câu chuyện về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO