(TN&MT) - Cùng với tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ thì chất thải rắn (CTR) đô thị cũng là vấn đề nhức nhối ở nước ta. Trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế thì đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư nhằm thu hút các thành phần kinh tế và sự chung tay của cả cộng đồng được xem như “lối thoát” cho bài toán nan giải trên.
Quá tải lượng rác cần xử lý
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam ước tính khoảng 12,8 triệu tấn/năm, trong đó khu vực đô thị là 6,9 triệu tấn/năm (chiếm 54% ) lượng CTR, còn lại tập trung tại các huyện lỵ, thị xã, thị trấn.
Dự báo tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị đến năm 2020 sẽ là khoảng 22 triệu tấn/ 1năm. Lượng CTR đô thị phát sinh chủ yếu tập trung ở 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Chất thải sinh hoạt đổ tràn lan tại một số kênh rạch ở Hà Nội
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc là 61.500 tấn/ngày (thành thị là 31.000 tấn/ngày, nông thôn 30.500 tấn/ngày. Có tới 85% đô thị từ thị xã trở lên sử dụng phương pháp chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh.
Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, khối lượng CTR trên địa bàn tăng trung bình 15%/năm. Lượng CTR đô thị phát sinh đã tới hơn 6.500 tấn/ngày. Ước tính, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt ở các quận nội thành đạt khoảng 95%, các huyện ngoại thành chỉ đạt khoảng 65%. Lượng CTR công nghiệp được thu gom đạt khoảng 85-90% và chất thải nguy hại được thu gom mới chỉ đạt 60-70%.
Xã hội hóa – Giảm gánh nặng công
Trong chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu đến năm 2015 có 85% tổng lượng chất thải đô thị phát sinh được thu gom và xử lý bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, 50% tổng lượng chất thải xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý. Để thực hiện mục tiêu này, việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn để áp dụng vào điều kiện cụ thể đang là bài toán khó cho chính quyền các địa phương.
Bởi, ở hầu hết các địa phương, các công ty môi trường đô thị URENCO (thuộc loại hình doanh nghiệp (DN) Nhà nước) đảm trách. Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổng cục Môi trường, khối lượng công việc của các URENCO lớn như vậy nhưng nguồn nhân lực tại các DN này lại chủ yếu là công nhân thu gom và lái xe (chiếm hơn 70% nguồn nhân lực của DN).
Trong khi các công ty Nhà nước bộc lộ những yếu kém trong công tác quản lý và vận hành thì khối DN tư nhân lại đang có những tiến bộ đáng ghi nhận, nhất là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - những địa phương đi đầu trong công tác xã hội hóa thu gom rác thải.
Tại Hà Nội, sự tham gia của các DN tư nhân, như các công ty CP: Dịch vụ môi trường Thăng Long, Tây Đô, Xanh và HTX Thành Công… Ở TP. Hồ Chí Minh là các đơn vị tư nhân với các nhà máy, dự án quy mô như dự án tái chế rác thải của Công ty Vietstar đạt công suất 1.200 tấn/ngày; dự án Khu liên hợp CTR Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý CTR Việt Nam có công suất 3.000 tấn/ngày với những hạng mục tái chế rác thành phân compost hiện đại… Các nhà máy xử lý CTR này đều có công nghệ hiện đại, có khả năng tái chế, tái sinh năng lượng và thân thiện với môi trường. Sự tham gia của các DN tư nhân đã làm giảm áp lực cho các URENCO, đồng thời khẳng định mở rộng các thành phần kinh tế tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải là hoàn toàn đúng và cần được nhân rộng.
Để huy động được nguồn lực quý báu này, theo nhiều chuyên gia, trước hết Nhà nước cần tạo các cơ chế khuyến khích, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho khu vực tư nhân trong các dịch vụ quản lý và xử lý CTR, đồng thời cần thực thi có hiệu quả một số chính sách ưu đãi đầu tư cho các dự án môi trường. Có như vậy mới “mở rộng” cánh cửa cho công tác xã hội hóa thu gom và xử lý rác thải các đô thị lớn.
Thụy Anh