Xử lý rác thải điện tử để nhận cuộc sống xanh

Mai Ngân (thực hiện)| 08/12/2020 14:15

(TN&MT) - Để nâng cao ý thức người dân trong việc phân loại rác thải nguy hại, thu hồi, xử lý pin và rác thải điện tử, Chương Trình Việt Nam tái chế đã ra đời. Để hiểu rõ hơn về Chương trình cũng như có cái nhìn toàn diện về việc thu hồi các sản phẩm pin và rác thải điện tử thải bỏ, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Mai Thị Thu Hằng, Đại diện quản lý Chương trình Việt Nam.

Bà Mai Thị Thu Hằng

PV: Chương trình Việt Nam tái chế đã triển khai những hoạt động gì để thu gom được những thiết bị nhỏ như cục pin, phụ kiện điện tử đến các sản phẩm máy móc, ti vi, tủ lạnh bị hỏng, thưa bà?

Bà Mai Thị Thu Hằng:

Chương trình Việt Nam tái chế hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện của người tiêu dùng. Bên cạnh việc thu gom miễn phí rác thải điện - điện tử, Chương trình còn giáo dục người dân ý thức về những tác hại nguy hiểm của rác thải điện tử, từ đó, họ tự nguyện mang các thiết bị không còn giá trị sử dụng đến các điểm thu gom, hình thành những thói quen thu gom xử lý rác thải điện tử một cách khoa học… Chương trình cũng nhằm mục đích hỗ trợ cho các nhà sản xuất sản phẩm điện tử nâng cao trách nhiệm trong việc thu nhận, xử lý và tái chế các thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp hết niên hạn sử dụng.

Ngay từ khi ra đời, Việt Nam tái chế đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, thu gom rác thải điện tử. Đơn cử như đã thu hút cộng đồng bằng cách tổ chức hoặc tham gia vào các sự kiện như Ngày hội Tái chế; thiết lập các điểm thu gom rác thải điện tử; Chiến dịch thu gom rác thải điện tử tại từng hộ gia đình... Đồng thời, Chương trình cũng mở rộng hoạt động thêm trên trang Fanpage mang tên Việt Nam Tái chế, thông qua đó kêu gọi mọi người tái sử dụng/giảm/tái chế rác thải điện tử đúng cách; thường xuyên thực hiện các hoạt động tuyên truyền sâu rộng thông qua các phương tiện truyền thông chính thống và thuyết trình tại nhiều sự kiện khác nhau cho đối tượng khán giả là các doanh nghiệp.

Chương trình cũng đã lựa chọn, đào tạo và kiểm tra các cơ sở xử lý được cấp phép tái chế rác thải điện tử và thiết lập một quy trình chung cho tất cả các vật liệu được đưa vào tái chế. Các thiết bị điện, điện tử như laptop, điện thoại, ti vi, đầu đĩa, máy ảnh… sau khi không thể sử dụng sẽ được chuyển đến trung tâm xử lý chất thải độc hại để phân loại, tổ chức tháo dỡ và bóc tách các linh kiện điện tử theo từng mục đích có thể tái sử dụng. Những linh kiện không còn giá trị sử dụng sẽ được đưa đi phân hủy trong một quy trình khép kín, không gây ô nhiễm môi trường.

PV: Xin bà cho biết, sau 5 năm triển khai, Chương trình Việt Nam tái chế đã thu lại kết quả như thế nào?

Bà Mai Thị Thu Hằng:

Đến nay, Chương trình nhận được rất nhiều cuộc gọi và email yêu cầu thu gom tận nơi từ các hộ gia đình và doanh nghiệp tại TP.HCM và Hà Nội. Ý thức phân loại rác tại nguồn được nâng cao, hạn chế thói quen không vứt lẫn rác nguy hại vào các rác thải sinh hoạt.

Việt Nam tái chế đã thiết lập và vận hành 10 điểm thu hồi (5 điểm tại Hà Nội và 5 điểm tại TP.HCM) để người dân có nơi thải bỏ rác thải điện tử đúng cách. Khối lượng rác điện tử mà Chương trình nhận được tại các điểm thu hồi gia tăng qua các năm. Nếu như năm đầu tiên khởi động, Việt Nam tái chế chỉ thu gom được khoảng 840 kg rác thải điện tử, thì đến năm 2018, Chương trình thu được hơn 10 tấn thiết bị điện tử bị hỏng. Đặc biệt, Việt Nam tái chế đã thu gom hơn 24 tấn rác thải điện tử trong năm 2019.

Ngoài 10 điểm thu gom thường xuyên tại Hà Nội và TP.HCM, Việt Nam tái chế hiện đang tổ chức thu gom rác thải điện tử miễn phí tận nhà cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Hiện, Việt Nam tái chế cung cấp thí điểm dịch vụ yêu cầu thu gom tận nơi hoàn toàn miễn phí cho các hộ gia đình trên địa bàn TP.HCM hoặc Hà Nội với các thiết bị điện tử to hoặc số lượng nhiều các thiết bị điện tử khác; Hộ gia đình có ít nhất một thiết bị lớn như tivi, màn hình, máy vi tính, máy in, máy fax, máy scan, photocopy hoặc 10 thiết bị nhỏ điện tử khác, trong đó, pin điện tử các loại và bao nhiêu cục cũng chỉ được tính là 1 thiết bị.

Đẩy mạnh thu gom và tái chế rác thải điện tử. Ảnh: MH

PV: Trong quá trình triển khai, Chương trình Việt Nam tái chế gặp khó khăn gì và cần làm gì để tiếp tục phát huy cũng như đảm bảo việc tái chế rác thải điện tử hiệu quả?

Bà Mai Thị Thu Hằng:

Hầu hết gia đình nào cũng có khoảng chục thiết bị có pin hoặc rác thải điện tử thải bỏ và số lượng các thiết bị này ngày càng có xu hướng tăng nhanh. Tuy nhiên, thói quen của người Việt thường bán đồ điện tử cũ hỏng cho các bên mua ve chai, đồng nát nên việc tiếp nhận pin, rác thải điện tử từ các gia đình gặp nhiều khó khăn. Trong khi tiêu chí của Chương trình Việt Nam tái chế là hỗ trợ thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của rác thải điện tử cũng như việc thải bỏ đúng cách. Vì thế, không có chính sách ưu đãi hay trao đổi vật chất để nhận rác thải điện tử.

Bên cạnh đó, đồng hành cùng Chương trình chỉ có 2 thành viên là HP và APPLE, do đó kinh phí hoạt động của Chương trình vẫn còn khá hạn hẹp nên chưa thể mở rộng Chương trình và các hoạt động đến nhiều địa phương khác. Việt Nam Tái Chế vẫn đang trong quá trình kêu gọi thêm thành viên (là các nhà sản xuất điện tử) để cùng đồng hành phát triển Chương trình tiến xa hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có hệ thống quản lý có thể kiểm soát một lượng lớn chất thải điện tử và thu hồi vật liệu có giá trị. Vì vậy cần ban hành luật về quản lý chất thải điện tử và chính quy hóa hoạt động tái chế. Cần có thêm các văn bản luật để hình thành khung chính sách đầy đủ. Nhà nước và các hiệp hội ngành phải kiểm soát, giám sát được dòng chất thải điện tử thay vì khối tư nhân như hiện nay để quản lý chất thải điện tử, trong đó có các quy chuẩn về vật liệu, công nghệ và sản phẩm tái chế.

Hiện các bên trung gian - những người tháo dỡ vật liệu đang nhận nhiều lợi ích kinh tế nhất, nhưng họ không xử lý mà chỉ tháo dỡ để bán. Về mặt quản lý Nhà nước, cần có mạng lưới thu gom hiệu quả. Các chất thải điện tử phải được xử lý, thu gom bởi các đơn vị chuyên về chất thải nguy hại. Về mặt kỹ thuật, cần triển khai từ nghiên cứu khoa học sang ứng dụng thực tiễn ở quy mô công nghiệp tại Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn Bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý rác thải điện tử để nhận cuộc sống xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO