Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái, đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 352 công trình cấp nước tập trung, 97.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ đang hoạt động, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho trên 600.000 người dân nông thôn.
Yên Bái tích cực triển khai nhiều giải pháp đưa nước sạch về với người dân nông thôn |
Tuy nhiên, trong những năm gần đây và dự báo những năm tiếp theo, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt gây ra tình trạng thiếu và suy giảm chất lượng nguồn nước.
Vì vậy, để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không vứt rác bừa bãi, không thải trực tiếp vào nguồn nước sạch; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn.
Học sinh tại trường THCS xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn rửa tay bằng nước sạch theo 6 bước |
Cùng với đó, cần nêu cao tinh thần tiết kiệm nước, giảm lãng phí khi sử dụng nước; kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp như: Cọ rửa sân, tưới cây… Trong đó, chú trọng công tác quản lý rừng đầu nguồn nhằm bảo vệ nguồn sinh thủy, quản lý xả thải trong công tác khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp và sử dụng nước là một trong những hoạt động tác động đến số lượng và chất lượng nguồn nước sinh hoạt hiện nay.
Song song với đó, là công tác xây dựng quy hoạch phải hợp lý, sát thực tế từng vùng, từng địa phương và nhu cầu của người dân. Công tác lập dự án cần tuân thủ theo quy hoạch về cấp nước và vệ sinh môi trường trên toàn tỉnh đã được duyệt, cần có các đánh giá tác động môi trường; lựa chọn loại hình cấp nước và mô hình quản lý sau đầu tư phù hợp với đặc thù từng địa phương.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về nước sạch nông thôn, phát huy vai trò của cá nhân, tổ chức đoàn thể quần chúng, cộng đồng dân cư ở thôn bản, đối với các huyện, xã vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc tiểu số; tổ chức nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực bằng hoạt động truyền thông vận động xã hội. Không những vậy, cần đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo để tăng cường đội ngũ và hoàn thiện kỹ năng cho truyền thông viên ở cơ sở trong việc tuyên truyền bảo vệ nguồn nước và công trình cấp nước tại cơ sở.