Sức khỏe

Xử lý nghiêm minh các vi phạm về BHXH

Thùy Linh 24/11/2023 21:26

Ngày 23/11/2023, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Một trong những điểm mới của Dự án Luật là mở rộng diện bao phủ BHXH, hạn chế NLĐ rút BHXH một lần, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH…

Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp về những vấn đề này.

Phóng viên: Một trong những vấn đề người dân quan tâm nhất của Dự án Luật BHXH (sửa đổi) lần này là quy định rút BHXH một lần. Xin ông cho biết quan điểm của mình như thế nào về việc này?

Ông Phạm Văn Hòa: Với 2 phương án Chính phủ trình Quốc hội về rút BHXH một lần, cá nhân tôi luôn ủng hộ bởi mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm. Thực tế, hiện nay số người hưởng BHXH một lần năm sau cao hơn năm trước, mức tăng bình quân 6,5%/năm.

Việc cho hưởng BHXH một lần đã khiến nhiều lao động bị “lọt” ra khỏi hệ thống BHXH. Trong khi đó, chế độ trợ cấp “hưu trí xã hội” cũng chỉ áp dụng đối với NLĐ ở độ tuổi khá cao (80 tuổi và dự kiến giảm xuống là 75 tuổi).

hoa.jpg
Ông Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Bởi vậy, tính từ thời điểm NLĐ nghỉ việc, hết tuổi lao động đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp “hưu trí xã hội” là khoảng thời gian khá dài; NLĐ sẽ không khỏi gặp các khó khăn, không có nguồn thu nhập để sống. Chính vì vậy, tôi luôn mong muốn NLĐ không nên rút BHXH một lần, tuy nhiên, thực tế nếu không cho rút BHXH thì NLĐ đang nghỉ việc, không có việc làm sẽ rất khó khăn trong cuộc sống. Khi NLĐ rút BHXH một lần cũng đồng nghĩa khi họ về già, không còn sức lao động, không có tài sản tích lũy.

Tôi cho rằng, phương án 2 về rút BHXH một lần là khả thi nhất và phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay khi cho NLĐ rút 50%. Việc cho phép NLĐ chỉ được thanh toán rút tối đa 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ buộc NLĐ phải cân nhắc khi rút BHXH một lần. Việc này sẽ giảm thiểu được số NLĐ bị lọt ra khỏi hệ thống, mở rộng được độ bao phủ, đảm bảo được quyền lợi cho NLĐ khi hết tuổi lao động. Đồng thời, mức rút này cũng không quá thấp nên NLĐ sẽ có một khoản tiền có thể giúp họ trang trải được khó khăn trước mắt.

Thực tế, lương hưu dù có thấp thì qua việc tăng điều chỉnh tiền lương hằng năm vẫn đảm bảo được cuộc sống của người nghỉ hưu. Đơn cử, từ ngày 1/7 vừa qua, công chức viên chức được tăng lương cơ sở thì người về hưu cũng được tăng lương và đến thời điểm 1/7/2024 tới quy định mức lương theo vị trí việc làm, người về hưu cũng được nâng lương. Khi NLĐ có chế độ hưu trí thì cũng đồng nghĩa với việc họ có thêm các chính sách khác về an sinh. Do đó, muốn khuyến khích, động viên, thuyết phục NLĐ không rút BHXH một lần và yên tâm đóng BHXH thì ngoài việc sửa đổi Luật BHXH cũng cần có cơ chế chính sách ưu đãi cho những lao động buộc phải nghỉ việc, mất việc để họ tiếp tục tham gia vào hệ thống BHXH; thấy được chính sách ưu việt của lương hưu…

Thưa ông, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng đề xuất giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để NLĐ được hưởng lương hưu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Văn Hòa: Tôi rất đồng tình với đề xuất của Chính phủ về giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu. Đề xuất này cũng phù hợp với mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW về Cải cách chính sách BHXH là: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”.

Theo nguyên tắc của BHXH thì đóng bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, nên 10-15 hay 20 năm đóng BHXH đều có cơ sở. Điều này cũng trực tiếp liên quan đến mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH với điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu. Hơn nữa, quy định này là cũng nhằm giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Theo nguyên tắc đóng- hưởng của BHXH thì NLĐ đóng BHXH đủ 15 năm, mức lương hưu được hưởng sẽ không cao. Song quy định này tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45- 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm về BHYT. Đối với NLĐ tham gia thị trường lao động sớm, có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

Thưa ông, việc sửa đổi Luật BHXH lần này có xử lý dứt điểm được tình trạng nợ đóng BHXH không?

Ông Phạm Văn Hòa: Một trong những điểm mới của dự thảo Luật là đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Theo đó, tại Điều 36 và Điều 37 quy định cụ thể 2 hành vi chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH; quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng; quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người SDLĐ chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng…

Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của NLĐ, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người SDLĐ phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Qua tiếp xúc cử tri, cũng như giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, của đoàn ĐBQH cho thấy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH còn gặp một số khó khăn. Do chính sách, pháp luật BHXH hiện hành chưa có quy định về quản lý các đơn vị, số tiền chậm đóng, đặc biệt là DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, có chủ sở hữu bỏ trốn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ; ý thức chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp của một số chủ SDLĐ chưa nghiêm, thiếu quan tâm đến quyền lợi NLĐ. Ví dụ, tại Đồng Tháp, dù cơ quan BHXH đã thực hiện rất nhiều giải pháp nhưng tổng số số tiền chậm đóng BHXH gần 95 tỷ đồng, trong đó có gần 65 tỷ đồng chậm đóng BHXH trên 6 tháng. Đặc biệt, chỉ riêng TP.Cao Lãnh có đến 33 DN ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc có chủ bỏ trốn với số nợ trên 3 tỷ đồng chưa được giải quyết…

Như vậy, hành vi nợ BHXH là một tội của người SDLĐ, đây là trách nhiệm của DN. Tiền của NLĐ đã tham gia BHXH trích trừ một phần lương của mình tại doanh nghiệp và Luật BHXH quy định người SDLĐ phải bỏ phần tiền của mình ra để đóng góp cho NLĐ. Đây là việc làm hết sức nhân văn, trách nhiệm của chủ SDLĐ nhưng DN lại không đóng nộp về cơ quan BHXH là lỗi của DN. Thực tế, rất nhiều NLĐ, đặc biệt là công nhân sau khi nghỉ việc đến nhận tiền BHXH lại được thông báo là không đóng BHXH. Qua giám sát cho thấy, một số địa phương chưa xử lý được vấn đề này vì nhiều nguyên nhân, đặc biệt là chế tài xử lý còn thiếu. Do đó, sửa luật lần này phải quy định rành mạch, rõ ràng, cụ thể các chế tài xử lý đối với người trốn đóng BHXH để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ…

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm minh các vi phạm về BHXH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO