Xung kích hộ đê, chống bão lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”

Tuyết Chinh| 08/08/2020 12:08

(TN&MT) - Thường xuyên chịu tác động thiên tai, bão lũ hàng năm, Thanh Hóa luôn quán triệt công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, trong đó xác định công tác chuẩn bị, sẵn sàng hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ” là một trong những nhiệm vụ then chốt.

Đảm bảo vật tư xử lý sự cố thiên tai ngay giờ đầu

Với địa hình ba vùng miền đồng bằng, ven biển, trung du và miền núi bị chia cắt mạnh, hệ thống sông ngòi dày đặc; Thanh Hóa chịu ảnh hưởng của hai hình thế thời tiết Bắc Bộ và Trung Bộ. Hầu như năm nào cũng phải chịu ảnh hưởng của thiên tai như: bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, lốc, hạn hán, xâm nhập mặn... Thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây ra đối với Thanh Hóa là hết sức nặng nề về người, tài sản, môi trường sinh thái, tác động sâu sắc tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trước tình hình thời tiết, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Thanh Hoá đã kiện toàn Ban Chỉ huy, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách các huyện; chỉ đạo các cấp, các ngành, triển khai mọi mặt công tác chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với thiên tai bão lũ.

Ảnh minh hoạ

Đặc biệt, nhận thức rõ tình trạng những năm gần đây, một số địa phương chưa coi trọng công tác chuẩn bị vật tư dự trữ, số lượng cũng như chủng loại vật tư chưa đáp ứng yêu cầu nên khi có mưa, lũ xảy ra không có vật tư để xử lý, rất lúng túng bị động dẫn đến việc xử lý các sự cố không kịp thời, kém hiệu quả.

Sở NN&PTNT Thanh Hoá cho biết, để tránh tình trạng khi sự cố xảy ra mà không có hoặc không đủ vật tư, nhân lực, phương tiện để xử lý ngay từ giờ đầu, hàng năm, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã yêu cầu các huyện thành lập các Đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị vật tư dự trữ phòng chống lụt bão tại các xã, phường, thị trấn. Trong đó, chú ý kiểm tra cụ thể số lượng, chất lượng các loại vật tư, phương tiện hiện có tại các kho của từng xã để bổ sung thay thế các loại vật tư bị mục nát, hư hỏng không đảm bảo chất lượng.

Đối với việc tập kết đất dự trữ, phải theo sự hướng dẫn của lực lượng chuyên trách quản lý đê, tuyệt đối không được để trên mặt đê; tập kết ở những vị trí xung yếu, nhất là các cống dưới đê cần phải bố trí đảm bảo số lượng đất dự trữ.

Sẵn sàng hộ đê theo phương châm “bốn tại chỗ”

Ngoài các phương tiện đã được các địa phương chuẩn bị theo phương châm “bốn tại chỗ”, các ngành, các địa phương đã xây dựng phương án huy động các loại phương tiện để thực hiện tăng cương công tác hộ đê PCTT và TKCN, một số phương tiện chính như: Xe cứu hộ, cứu thương, chữa cháy: 291 (chiếc); tàu, thuyền, ca nô, xuồng, mô tô nước cứu hộ, cứu nạn: 459 (chiếc); Ô tô chở người có thể huy động: 2.316 (chiếc)…

Theo Sở NN&PTNT Thanh Hoá, hàng năm trước mùa mưa lũ, các xã, phường, thị trấn tổ chức, thành lập lực lượng tuần tra canh gác đê và xung kích hộ đê đảm bảo nhu cầu hộ đê, chống lụt của địa phương; các địa phương phối hợp với lực lượng Kiểm soát viên đê điều trên địa bàn tổ chức tập huấn nghiệp vụ thường xuyên cho lực lượng này, mỗi năm tập huấn được từ 5.000 - 6.000 người tham gia; đây chính là lực lượng nòng cốt trong công tác hộ đê, chống lụt.

Đáng chú ý, trong năm 2020, thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27/3/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT về Ban hành Hướng dẫn và củng cố Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, Văn phòng Thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh Thanh Hóa đã hướng dẫn các địa phương thành lập, xây dựng Đội xung kịch PCTT cấp xã với lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ.

“Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 559 đội/559 xã phường, thị trấn với tổng số người tham gia là 56.618 người (riêng các xã có đê là 238 đội/238 xã, phường, thị trấn có đê)”, số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Thanh Hoá nêu rõ.

Bên cạnh lực lượng tại chỗ của các xã; các ngành, các địa phương cũng xây dựng phương án huy động lực lượng tham gia công tác hộ đê, PCTT và TKCN. Theo đó, có thể huy động được 94.487 người, trong đó lực lượng vũ trang là 5.028 chiến sỹ.

Ngoài ra, để tăng cường lực lượng của các địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã ký kết hiệp đồng với các đơn vị lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng và Quân khu đóng quân trên địa bàn tỉnh sẵn sàng tham gia công tác hộ đê, PCTT, hàng năm với lực lượng huy động khoảng 1.100 chiến sỹ. Các ngành Công an, Biên phòng đã có kế hoạch huy động lực lượng tăng cường của ngành tham gia công tác phòng chống thiên tai và TKCN khi có lệnh điều động.

Toàn tỉnh Thanh Hoá hiện có 102 km bờ biển, 24 sông lớn nhỏ, với 1.008 km đê sông, đê biển; 610 hồ chứa và 1.023 đập dâng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung kích hộ đê, chống bão lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO