Xôn xao việc tu bổ, tôn tạo... bờ kè Hộ thành hào thuộc Kinh thành Huế

13/04/2019 16:36

(TN&MT) - Dư luận tại Huế những ngày qua đã và đang xôn xao việc hệ thống bờ kè Hộ thành hào Huế bị đơn vị thi công hạ giải hoàn toàn, sử dụng xe múc đào bới nền móng và thay bằng bờ kè mới. Hiện vụ việc đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho tạm dừng.

Hệ thống kè Hộ thành Hào có ý nghĩa quan trong đối với di tích Huế
Hệ thống kè Hộ thành Hào có ý nghĩa quan trong đối với di tích Huế

Xây mới bờ kè bằng bê tông

Qua tìm hiểu của PV, Hộ thành hào là hào nước bao bọc quanh Kinh thành Huế được triều Nguyễn xây dựng từ năm 1832. Công trình được đắp bằng đá núi (đá gan gà) theo kỹ thuật xếp đá khan không sử dụng vữa kết dính. Đây là một phần trong Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993. Sau gần 200 năm tồn tại cùng Kinh thành Huế, dòng chảy của Hộ thành hào ngày nay chịu nhiều tác động tiêu cực, từ phù sa lũ lụt bồi lắng đến áp lực rác thải của hàng ngàn cư dân tại chỗ.

Vào năm 2001, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định phê duyệt Dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” với tổng mức đầu tư hơn 1.280 tỷ đồng. Do một số khó khăn nên tỉnh điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 31/12/2020. Dự án này liên quan mật thiết đến “Cuộc di dân lịch sử trong Kinh thành Huế” sắp được thực hiện.

Trong tổng thể dự án này có phần “Tu bổ, tôn tạo hệ thống kè hộ thành hào bao gồm kè đá, lòng hào, tuyến phòng lộ và các bến cổng” với hạng mục “Tu bổ, tôn tạo hệ thống kè hộ thành hào”. Theo hồ sơ dự án, phương án tu bổ là “Bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt; hạ giải, tu bổ, phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng; gia cố, tu bổ những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ”.

Một đoạn bờ kè đã hư hỏng khiến tường Kinh thành Huế bị đứt gãy
Một đoạn bờ kè đã hư hỏng khiến tường Kinh thành Huế bị đứt gãy

Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ VHTT&DL từng gửi công văn đồng ý tu bổ bờ kè Hộ thành hào cho Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế. Công văn yêu cầu trung tâm này phải lựa chọn một số đoạn kè còn tốt, được xây dựng bằng kỹ thuật truyền thống, đảm bảo về kích thước và đủ khả năng chịu lực để gia cố chân móng tu bổ theo hiện trạng.

Hồ sơ dự án nêu rõ yêu cầu: “Gia cường hợp lý để phù hợp với điều kiện hiện tại, đặc điểm văn hóa, giữ gìn tái hiện không gian văn hóa lịch sử. Về phương án bảo tồn, ưu tiên giá trị nổi bật, bảo tồn được yếu tố gốc tối đa”.

Chủ dự án này là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Đơn vị thiết kế, thi công là Phân viện Khoa học - công nghệ miền Trung thuộc Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, trong thời gian mới tu bổ chỉ tầm 1 km bờ kè từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài, dư luận đã bức xúc cho rằng đơn vị thi công đã đưa các phương tiện cơ giới phá bờ kè gốc của hào nước sau đó xây kè gần như mới bằng bê tông, cốt thép.

Các phương tiện cơ giới được điều tới để phá bỏ bờ kè cũ
Các phương tiện cơ giới được điều tới để phá bỏ bờ kè cũ

Có mặt tại khu vực cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài ngày 11/4, theo ghi nhận của PV thì sau khi có những phản ứng trái chiều của dư luận, các phương tiện cơ giới đã được đơn vị thi công cho rút đi. Qua quan sát từ xa, một bờ kè hình thang gần như mới được xây dựng bằng đá granit, vữa xi măng, phần chân móng đúc bằng bê tông cốt thép, phần mặt ngoài kè là hình ảnh những viên đá gan gà nguyên gốc xen lẫn với đá mới.

Chuyên gia lên tiếng!

Trao đổi với báo chí, ThS. Trần Thanh Bình (nguyên giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế, Thành viên Hội đồng Tham vấn các nhiệm vụ Khoa học của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cho hay, tại cuộc họp lấy ý kiến, bên tư vấn thiết kế nói chỉ hạ giải những đoạn kè sụt lún nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến tính bền vững của tường thành. Hội đồng khoa học luôn giữ quan điểm phải bảo tồn tính nguyên vẹn cả về kiến trúc, kết cấu kỹ thuật và màu thời gian của di tích, chỉ phục hồi đối với những chỗ bị sụp đổ nhưng phải hạn chế tối đa làm mới...

“Trong phần thuyết minh tại hội đồng tham vấn thì họ nói có nhiều phần bị mất hết dấu vết của tường thành, bờ kè buộc phải làm lại. Nhưng quan điểm của các thành viên hội đồng thì làm lại cũng phải hạn chế tối đa sự làm mới bằng cách tìm lại những loại gạch cũ và cố gắng áp dụng phương pháp xếp khan để đảm bảo quy trình, kỹ thuật của di tích. Việc áp dụng những công nghệ hoặc cơ giới ở một số công trình di tích là phải hạn chế tối đa, dù biết một số việc phải cần đến những phương tiện này. Tuy nhiên, trong khi bờ kè còn nguyên thì không nên dùng cơ giới mà phá, không được làm như thế với di tích”- ông Bình chia sẻ.

Bờ kè đoạn từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài nay được xây mới hoàn toàn
Bờ kè đoạn từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài nay được xây mới hoàn toàn

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế cho rằng, bảo tồn di tích không chỉ với dấu tích trên mặt đất mà còn cả dấu vết, hiện vật dưới mặt đất. Lẽ ra khi tháo dỡ bờ kè cần phải có nhân viên chuyên môn khảo cổ học của phòng nghiên cứu, như quy định của luật Di sản văn hóa.

“Về việc tu bổ kè hộ thành hào, các thành viên của Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến hợp lý về chuyên môn. Hội đồng cũng chỉ là tư vấn cho trung tâm còn phía chủ dự án mới là đơn vị quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, nếu chủ dự án và đơn vị thi công thực hiện không đúng với nội dung phương án của dự án đã được duyệt thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm”- PGS. TS Bang nêu ý kiến.

Tạm dừng thi công

Liên quan đến sự việc trên, ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, do tác động của thời gian, thời tiết và hoạt động của con người nên qua khảo sát, bờ kè bị hư hỏng đến 70-80%, có những đoạn bị sụp hoàn toàn. Chất lượng kè Hộ Thành Hào đoạn từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài hư hỏng nặng, không còn đoạn nào có thể giữ nguyên trạng. Giải pháp tu bổ thiết kế thực hiện là hạ giải, tháo dỡ toàn bộ để làm lại, đảm bảo kè có tính ổn định và bền vững. Toàn bộ kích thước hình học, kiến trúc, diện mạo được đảm bảo như kè gốc và tận dụng tối đa vật liệu tháo ra để tái sử dụng...

Dự án đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tạm dừng
Dự án đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tạm dừng

“Dự án có quy mô rất lớn. Việc thi công đảm bảo tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế, bản vẽ nhưng chúng tôi thừa nhận là đã sơ suất trong quá trình thi công. Sơ suất ở chỗ theo giải pháp chỉ đạo, sau khi tháo dỡ, chọn lựa những viên đá còn có thể tái sử dụng, phần còn lại nằm dưới lòng hào, cách bờ trên 3m thì mới bắt đầu can thiệp bằng máy móc theo quy trình và định mức cho phép. Nhưng yêu cầu đó chưa được thực hiện một cách triệt để nên tạo phản ứng trong dư luận. Trước những ý kiến trái chiều, chúng tôi sẽ tiếp thu, rà soát để tiếp tục điều chỉnh. Trung tâm sẽ tăng cường nhân lực cho việc giám sát; chọn triệt để các tảng đá cũ để sử dụng lại, những địa điểm nào còn có thể bảo tồn được sẽ có những đánh giá, đánh dấu cụ thể; yêu cầu đơn vị thi công sử dụng đúng công cụ khi thi công. Chúng tôi sẽ cố gắng bảo tồn yếu tố gốc của di tích dù biết chi phí tôn tạo sẽ tăng lên...”- ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Đình Bách - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế  thông tin, UBND tỉnh dựa trên kết quả thẩm định của Bộ Văn hóa, Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng để phê duyệt dự án. Hiện tỉnh đã yêu cầu Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế tạm dừng thi công bờ kè, đồng thời rà soát lại các thủ tục, quá trình đánh giá, quy trình thi công để báo cáo lên UBND tỉnh...

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xôn xao việc tu bổ, tôn tạo... bờ kè Hộ thành hào thuộc Kinh thành Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO