Yên Bái và Thái Bình có 2 ca nhập cảnh mắc COVID-19

Khánh Linh| 24/04/2021 07:22

(TN&MT) - Theo bản tin sáng 24/4 của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Ảnh minh họa

Số ca mắc ở Việt Nam

Tính đến 6h ngày 24/4: Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca.

Tính từ 18h ngày 23/4 đến 6h ngày 24/4: 2 ca mắc mới, đều được cách ly ngay sau nhập cảnh.

Thông tin ca mắc mới

CA BỆNH 2831 (BN2831) ghi nhận tại tỉnh Yên Bái: Bệnh nhân nam, 49 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, là chuyên gia. Bệnh nhân trên từ Ấn Độ quá cảnh Dubai, sau đó nhập cảnh Sân bay Nội Bài ngày 18/4 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Yên Bái. Kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 23/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

CA BỆNH 2832 (BN2832) ghi nhận tại tỉnh Thái Bình: Bệnh nhân nam, 27 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Vân Đồn ngày 20/4 trên chuyến bay VJ7837 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Thái Bình. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 23/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Số người cách ly

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 39.191, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 518 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 23.688 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 14.985 người.

Tình hình điều trị

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 12 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 11 ca và số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2 là 17 ca.

Gần 47.000 người Việt được tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong ngày 23/4

Tính đến 16 giờ ngày 23/4, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/Thành phố cho 176.037 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an và quân đội.

Riêng trong ngày 23/4, có thêm 46.937 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại 26 tỉnh/TP và các cơ sở y tế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng 

Liên quan đến công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 1966/QĐ-BYT hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin COVID-19. Bộ Y tế khẳng định, giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch sau tiêm vắc xin là biến cố nặng hiếm xảy ra, gặp nhiều hơn ở phụ nữ dưới 60 tuổi.

Theo Bộ Y tế, triệu chứng lâm sàng của hiện tượng đông máu sau tiêm vắc xin thường xuất hiện từ 4 – 28 ngày sau tiêm với các biểu hiện như: Đau đầu dai dẳng, dữ dội, các triệu chứng thần kinh khư trú; co giật (gợi ý đột quỵ); khó thở hoặc đau ngực (gợi ý thuyên tắc phổi hoặc hội chứng vành cấp); đau bụng (gợi ý huyết khối tĩnh mạch cửa); đau, phù chi dưới (gợi ý huyết khối tĩnh mạch sâu). Đặc biệt, bệnh nhân ít khi biểu hiện chảy máu, xuất huyết da hoặc xuất huyết nội tạng.

Chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, doppler mạch, vị trí có biểu hiện lâm sàng như bụng, chi... có thể phát hiện xuất huyết khối. Chụp X-quang, cắt lớp vi tính/cộng hưởng từ tại vị trí nghi ngờ hoặc có biểu hiện lâm sàng như não, phổi, vị trí đau, phù... phát hiện các vị trí huyết khối hoặc chảy máu.

Tại quyết định, Bộ Y tế nêu rõ, tại cơ sở y tế xã/phường, trung tâm y tế quận/huyện, cần theo dõi người tiêm vắc xin COVID-19. Nếu xuất hiện ít nhất 1 trong các triệu chứng lâm sàng trên cần chuyển người sau tiêm vắc xin COVID-19 lên tuyến cao hơn và xử trí cấp cứu bệnh nhân nếu có.

Tại các bệnh viện tuyến huyện/quận, người tiêm vắc xin COVID-19 nếu xuất hiện một trong các triệu chứng: đau đầu dai dẳng, đau bụng (gợi ý huyết khối tĩnh mạch cửa), đau phù chi dưới hoặc biểu hiện chảy máu, xuất huyết da thì cần thực hiện các xét nghiệm đếm số lượng tiểu cầu, các xét nghiệm đông máu cơ bản, các thăm dò khác như siêu âm, Xquang, cộng hưởng từ... để tìm nguyên nhân. Nếu có biểu hiện bất thường thì chuyển người sau tiêm vắc xin lên tuyến cao hơn hoặc tham vấn ý kiến chuyên gia.

Với người tiêm vắc xin có triệu chứng đau đầu dữ đội, các triệu chứng thần kinh khu trú, co giật, khó thở đau ngực, chảy máu xuất huyết đe dọa tính mạng cần chuyển lên tuyến cao hơn.

Tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố, cần làm các xét nghiệm theo yêu cầu, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý có thể gặp theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ  Y tế. Nếu vượt quá khả năng chẩn đoán và điều trị cần hỏi ý kiến chuyên gia hoặc chuyển tuyến theo quy định.

Các bệnh viện tuyến trung ương hoặc tương đương hạng I, hạng đặc biệt tiếp nhận những người tiêm vắc xin có biến chứng nặng, tham vấn ý kiến chuyên gia khi cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái và Thái Bình có 2 ca nhập cảnh mắc COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO