Yên Bái phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. |
Dự kiến, đến năm 2020, Yên Bái phấn đấu đón 700.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 40.000 lượt, tăng trưởng bình quân đạt 8,5%/năm; Năm 2025, đón 1.200.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 90.000 lượt, tăng trưởng bình quân đạt 11,4%/năm. Số lượng cơ sở lưu trú đến năm 2020 có 2.500 buồng, hạng 3 sao trở lên đạt 15%; năm 2025 có 3.600 buồng, hạng 3 sao trở lên đạt 15%. Đến năm 2020 tạo việc làm cho 6.500 lao động trực tiếp, 6.000 lao động gián tiếp; Năm 2025 tạo việc làm cho 9.000 lao động trực tiếp và 7.500 lao động gián tiếp, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Để làm được điều này, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Với mục tiêu hình thành hệ thống hạ tầng then chốt, đồng bộ về dịch vụ du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu; Xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Yên Bái. Phấn đấu đến năm 2025, du lịch Yên Bái có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của vùng và cả nước, tạo tiền đề đến năm 2030 du lịch Yên Bái cơ bản trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng.
Du lịch mang đậm bản sắc văn hóa từng vùng miền |
Tỉnh phát triển 4 vùng du lịch trọng điểm với những sản phẩm du lịch đặc trưng theo từng vùng. Đặc biệt du lịch gắn liền với nét văn hóa con người nơi đó.
Ngành Văn hóa tỉnh cùng các thành viên Hội đồng thẩm định và đại diện các huyện, thị xã, thành phố đã nhất trí với kết cấu, bố cục của Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời bổ sung thêm diện tích chiếm đất của các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2025; Trên cơ sở các điểm du lịch hiện có, cần thống kê cụ thể các điểm du lịch cần mở rộng về diện tích đất, đầu tư về hạ tầng; Đối với các điểm du lịch có nhu cầu mở rộng diện tích đất, đề nghị lập dự án trên cơ sở số liệu diện tích quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Bổ sung thêm tuyến du lịch đường thủy dọc sông Hồng.
Hơn nữa, cần có giải pháp xây dựng các làng nghề dệt thổ cẩm, làm tranh đá quý, sản phẩm miến dong, các loại ẩm thực thành các điểm du lịch và sản phẩm du lịch để khai thác tiềm năng du lịch. Cần nghiên cứu đưa vào quy hoạch các sản phẩm từ nông nghiệp, sản phẩm lâm sản đặc trưng của tỉnh để làm phong phú thị trường hàng hóa. Phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian để truyền nghề, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tại các địa phương…
Thanh Ngà