Trong nước

Ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương đã xác định đúng vấn đề bức xúc hiện nay

Khương Trung - Thanh Tùng 05/06/2024 11:02

(TN&MT) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, nhiều ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương đã xác định đúng vấn đề bức xúc hiện nay.

z5508527456747_a488515ddaf935e98de3504ca1471cfa.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ TrầnHồng Hà phát biểu sáng 5/6

Sáng 5/6, phát biểu giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, liên quan đến thương mại điện tử, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, thương mại điện tử sẽ là một xu thế tất yếu và sẽ thay thế dần các chợ, cửa hàng theo thương mại truyền thống. Về mặt pháp luật, từ năm 2006 đến nay đã 2 lần bổ sung, sửa đổi các luật liên quan đến thương mại điện tử, điều đó cho thấy chúng ta đã quan tâm khá toàn diện đến lĩnh vực này. Hiện chúng ta có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử và các Nghị định có liên quan.

Để đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu cá nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, mặc dù đã có nhiều quy định trong hệ thống pháp luật nhưng việc cập nhật để có sự thống nhất trong các hệ thống pháp luật, việc triển khai ban hành các nghị định, trong đó có sự tích hợp từ các chính sách của các luật là hết sức cần thiết.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với ý kiến đại biểu là thể chế hóa để quản lý nền tảng mạng trên xã hội, yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam, đảm bảo hài hòa với pháp luật quốc tế. Đồng thời, đưa ra các tiêu chí cụ thể liên quan đến an ninh mạng, dữ liệu, giao dịch, hợp đồng, định danh, chữ ký điện tử… Nếu làm được điều này, có thể thông qua trí tuệ nhân tạo để quản lý các hoạt động trên môi trường số, trong đó quản lý định danh người bán trên thương mại điện tử.

050620240855-z5508499548027_2875620293fdc60f097a333aa12ffdc6.jpg
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn Quốc hội sáng 5/6

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng nền tảng cho Việt Nam để có thể tích hợp tất cả các hoạt động như định danh, an ninh công nghệ, thanh toán hải quan, thành lập logistics đồng bộ; thành lập cơ quan đa ngành để có thể giám sát được tất cả hoạt động trên thương mại điện tử.

Liên quan đến thu hút đầu tư, tham gia các FTA, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định FTA, nhưng cũng cần nhìn nhận là lợi ích mang lại chưa lớn. Vì vậy, thời gian tới cần triển khai nhanh chóng để đáp ứng các quyết định từ các hiệp định thương mại này; hơn nữa thông tin về thị trường cũng như môi trường pháp lý của các nước tham gia FTA; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa đầy đủ… Vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết; đồng thời cần có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp trong nước…. Đối với thu hút FDI, cũng cần có tiêu chí chặt chẽ hơn, thu hút nguồn vốn đầu tư vào công nghệ, cam kết nghiên cứu và chuyển giao cho doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, công thương là lĩnh vực quan trọng, có tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, các Bộ có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong nhóm lĩnh vực công thương.

050620240934-z5508599298356_503393d9a1bfdd6e0e17f44f466cb0ab.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận phiên chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thời gian qua, hoạt động công thương có nhiều đổi mới, thương mại điện tử phát triển mạnh, chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hoàn thiện, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử; việc khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết đã góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao…

Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công thương, hoạt động thương mại điện tử; tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất khẩu chưa bền vững… Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, các Bộ có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung như sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng...

Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm…

Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng luật công nghiệp trọng điểm, chương trình công nghiệp hỗ trợ, tập trung phát triển công nghiệp thông minh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương đã xác định đúng vấn đề bức xúc hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO