Sau 2 năm tỉnh Yên Bái thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được kết quả nhất định: Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành từ 4 - 5%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng 8,9% so với năm 2015, tăng 36% so với năm 2010. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt từ 75,3% xuống 67,3%; tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi từ 23% lên 31,5%; các ngành lâm nghiệp, thủy sản đều tăng.
Đã dần hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao như: Vùng lúa đặc sản 3.000ha, vùng ngô hàng hóa 15.000ha, vùng trồng dâu nuôi năm 450ha, vùng cây ăn quả 7.000ha, vùng chè 8.000ha, vùng quế 70.000ha, vùng măng tre bát độ trên 3.600ha, vùng sơn tra 6.000 ha, vùng gỗ nguyên liệu 180.000ha...
Đặc biệt đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ như: Quế Văn Yên, cam Văn Chấn, cam Lục Yên, Bưởi Đại Minh, chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ, gạo Mường Lò, cá hồ Thác Bà…
Tuy nhiên, nông nghiệp và nông thôn của tỉnh Yên Bái vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế bất cập trước yêu cầu của giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn hiện nay. Tiếp tục tập trung cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo ra những giá trị mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Yên Bái cả về chính trị, kinh tế, văn hóa; thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn một cách bền vững.
Tại hội thảo, Nguyên Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư – Bùi Quang Vinh cho rằng: Việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp của tỉnh Yên Bái hay các tỉnh vùng cao, miền núi nói chung chính là việc làm chuyển đổi tư duy, nhận thức và hoạt động sản xuất nông nghiệp từ lối làm ăn tự túc sang lối làm ăn theo cơ chế thị trường. Đây là việc làm vô cùng khó khăn, lâu dài nhưng nếu thực sự muốn xóa đói giảm nghèo, muốn đời sống người dân ngày càng nâng cao thì nhất thiết phải làm.
Từ đó Nguyên Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư đưa ra 4 vấn đề then chốt trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó yếu tố thị trường là vấn đề mấu chốt để thực hiện thành công cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.
Để làm được điều này cần chuyển đổi nhận thức, thói quen sản xuất tự cấp, tự túc sang tư duy sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, đây là việc làm không đơn giản và cần phải có thời gian. Việc chuyển đổi nhận thức này không chỉ cần diễn ra ở hộ nông dân, người sản xuất mà còn phải được thay đổi ở chính những cán bộ, công chức. Đặc biệt, việc sản xuất hàng hóa lại phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thị trường, đây là yếu tố quyết định sự thành bại. Người sản xuất trước khi quyết định sản xuất sản phẩm gì cũng cần phải trả lời câu hỏi: Sản xuất để làm gì? Sản xuất để bán cho ai? Để trả lời câu hỏi này không được trả lời chung chung, suy đoán cảm tính mà phải bằng quá trình khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường tiêu thụ một cách khoa học và thực tế.
Tuy nhiên thị trường luôn biến động và thay đổi. Do vậy việc khảo sát, nghiên cứu thị trường không chỉ làm một lần mà phải tiến hành thường xuyên trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để kịp thích ứng với những thay đổi của thị trường để đem lại hiệu quả kinh tế.
Điều quan trọng hơn nữa quy mô sản xuất phải hợp lý - Đặc biệt quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp ở vùng cao. Từ quy mô thị trường ta sẽ lựa chọn, quyết định vùng sản xuất và quy mô sản xuất cho phù hợp. Ở vùng cao miền núi quy mô vừa và nhỏ là phù hợp về nhiều mặt: Khí hậu, đất đai, khả năng quản lý, khả năng tiêu thụ, tính hiệu quả, tính bền vững.