Xử lý chất thải y tế liên quan Covid-19 tại TP.HCM: Sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp

Nguyễn Quỳnh| 20/07/2021 10:18

(TN&MT) - Sở TN&MT TP.HCM vừa có Văn bản khẩn gửi Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường đề xuất chủ trương cho các đơn vị hoạt động xử lý chất thải (có lò đốt chất thải) trên địa bàn TP.HCM tham gia hỗ trợ, tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch Covid-19.

Công suất xử lý 49 tấn/ngày

Cuối tháng 6/2021, trước tình trạng gia tăng khối lượng rác thải y tế liên quan đến dịch Covid-19, Sở TN&MT TP.HCM đã đề xuất thêm 4 đơn vị cùng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM tham gia xử lý chất thải y tế liên quan đến Covid-19.

Ngày 29/6, Sở TN&MT TP.HCM đã có Công văn gửi các công ty xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế trên địa bàn (theo danh sách của Bộ TN&MT) đề nghị phối hợp, hỗ trợ tiếp nhận và xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19. Danh sách gồm: Công ty Cổ phần Môi trường Việt Úc, Công ty TNHH SX - TM - DV Môi trường xanh, Công ty TNHH Thương mại - xử lý môi trường Thành Lập và Công ty TNHH  MTV Dịch vụ môi trường và kỹ thuật xăng dầu.

Tuy nhiên, theo Sở TN&MT, hiện nay chỉ có Công ty Cổ phần Môi trường Việt Úc sẵn sàng tham gia hỗ trợ tiếp nhận và xử lý chất thải y tế để phòng, chống dịch Covid-19 cùng với thành phố (3 đơn vị còn lại phúc đáp không thể tham gia vì những nguyên nhân khác nhau).

Công nhân vệ sinh môi trường khử khuẩn rác thải y tế Covid-19 trước khi cho vào lò đốt

Ngày 7/7, Sở TN&MT đã phối hợp cùng Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) tổ chức khảo sát hiện trạng tại nhà máy Công ty CP Môi trường Việt Úc để đánh giá thực tế khả năng tiếp nhận, công suất xử lý cũng như phương án đảm bảo an toàn trong trường hợp thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19. Qua khảo sát, Sở nhận thấy công suất tiếp nhận xử lý chất thải y tế của công ty này khoảng 5 - 7 tấn/ngày. 

Như vậy, theo Sở TN&MT TP.HCM, tổng công suất các nhà máy xử lý chất thải y tế, chất thải có liên quan dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM hiện đáp ứng tối đa 49 tấn/ngày, gồm: Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (42 tấn/ngày) và Công ty CP Môi trường Việt Úc (5 - 7 tấn/ngày).

Ngày 13/7, Sở TN&MT TP.HCM đã có Công văn gửi Bộ Tư lệnh thành phố, Sở Y tế về việc phối hợp xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19. Theo đó, ngoài Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố thì Công ty Cổ phần Môi trường Việt Úc cũng sẽ tham gia thu gom và xử lý chất thải phát sinh do dịch Covid-19. Sở TN&MT đề nghị các đơn vị liên hệ Công ty Việt Úc để ký hợp đồng cung ứng dịch vụ, thực hiện thu gom vận chuyển và xử lý chất thải y tế do dịch Covid-19 tại các khu cách ly/bệnh viện dã chiến mới thành lập; đồng thời hỗ trợ hướng dẫn nhân viên của Công ty Việt Úc về quy định phòng, chống Covid-19 trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các khu vực nói trên.

Sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp

Tuy nhiên, theo Sở TN&MT, tình hình dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, TP.HCM phát sinh nhiều điểm có nhu cầu thu gom chất thải, khối lượng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 tăng cao. Hiện tại, TP.HCM có 9 khu cách ly tập trung cấp thành phố, 3 khu cách ly tập trung của quân đội, 58 khu cách ly tập trung của quận huyện, 58 khu cách ly khách sạn, các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị và các khu cách ly mới dự kiến hình thành. Cho nên, TP.HCM cần phải có phương án quản lý chất thải với các kịch bản nhà máy xử lý chất thải y tế của thành phố quá tải và các tình huống khẩn cấp khác (nếu có).

Vì vậy, nhằm kịp thời thu gom, xử lý chất thải liên quan Covid-19 trên địa bàn thành phố, Sở TN&MT kiến nghị Bộ TN&MT xem xét chấp thuận cho thành phố sử dụng các lò đốt chất thải hiện hữu để thực hiện xử lý chất thải phát sinh trong các khu vực cách ly tập trung, khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến… để tham gia tăng cường hỗ trợ thành phố trong tình hình dịch diễn biến phức tạp. Đồng thời, sẵn sàng ứng phó trường hợp chất thải liên quan Covid-19 gia tăng đột biến vượt quá công suất lò đốt chất thải y tế - nguy hại hoặc nhà máy xử lý chất thải y tế gặp sự cố cần có các kịch bản sẵn sàng ứng phó.

Cụ thể, TP.HCM hiện có các công ty đang vận hành thử nghiệm đốt chất thải công nghiệp - nguy hại có quy mô diện tích rộng, công trình xử lý chất thải tập trung tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, gồm: Công ty Cổ phần kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu (17 ha, hiện đã đầu tư 2 lò đốt chất thải công nghiệp công suất 1.000 kg/giờ/lò), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh (47 ha, hệ thống xử lý chất thải nguy hại gồm 2 lò đốt công suất 1.000 kg/giờ/lò). Ngoài ra, đơn vị xử lý chất thải bằng phương pháp đốt hiện nay trên địa bàn thành phố còn có Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa đang hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi) với hệ thống 14 lò đốt rác sinh hoạt.

Để đảm bảo điều kiện thực hiện, Sở TN&MT sẽ phối hợp cùng Sở Y tế, Sở KH&CN và các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá khả năng đáp ứng xử lý chất thải liên quan dịch Covid-19 của các đơn vị này để tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM trong tình huống cấp bách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý chất thải y tế liên quan Covid-19 tại TP.HCM: Sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO