Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực xưởng sản xuất đá của Công ty Phúc Hương từ những tảng đá to, đá nhỏ đổ ngổn ngang, công nhân xẻ đá không được trang bị bảo hộ lao động, nước thải chảy tràn khắp nơi, bụi bay mù mịt. Tại xưởng sản xuất không được xây dựng bể lắng chứa nước thải, mà nước thải từ hoạt động xẻ đá lẫn bột đá, phế thải xả trực tiếp ra cánh đồng. Công ty Phúc Hương chưa thực hiện triệt để các giải pháp bảo vệ môi trường, vận chuyển đá gây bụi, quan trắc, giám sát môi trường không đúng tần suất theo quy định…
Tại mỏ đá núi Hang Cá của Công ty Phúc Hương khai thác chưa đúng theo thiết kế mỏ đã được phê duyệt, nguy cơ gây mất an toàn lao động. Thay vì khai thác theo phương pháp cắt tầng, tạo vỉa, bạt ta luy, bóc lớp đất phủ và mở đường lên núi thì Công ty Phúc Hương lại khai thác từ dưới chân núi và khoan nhồi mìn vào mái sườn để lấy đá đẹp.
Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn lao động là do điều kiện địa hình mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng rất phức tạp, cheo leo, cao nguy hiểm. Việc doanh nghiệp không đầu tư xây dựng làm đường lên đỉnh khai thác theo đúng trình tự hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động trong khai thác và chế biến đá. Mà doanh nghiệp khai thác theo kiểu truyền thống để giảm bớt chi phí, lại lấy được khối đá đẹp, tăng lợi nhuận, nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn lao động là rất cao.
Một người thợ khoan đá tại núi Hang Cá tâm sự: Làm cái nghề đá này rất vất vả nên cần phải có sức khỏe, không sợ độ cao, bất chấp nguy hiểm thì mới làm được. Tôi làm nghề được hơn chục năm nay rồi, biết là nguy hiểm nhưng bỏ nghề thì không có việc gì khác để làm. Công việc chính của tôi là khoan đá, nhồi thuốc nổ vào những lỗ khoan, đặt kíp, muốn trèo lên vách đá để khoan thì phải dùng bằng dây đu mình trên vách đá dựng đứng để khoan. Ở đây hầu hết các mỏ đá đều khai thác theo kiểu truyền thống để giảm bớt chi phí, chứ mở đường lên mỏ khai thác thì an toàn hơn nhưng phải có thời gian và chi phí rất nhiều nên các chủ mỏ họ đều không làm.
Được biết, ngày 16/9/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất số 365/GP-UBND cho Công ty Phúc Hương được khai thác, chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng và tận thu đá khối sản xuất đá ốp, lát tại xã Yên Lâm, huyện Yên Định. Với diện tích mỏ là 28.600 m², trong đó khu vực khai thác là 17.769 m², diện tích khai trường là 10.831 m²,. Trữ lượng được khai thác 531.000 m³, công suất khai thác 18.000 m³/năm. Thời hạn khai thác là 30 năm.
Như vậy, Công ty Phúc Hương đã không thực hiện theo đúng quy trình khai thác mỏ, khai thác sai thiết kế. Sản xuất đá chưa đảm bảo vệ sinh môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi có mặt tại điểm mỏ thì máy xúc, công nhân không được trang bị bảo hộ lao động vẫn đang miệt mài khoan đá ngay dưới vách đá dựng đứng, phía trên là nhưng mỏm đá treo, có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Xuân Thái - Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho biết: "Mỏ đá của Công ty Phúc Hương chưa làm đường lên đỉnh và khai thác vách đứng là đúng. Khu vực sản xuất chế biến đá xả thải ra môi trường mà không qua bể lắng là sai quy định, tôi sẽ cho kiểm tra xử lý".