“Sông Mã xa rồi Tay Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quan mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm nơi”
(Thơ Quang Dũng)
Những dòng sông mang nặng phù sa
Từ Mường Lát nơi thượng nguồn sông Mã chảy vào xứ Thanh, ở độ cao hơn 1.000 m xuôi về Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy. Rời Cẩm Thủy khoảng 15 km, sông Mã đi hẳn vào vùng đồng bằng thuộc các huyện: Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa... Dòng sông rộng hẳn ra, nước chảy ngày một hiền hòa hơn. Tại ngã ba Bông (“Một tiếng gà giữa Ngã Ba Bông/Dân sáu huyện cùng nghe, người sáu làng cùng thức” - thơ Huy Trụ), sông Mã chia một phân lưu nhỏ là sông Lèn, còn một nhánh chính rẽ hẳn sang phải, tiếp tục đổ về biển. Cách biển khoảng 20 km, chạy ven bên phải, sông gặp một dãy núi. Ngay tại Hàm Rồng, sông Mã gặp núi Ngọc, núi Rồng, nó mở thêm một phân lưu nhỏ là sông Tào, chảy ra biển ở cửa Lạch Trường, còn nhánh chính thì xuyên qua giữa núi Ngọc, núi Rồng. Đi khỏi hai dãy núi này, sông Mã xuôi về cửa Hới đổ ra biển Đông.
Từ Mường Lát nơi thượng nguồn sông Mã chảy vào xứ Thanh. Ảnh MH |
Những địa danh mà sông Mã đi qua đều là những nơi mang đậm nét văn hóa đặc trưng, lưu lại nhiều vết tích của vùng đất cổ nơi con người tìm đến sinh sống quần tụ từ buổi sơ khai. Đặc biệt, dọc đôi bờ lưu vực sông Mã từng chứng kiến sự hình thành, phát triển và tỏa rạng của nhiều nền văn hóa tiêu biểu trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Chính phù sa sông Mã bồi tụ, lắng đọng qua hàng nghìn, hàng vạn năm đã làm nên tên tuổi của những vùng đất nơi dòng sông đi qua. Việc phát hiện ra dấu tích con người thời tối cổ tại núi Đọ (huyện Thiệu Hóa) được đánh giá là một trong các phát hiện lớn về khảo cổ học ở Việt Nam thập kỷ 60 (thế kỷ XX). Nhiều di vật bằng đá được khai quật như: Rìu tay, công cụ chặt thô, hạch đá, mảnh tước... mang dấu ấn kỹ thuật ghè đẽo thô sơ của con người thời nguyên thủy. Hang Con Moong (huyện Thạch Thành) xứng đáng là “bảo tàng” về diễn tiến của các nền văn hóa thời đại đồ đá ở Việt Nam. Lưu vực sông Mã không chỉ được nhắc đến như “cái nôi của người Việt cổ”.
Khác với dòng sông Mã, sông Chu bắt nguồn từ Thượng Lào vào Thanh Hóa, chảy qua các huyện Thường Xuân, Thọ Xuân, Thiệu Hóa rồi nhập vào sông Mã ở ngã ba Giàng, sông Chu đã góp phần khắc họa nên diện mạo đời sống vật chất và tinh thần rất đẹp, rất riêng. So với toàn bộ sông Mã, rừng ở vùng này dày hơn, nhiều rừng già hơn. Nằm trong vùng của dãy núi Nam sông Mã, gồm nhiều núi vào loại cao nhất tỉnh Thanh Hóa, được cấu tạo bởi nhiều loại đá khác nhau dẫn đến địa hình rất phức tạp, hình thành nét đẹp cảnh quan sinh thái đến mê hồn.
Không những tạo nên một giá trị khảo cổ về mặt lịch sử, nơi sông Mã, sông Chu đi qua đã “hình thành” lên nhiều bản, làng cổ như Sơn Ôi (nay là xã Định Công, Yên Định), làng Đa Quả (Hà Trung)… đặc biệt, làng cổ Đông Sơn đến nay đã trở thành di tích lịch sử được bảo tồn.
Đến những làng nghề “đặc trưng”
Những bản, làng trù phú đã tạo nên những ngành nghề truyền thống như nhiễu Hồng Đô (xã Thiệu Đô) vốn đã nức tiếng xa gần, trong và ngoài nước với loại tơ mềm, bền, đẹp. Đôi bàn tay còn chưa thôi lưu luyến cảm giác êm ái, trơn mượt của những khối tơ, nhiễu Hồng Đô thì dòng nước sông Chu đã dẫn dụ con mắt say sưa, lấp lánh bởi các sản phẩm trống đồng được nghệ nhân làng đúc đồng xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa) tạo tác với kỹ nghệ tinh xảo. Và cứ thế xuôi theo con nước, sông Chu dừng chân nơi ngã ba Giàng, hợp lưu với dòng Mã giang ra biển lớn, gửi lại nơi đây tấm chân tình của người làng cót mộc mạc, chân phương.
Từ Ngã Ba Bông, chia thành nhánh sông Lèn ra lạch Sung đã tạo lên làng nghề truyền thống nức tiếng chiếu Nga Sơn là một trong bốn sản phẩm lâu đời nhất Việt Nam (Chiếu Nga Sơn/gạch Bát Tràng/vải tơ Nam Định/lụa hàng Hà Đông). Ngoài ra còn có chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc), nghề dệt thổ cẩm Cẩm Lương, mây tre đan Hoằng Thịnh, làng hương truyền thống Đông Khê, nghề đúc đồng Chè Đông (Thiệu Hóa), bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân)...
Không chỉ sông Mã, sông Chu, xứ Thanh tươi đẹp còn có dòng cổ tích Hoạt Giang; dòng sông Yên quanh năm êm đềm nước chảy; một vùng non nước Lạch Bạng - Nghi Sơn... Những dòng sông đã tạo nên những hồ nước trong mát như hồ Cửa Đặt (Thường Xuân), Bến En, nơi được ví như Hạ Long trên cạn của xứ Thanh.
Kể sao cho hết chuyện đất, chuyện người, chuyện về những dòng sông. Chỉ biết được rằng, đắp bồi qua tháng năm, xuyên qua những đứt gãy địa chất và thăng trầm, biến báo của lịch sử, đất - người - dòng sông đã hòa quyện vào với nhau trong một thực thể xứ Thanh hoàn chỉnh, chung và riêng, khác biệt nhưng không hề dị biệt. Để rồi, những người con của đất mẹ, những tiếng dô hầy, mô, tê, răng, rứa… chỉ với người xứ Thanh mới có.
Những dòng sông là nơi vui chơi, nô đùa của lũ trẻ |
Chảy đi sông ơi
Những con sông thơ mộng, hiền hòa, quanh năm nước chảy lơ thơ, từ thượng nguồn chảy về hạ nguồn đổ ra biển Đông đã tạo nên những bản làng trù phú, cổ kính, những làng nghề ươm tơ dệt nhiễu, chiếu cói, đúc đồng, tạo tác ra những vật phẩm tinh xảo cho đời là thế. Giờ đây, những dòng sông mang nặng phù sa hàng nghìn năm, hàng vạn năm chở che, ôm ấp, nuôi sống ta đang phải “oằn mình” gánh chịu bàn tay thô bạo của con người với hàng chục mỏ cát, công trình thủy điện lớn nhỏ…
Theo thống kê, hiện nay, trên các dòng sông Mã, sông Chu, sông Bưởi, sông Cầu Chày, sông Tào, sông Lèn có tới 35 mỏ cát đã được cấp phép (chưa kể số lượng “cát tặc” khổng lồ khác) đang ngày đêm thả “vòi bạch tuộc” xuống những dòng sông yêu thương để “moi gan, móc ruột” với lượng cát lên đến hàng chục triệu mét khối. Có những mỏ cát mới được chấp thuận địa điểm và đánh giá trữ lượng hàng triệu mét khối, nhưng chỉ 6 tháng sau, chủ đầu tư đã hút cạn cát và trả lại cho tỉnh với lý do... mỏ không có cát (!?)
Không những đang ngày đêm bị “moi gan, móc ruột” từ việc bơm hút cát, những dòng sông xứ Thanh đang còn phải gánh trên vai hàng chục thủy điện vừa và nhỏ. Theo tìm hiểu hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 22 dự án thủy điện được phê duyệt với tổng công suất 832MW. Cá biệt hơn, trên dòng sông Chu trên khúc sông dài chỉ 15 km có tới 3 đập dự án thủy điện là Cửa Đạt, Xuân Minh, Bái Thượng.
Không những hệ lụy từ việc khai thác cát bừa bãi, quy hoạch tràn lan thủy điện, những dòng sông quê hương còn đang chịu sự tàn phá từ những dự án làm đường, khai thác đất, đá đã làm một lượng lớn đất, đá tràn xuống dòng sông làm thu hẹp đổi hướng dòng chảy.
Chính những hệ lụy đáng lo ngại đó đã biến những dòng sông quê hương hiền hòa, quanh năm nước chảy lơ thơ thành những dòng sông hung dữ, những dòng sông hủy diệt. Điển hình cho những trận lũ ống, lũ quét tháng 8 tháng 9/2018, năm 2019 đã tràn xuống các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa hay tại sông Bưởi (Thạch Thành) năm 2008 đã biến thị trấn Kim Tân ngập chìm trong nước.
Bước vào năm mới Tân Sửu 2021, trước sự phát triển của đất nước nói chung và phát triển mới của xứ Thanh nói riêng, rất mong một sự ứng xử hài hòa với sông để những dòng sông quê hương trở lại trong xanh, hiền hòa, ôm ấp che chở như lòng mẹ, tạo nên những bãi bờ phù sa trù phú cho những làng mạc đúng nghĩa với những dòng sông quê hương.