Xã hội

Xóa nhà tạm – Động lực giảm nghèo trên vùng biên Lạng Sơn

Hoàng Nghĩa 28/06/2024 17:21

(TN&MT) - Những năm qua, công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn luôn được các cấp uỷ đảng, chính quyền ở Lạng Sơn quan tâm chỉ đạo sát sao. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cũng đã huy động mọi nguồn lực, chung tay giúp người nghèo xóa nhà dột nát, tạo động lực để họ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn.

PV: Xin ông cho biết công tác hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo thời gian qua đã được tỉnh Lạng Sơn quan tâm triển khai thực hiện như thế nào?

Ông Hoàng Anh Tuấn:

Căn cứ Chương trình phối hợp thống nhất hành động của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hàng năm, Ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo và công tác an sinh xã hội, chú trọng vận động trong đợt Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (17/10-18/11) hàng năm.

Trên cơ sở nguồn kinh phí vận động được từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh, Ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh đã hướng dẫn Ban Thường trực, Ban vận động Quỹ Vì người nghèo các huyện, thành phố phối hợp khảo sát, lập danh sách các hộ đủ điều kiện để hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, mức hỗ trợ theo quy chế của Ban vận động Quỹ Vì người nghèo Trung ương và Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo tỉnh, mức hỗ trợ từ 30 triệu - 50 triệu đồng/hộ/ căn nhà.

Từ các nguồn hỗ trợ đó, với nguồn đối ứng của gia đình, sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đóng góp ngày công, giờ công và các nguồn hỗ trợ khác các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã xây dựng được những căn nhà khang trang, giúp các hộ gia đình nghèo an cư lạc nghiệp, tập trung phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững.

20240628_073656.jpg
Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn.

PV: Ông có thể thông tin cụ thể hơn một số kết quả nổi bật trong công tác xóa nhà tạm mà Lạng Sơn đã đạt được thời gian qua?

Ông Hoàng Anh Tuấn:

Được sự quan tâm của cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và sự chung tay vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành, các cấp; sự ủng hộ tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân nên đã tuyên truyền, vận động, huy động được nhiều nguồn lực cùng hỗ trợ, giúp cho quá trình triển khai xây dựng nhà Đại đoàn kết được thuận lợi.

Từ năm 2021-2023, Ban Thường trực và Ban vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp đã hỗ trợ xây mới nhà cho 591 hộ; sửa chữa nhà cho 87 hộ, tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Những căn nhà bàn giao cho người dân được xây bằng gạch chỉ hoặc gạch bê tông, mái lợp tôn, nền lát gạch đảm bảo bền đẹp, an toàn khi có mưa bão xảy ra, diện tích xây dựng từ 40m2 đến 80m2/căn. Mỗi căn nhà sau khi hoàn thiện có giá trị từ 90 triệu đồng trở lên, đảm bảo kiên cố, phù hợp với nhu cầu sử dụng của các hộ gia đình.

Việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đã tạo được động lực và tiền đề quan trọng cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống.

PV: Quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, tỉnh Lạng Sơn có gặp những khó khăn, vướng mắc nào không, thưa ông?

Ông Hoàng Anh Tuấn

Là một tỉnh miền núi biên giới, nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, nguồn vốn để thực hiện Chương trình chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương cấp, việc huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách rất hạn chế, đặc biệt là kinh phí đối ứng để bổ sung vào quá trình làm nhà đối với các hộ nghèo, cận nghèo.

Việc thống kê đối tượng được hưởng hỗ trợ tại một số huyện, xã còn chưa chặt chẽ dẫn tới kết quả rà soát và số liệu đăng ký ban đầu có sự biến động. Việc lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương với nguồn vốn hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân theo hướng xã hội hóa tại các địa phương còn hạn chế.

Trong quá trình lựa chọn, rà soát hồ sơ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về quy hoạch đất ở, chuyển đổi mục đích sử dụng đất,…ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng được tiếp nhận hỗ trợ (các đối tượng khó khăn nhưng khó tiếp cận được với các nguồn hỗ trợ).

Bên cạnh đó, với mức hỗ trợ 40 triệu đồng cho công tác xây mới và 20 triệu đồng đối với sửa chữa thì các đối tượng khó khăn như người già, neo đơn, hộ sống ở vùng sâu, vùng xa… không có nguồn kinh phí để góp cùng nguồn vốn hỗ trợ để xây nhà đạt chuẩn theo yêu cầu “3 cứng”.

z5109137609576_5c38b58665d05319bc242709930d70ea-1-.jpg
Tỉnh Lạng Sơn hiện đang có hàng nghìn hộ gia đình cần sự hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở để ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế.

Ngoài ra, một số hộ gia đình do đường giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là vào lúc thời tiết mưa nhiều, gây ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển vật liệu, làm cho chi phí xây dựng nhà tăng cao. Tiến độ xây dựng một số nhà còn chậm do có hộ gia đình lựa chọn ngày khởi công theo phong thủy hợp tuổi.

PV: Xác định rõ những khó khăn, hạn chế, Lạng Sơn sẽ triển khai những nhiệm vụ, giải pháp nào để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đã đề ra?

Ông Hoàng Anh Tuấn

Để hoàn thành mục tiêu hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, kết hợp linh hoạt giữa chính sách cho vay ưu đãi của Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa của cộng đồng để các hộ tự cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chức trách nhiệm vụ của các đồng chí được phân công phụ trách địa bàn ở cơ sở trong công tác triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát; phân công cụ thể cán bộ phụ trách thôn, bản, tổ dân phố hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các hộ gia đình làm nhà theo đúng tiến độ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Kết hợp lồng ghép kế hoạch giảm nghèo của tỉnh với kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực lồng ghép khác cho công tác giảm nghèo bền vững.

Huy động tối đa nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và sự vào cuộc của các ngành, các cấp và nhân dân trong và ngoài tỉnh cùng chung tay thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu “Xoá nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh trong năm 2025.

img_20240628_081938.jpg
Từ năm 2021-2023, Lạng Sơn đã hỗ trợ xây mới nhà cho 591 hộ; sửa chữa nhà cho 87 hộ với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau vươn lên làm giàu chính đáng. Thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai đề án, kế hoạch hỗ trợ nhà ở tại các địa phương, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo, điều chỉnh, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ sở.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa nhà tạm – Động lực giảm nghèo trên vùng biên Lạng Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO