Sông An Lão “oằn mình” vì cát tặc
Từ trên cầu Gò Dài xã An Hòa nhìn xuống, dòng sông An Lão hiền hòa xanh trong chỉ có một khúc sông nhỏ chảy qua, còn lại là những cồn cát lưa thưa trong đám cây cỏ dại mọc cằn cỗi thấp thoáng bên sông bởi nạn khai thác và vận chuyển cát. Dưới bờ sông là con đường xe cát chạy qua để phục vụ cho 2 mỏ cát ở xã An Hòa được UBND tỉnh Bình Định cấp phép, cộng thêm đoàn xe cát của doanh nghiệp khai thác cát trái phép khiến con sông phải gồng mình gánh cát và cát ngày càng bị cạn kiệt cùng với nước sông An Lão.
Hoạt động khai thác cát ngày đêm, có phép lẫn không phép tiếp diễn hàng ngày, từ năm này qua năm khác làm con sông An Lão mệt mỏi gồng mình chịu trận bởi những đoàn xe chở cát. Sông An Lão, mùa mưa nước dâng cao nhưng khi cơn mưa đi qua nó cũng trôi theo dòng nước ra sông Lại Giang nên con sông thường khô cạn vào mùa nắng nóng. Đó cũng là thời điểm cát bãi bồi nhô lên cao để doanh nghiệp tận thu khai thác triệt để.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Trên sông An Lão qua địa bàn xã An Hòa, xã An Trung của huyện An Lão, UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Tổng hợp Thành Tín, Công ty TNHH Quốc Nghề và Công ty TNHH DVTM Ngọc Lâm. Riêng xã An Hòa có hai doanh nghiệp đang hoạt động khai thác cát là Công ty TNHH Tổng hợp Thành Tín và Công ty TNHH Quốc Nghề trên sông An Lão.
Sông An Lão khởi nguồn từ miền núi vùng Tây Bắc, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Thượng nguồn của sông An Lão là 2 dòng sông Nước Đinh và Nước Ráp. Sông An Lão có chiều dài khoảng 85km và lưu vực rộng khoảng 697km². Sông An Lão cùng với sông Kim Sơn hợp nhất thành sông Lại Giang là con sông lớn thứ hai của tỉnh Bình Định.
Thế nhưng, trên thực tế tại xã An Hòa không chỉ có 2 doanh nghiệp trên khai thác cát mà còn một số doanh nghiệp khác và cá nhân người dân lợi dụng việc khai thác cát được cấp phép đã đưa phương tiện cơ giới gồm xe múc, xe ben vào khu vực có cát dưới sông An Lão để khai thác và vận chuyển cát trái phép ra ngoài.
Trước đây, 2 doanh nghiệp khai thác cát trái phép mà người dân thường kể đến là Công ty TNHH Thuận Thiên và Công ty TNHH An Hưng, nhưng nay người dân chỉ bức xúc phản ánh về trường hợp DNTN xây dựng Thịnh Thiên đã lấy cát trái phép 2 năm nay.
Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT về vấn đề khai thác cát trái phép tại địa phương, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết: Thời gian qua, UBND xã tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản cấp phép và khoáng sản chưa được cấp phép. Hiện tại, xã An Hòa chỉ có 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát. Trong quá trình khai thác cát, các doanh nghiệp mua bán cát lẫn nhau thường đưa xe vào khu vực mỏ để chở cát nên nhiều khi khó phát hiện những trường hợp khai thác cát trái phép để xử lý ngay. Nhằm ngăn chặn hạn chế nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn, UBND xã đã lên phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm khai thác khoáng sản trái phép.
Công ty TNHH Tổng hợp Thành Tín được UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường số 45 ngày 27/7/2018, với diện tích 2ha. UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 59, ngày 28/7/2020 cho Công ty TNHH Quốc Nghề được phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại bãi bồi sông An Lão trên diện tích 1,8ha.
Để tăng cường bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác cũng như hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép trên sông An Lão, UBND huyện An Lão, trực tiếp là Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân, nhất là hành vi khai báo sản lượng khoáng sản không đúng với thực tế khai thác và nội dung giấy phép đã cấp, gây tổn thất khoáng sản và gây ô nhiễm môi trường; tiến hành thu hồi khoáng sản trong diện tích xây dựng công trình và đặc biệt là xử lý nghiêm khi phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm khai thác khoáng sản trái phép.