Xót xa công trình thủy lợi tiền tỷ "đắp chiếu" hơn 14 năm

02/03/2017 00:00

(TN&MT) - Gần 14 năm kể từ khi xây dựng, đến nay công trình thủy lợi Trung Tiến – Phú Sơn thuộc xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn “đắp chiếu”, khiến cả trăm ha đất trồng lúa ở địa phương thường xuyên bị khô hạn, phải bỏ hoang.

Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đến nay, công trình hầu như không phát huy được hiệu quả như nguồn vốn đã đầu tư
Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đến nay, công trình hầu như không phát huy được hiệu quả như nguồn vốn đã đầu tư

Công trình thủy lợi Trung Tiến - Phú Sơn được xây dựng vào năm 2003 với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư. Công trình gồm các hạng mục: Trạm bơm, trạm biến áp, nhà điều hành và hệ thống kênh mương bằng bê tông dài 2km. Công trình được xây dựng nhằm cung cấp nước tưới cho khoảng hàng trăm ha lúa của các hợp tác xã Phú Sơn và Trung Tiến của xã Lộc Tiến. 

Trên thực tế, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đến nay, công trình hầu như không phát huy được hiệu quả như nguồn vốn đã đầu tư. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do khi vận hành, nước từ trạm bơm không chảy tới được các cánh đồng mà tràn vào vườn tược của dân và làm ngập đường sá. Đến thời điểm hiện tại, công trình thủy lợi này đã trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều hạng mục đã trở nên hoang phế, đổ nát hầu hết. Riêng nhà điều hành trạm bơm nhiều năm nay được người dân trong vùng tận dụng làm chuồng nuôi dê.

Đến thời điểm hiện tại, công trình thủy lợi này đã trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng
Đến thời điểm hiện tại, công trình thủy lợi này đã trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng

Ngoài ra, xung quanh nhà điều hành trạm bơm hiện nay đã trở thành điểm đổ rác lý tưởng cho người dân trong khu vực. Việc xây dựng trạm bơm và tuyến kênh thủy lợi không phát huy tác dụng gây lãng phí rất lớn về kinh tế của nông nghiệp và bức xúc trong nhân dân.

Ông Nguyễn Sắc (74 tuổi, thôn Trung Tiến) cho biết, vì công trình thủy lợi không phát huy tác dụng nên từ 10 năm nay, người dân trong vùng muốn cày cấy phải tự tìm nguồn nước tưới. “Người dân nơi đây thường đào mương dẫn nước từ các khe suối ra tưới tiêu cho đồng ruộng, tuy nhiên nguồn nước này thất thường nên việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Việc lấy nước cho đồng ruộng theo cách này thường chỉ thực hiện được trong vụ đông xuân, còn vụ hè thu thì rất hiếm nguồn nước”- ông Sắc kể. 

“Tiếc lắm chú à! Hồi mới xây công trình thủy lợi này bà con chúng tôi mừng lắm, cứ nghĩ rồi lúa sẽ tốt tươi hai vụ và không phải lo thiếu nước nữa. Vậy mà, từ đó đến nay chẳng có giọt nước nào chảy vào ruộng được cả. Tốn kèm hàng tỷ đồng của Nhà nước, mà lợi ích người dân không được hưởng, thật là lãng phí!”- ông Nguyễn Chánh than thở.

Xung quanh nhà điều hành trạm bơm hiện nay đã trở thành điểm đổ rác lý tưởng cho người dân trong khu vực
Xung quanh nhà điều hành trạm bơm hiện nay đã trở thành điểm đổ rác lý tưởng cho người dân trong khu vực

Theo ông Chánh, cũng như người dân Lộc Tiến cho hay, ngay từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng, công trình gặp sự cố không thể hoạt động được. Trong khi vận hành thử nghiệm đưa nước vào đồng ruộng thì toàn bộ nắp đậy trên hệ thống kênh mương bị bung, nhiều đoạn kênh bị vỡ, lún sụt.

Công trình còn gây cản trở trong việc lấy nước từ các khe suối để phục vụ sản xuất. Gần mười năm nay, cả trăm ha lúa của bà con thường xuyên bị khô hạn, mất mùa. Riêng vụ hè thu hằng năm, đồng ruộng bị bỏ hoang, không trồng được cây gì vì khô hạn. Đến mùa mưa lũ, nguồn nước từ các khe suối đổ về hệ thống kênh mương, tràn vào khu dân cư, vùng sản xuất gây ngập úng ruộng vườn, nhà của của người dân. Trong khi đó, công trình bị hư hỏng, không phát huy tác dụng gây lãng phí tiền của Nhà nước và bức xúc nhân dân.

Theo ông Vương Đình Cẩm- Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết, công trình thủy lợi Trung Tiến – Phú Sơn được xây dựng từ năm 2003 với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Công trình có nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất lúa tại 2 Hợp tác xã Trung Tiến và Phú Sơn thuộc xã Lộc Tiến với diện tích hơn 100 ha. “Việc công trình không hoạt động, hư hỏng nặng gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất tại địa phương. Nhiều vụ lúa mất mùa, không gieo cấy khiến đời sống một bộ phận người dân gặp khó khăn. Trong thời gian tới, xã Việc khắc phục công trình đảm bảo hoạt động cần thay đổi toàn bộ thiết kế, xây mới hoàn toàn, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn nằm ngoài khả năng của địa phương”- ông Cẩm trao đổi.

                                                                                         Bài & ảnh:Đức Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xót xa công trình thủy lợi tiền tỷ "đắp chiếu" hơn 14 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO